Chậm khắc phục các vi phạm trong quản lý đầu tư

Kết quả kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 cho thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị từ những năm trước chậm được khắc phục. Đặc biệt phải kể đến là tình trạng vi phạm các qui định về quản lý đầu tư như dự án chậm tiến độ, không phù hợp quy hoạch, chỉ định thầu chiếm tỷ lệ cao...

Năm 2009 gia tăng dự án vi phạm
Theo kết quả kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách năm 2009 cho thấy, chất lượng công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng khả năng về vốn nên số chi chuyển nguồn lớn, đầu tư thiếu đồng bộ. Theo đó, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, lập và phê duyệt báo cáo quyết toán đến giám sát, đánh giá đầu tư... từ những năm trước đã được KTNN phát hiện và kiến nghị nhưng chậm được khắc phục.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT), việc chấp hành chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty chưa được quan tâm đúng mức, có hiện tượng buông lỏng. Tính đến 20/3/2010 mới có 65/120 đơn vị gửi báo cáo, bằng 54,2%, thấp hơn các năm trước (năm 2007 có 60,3%, năm 2008 là 84,3%). Mặc dù vẫn còn một số báo cáo của các đơn vị chưa đầy đủ nhưng kết quả tổng hợp cho thấy, năm 2009 có 5.156 dự án vi phạm các qui định về quản lý đầu tư, chiếm khoảng 17,4% tổng số dự án đầu tư trong kỳ. Điều đáng nói là tỷ lệ vi phạm này của năm sau tăng hơn năm trước (năm 2006 là 13,4%, năm 2007 là 17,6% và năm 2008 là 20%). Các vi phạm phổ biến là: chậm tiến độ 5.021 dự án, không phù hợp qui hoạch 19 dự án, phê duyệt không kịp thời 73 dự án, ký hợp đồng không đúng qui định 19 dự án, đấu thầu không đúng qui định 18 dự án, chất lượng xây dựng thấp 25 dự án…

Bên cạnh đó, Bộ KH - ĐT và Bộ Tài chính không theo dõi đầy đủ số nợ đọng đầu tư xây dựng (ĐTXD) nên không có số liệu tổng hợp. Theo báo cáo của Bộ KH - ĐT, năm 2009 các địa phương đã bố trí 2.551 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng. Kết quả kiểm toán cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm bố trí vốn để xử lý nợ, một số đơn vị đã giải quyết dứt điểm tình trạng nợ trong năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa ưu tiên vốn để thanh toán nợ hoặc chưa chú trọng công tác này, để số dư nợ lớn. Cụ thể, tỉnh Ninh Bình nợ khối lượng đến 924,3 tỷ đồng nhưng số vốn chưa giải ngân phải chuyển nguồn sang năm sau lên tới 838,1 tỷ đồng; TP.HCM chưa theo dõi được nợ đọng ĐTXD trên địa bàn.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm chi ĐTXD năm 2009 hơn 1.287 tỷ đồng; trong đó thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai chế độ 129,4 tỷ đồng, giảm quyết toán NSNN các khoản đề nghị quyết toán không đủ thủ tục 426,1 tỷ đồng.

Vẫn tái diễn năm 2010
Điều đáng nói là những tồn tại kể trên vẫn diễn ra trong năm 2010. Đầu tiên phải kể đến việc chưa đảm bảo chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại nhiều Bộ, ngành, địa phương. Ở một số địa phương, việc phê duyệt quá nhiều dự án làm vượt quá khả năng về nguồn vốn, như: TP. Hải Phòng kế hoạch vốn chỉ đáp ứng được 12,8% nhu cầu của các dự án được phê duyệt; tỉnh Gia Lai trong năm phê duyệt 575 dự án mới với tổng mức đầu tư 5.243,6 tỷ đồng, gấp 3,7 lần kế hoạch vốn ĐTXD và 9,6 lần kế hoạch vốn cân đối ngân sách; tỉnh Kon Tum trong năm phê duyệt nhiều dự án với tổng mức đầu tư lớn, gấp 5,7 lần so với vốn ĐTXD…

Cá biệt có dự án do khảo sát lập dự án không kỹ, không thực hiện được đã gây lãng phí vốn đầu tư, ví dụ như tỉnh Sơn La có Dự án Trung tâm giống thủy sản cấp 1 thuộc Hệ thống thủy sản quốc gia tại xã Tông Cọ - Thuận Châu lãng phí 4,44 tỷ đồng do dừng thi công, Dự án Trụ sở HĐND và UBND huyện Mộc Châu lãng phí chi phí khảo sát địa chất 309 triệu đồng do phải khảo sát lại, Dự án Đường quốc lộ 6 - KCN Mai Sơn lãng phí chi phí khảo sát 226 triệu đồng do không thực hiện theo tuyến khảo sát ban đầu; Dự án Nâng cấp, cải tạo mạng lưới đường bộ (Dự án WB4) lãng phí 426 triệu đồng do thay đổi thiết kế…

Việc phê duyệt dự án đầu tư thiếu đồng bộ, khi dự án hoàn thành chưa được khai thác sử dụng làm giảm hiệu quả đầu tư như Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước Cà Ná - Phước Nam tại tỉnh Ninh Thuận hoàn thành bàn giao được 2 năm không được sử dụng.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại hầu hết các dự án chậm, thực hiện không triệt để dẫn đến đình hoãn, kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Việc lựa chọn nhà thầu vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế chưa được khắc phục, đặc biệt là việc chỉ định thầu còn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể: tỉnh Bắc Giang 1.182/1.331 gói, TP. Hải Phòng 634/719 gói, tỉnh Hưng Yên 409/470 gói… Cá biệt việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực phải thay thế nhà thầu khác làm tăng chi phí đầu tư như Dự án WB4 năng lực thi công gói thầu 10.11 yếu kém phải thay thế nhà thầu khác làm phát sinh gói thầu số 10.2 tăng chi phí 9,8 tỷ đồng; Dự án ĐTXD tuyến đường Nam Sông Hậu - gói 13A phải thay nhà thầu Tổng công ty Xây dựng và Thương mại làm tăng chi phí 53,8 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không yêu cầu tổng công ty chịu chi phí phát sinh như hợp đồng đã ký.

Tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các dự án. Nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài qua nhiều năm không có biện pháp khắc phục; không phát hiện và xử lý kịp thời việc thi công sai thiết kế; sử dụng vật liệu thi công không đúng chủng loại, quy cách; nhật ký thi công, giám sát sơ sài, thiếu chi tiết, cá biệt có dự án không có nhật ký của tư vấn giám sát…

Nghiệm thu, quyết toán một số dự án còn sai quy định; đặc biệt việc xử lý số dư tạm ứng của các dự án còn chậm, kéo dài qua nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp để thanh toán và hoàn ứng kịp thời, nhất là đối với các dự án đã dừng thi công.

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm chi ĐTXD năm 2010 với tổng số hơn 1.180 tỷ đồng; trong đó thu hồi nộp NSNN các khoản chi sai chế độ hơn 212,7 tỷ đồng, giảm thanh toán NSNN các khoản đề nghị quyết toán sai chế độ hơn 387,5 tỷ đồng…./.

Theo Báo Kiểm toán số 13/2012