Điều chỉnh lương theo CPI khi đáp ứng nhu cầu tối thiểu

(Chinhphu.vn) - Khi nào mức lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì lúc đó, việc điều chỉnh lương sẽ theo sự tăng, giảm của chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH đã nói như vậy với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về lộ trình thực hiện tiền lương trong thời gian tới bên lề hội nghị giới thiệu Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới đây tại Hà Nội
Thưa ông, theo quy định trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Vậy chúng ta xác định mức sống tối thiểu như thế nào?

Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay, nước ta đã hoàn toàn tính được mức sống tối thiểu căn cứ vào các nhu cầu của người lao động. Có 2 nhóm nhu cầu: Lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm. Thường thì nhu cầu lương thực thực phẩm tính theo calo, ví dụ đảm bảo cho người lao động 1 ngày là 2.300 calo thì trong đó bao nhiêu % là về lương thực và bao nhiêu % là thực phẩm. Từ nhu cầu về lương thực, thực phẩm, người ta tính về nhu cầu phi lương thực thực phẩm quy đổi. Cũng có cách xác định mức sống tối thiểu bằng cách tính chỗ ở, việc học hành, ăn mặc, giải trí.

Vậy sao chúng ta không xác định luôn năm 2013 (năm luật có hiệu lực) thì lương tối thiểu sẽ đáp ứng được nhu cầu này mà phải đợi đến năm 2015 (theo Kết luận số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 29/5/2012), thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Chúng ta đang điều chỉnh lương theo 2 yếu tố. Một mặt là nâng dần lên mặt bằng để đáp ứng nhu cầu tối thiểu, mặt khác phải đảm bảo tiền lương thực tế. Giờ phải có lộ trình để đưa lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Khi đạt được mục đích rồi thì ta sẽ điều chỉnh lương tối thiểu theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Một điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là việc thành lập Hội đồng tư vấn tiền lương quốc gia. Xin ông cho biết vai trò của Bộ LĐTB&XH trong Hội đồng này có khác gì so với hiện tại, thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Ngày 1/5/2013, Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực thì những lần điều chỉnh (lương tối thiểu- PV)  từ năm 2014 trở đi, Hội đồng tiền lương quốc gia mới thực hiện chức năng tư vấn, khuyến nghị Chính phủ về ban hành mức lương tối thiểu.

Lúc đó, Bộ LĐTB&XH sẽ đóng hai vai, nếu thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia thì theo cơ chế hoạt động của Hội đồng, nếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước thì vẫn phải nghiên cứu, đề xuất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu. Có thể phương án của Bộ trùng với Hội đồng nhưng cũng có thể khác và cần phải lý giải để đưa ra phương án chung.

Ông đã từng nói rằng mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu Bộ LĐTB&XH rất vất vả vì Bộ muốn lương tăng lên nhưng đại diện doanh nghiệp lại không đồng tình. Đến nay, trong Hội đồng tiền lương quốc gia có sự tham gia của Bộ, Tổng Liên đoàn và đại diện doanh nghiệp. Vậy làm sao để giảm bớt sự “đối lập” về điều chỉnh lương trong tổ chức mới này, thưa ông?

Ông Phạm Minh Huân: Hiện nay, việc thay đổi lương theo cơ chế 3 bên, nhưng chỉ là Chính phủ đưa ra phương án và lấy ý kiến đóng góp. Khi thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia thì cơ chế sẽ khác. Bên cạnh các bên như nói trên, Hội đồng có thể mời thêm các chuyên gia phản biện để đi tới thống nhất phương án điều chỉnh lương kèm theo các phân tích, diễn giải.

Xin cám ơn ông!

Khoản 2, Điều 91 Bộ luật lao động (sửa đổi): Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế- xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Điều 92 của Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định: “Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hộ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương.

Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia”.

Theo chinhphu.vn