Tham dự Hội nghị có Phó Tổng KTNN Cao Tấn Khổng - Ủy viên Thường trực, các Ủy viên gồm: Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Phó viện trưởng Viện NCLP của Quốc hội Hoàng Văn Tú, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KTNN Doãn Anh Thơ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế KTNN Lê Huy Trọng.
Luật KTNN là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN. Sau 5 năm thi hành Luật KTNN, địa vị pháp lý của KTNN được nâng lên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN được quy định đầy đủ hơn; quy mô, loại hình và chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường; vị trí, vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định, đặc biệt là việc thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện, một số quy định của Luật KTNN đã bộc lộ những bất hợp lý, cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN. Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, cụ thể những mặt đã làm được, những hạn chế, tồn tại qua 5 năm thi hành Luật KTNN, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật dựa trên 05 quan điểm: Một là: Thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTNN trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Đất nước và của các địa phương. Hai là: Hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN trên cơ sở bảo đảm tính độc lập cao hoạt động của KTNN; khẳng định vị trí vai trò của KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước trong công cuộc đổi mới. Ba là: Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật KTNN hiện hành; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ hoặc thiếu thống nhất, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN; bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ, Luật NSNN và các Luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Bốn là: Mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán và nhiệm vụ của KTNN bảo đảm bao quát hết nhiệm vụ của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính Nhà nước và tài sản công. Mở rộng hoạt động kiểm toán doanh nghiệp theo hướng vừa kiểm toán doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, vừa kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối. Năm là: Tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của KTNN phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu với các góc nhìn khác nhau đã tập trung thảo luận làm rõ: Sự tương thích và phù hợp giữa các quy định của Luật KTNN với các quy định của các luật liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam; sự cần thiết phải quy định địa vị pháp lý của KTNN, Tổng KTNN trong Hiến pháp; trình tự, thủ tục, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng KTNN, Phó Tổng KTNN phù hợp với các quy định hiện hành; mô hình, cơ cấu tổ chức của KTNN; phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN; chức năng, nhiệm vụ của KTNN liên quan đến hoạt động phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nợ công... Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chú trọng công tác tiền kiểm, kiểm toán dự toán phân bổ ngân sách Trung ương và các Quỹ tập trung ngoài ngân sách, đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch hoạt động quản lý, sử dụng các nguồn tài chính quốc gia. Cũng theo các đại biểu, Luật sửa đổi, bổ sung cần quy định cụ thể hơn chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; quy định cụ thể mối quan hệ giữa KTNN với Chính phủ, Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội và HĐND, UBND các cấp; mối quan hệ giữa KTNN với các loại hình kiểm toán khác.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ban soạn thảo và các đơn vị liên quan qua các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội nghị. Theo Tổng KTNN, các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý sẽ được Ban soạn thảo và Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN trình Quốc hội theo kế hoạch./.
Hà Linh