Phải thể hiện được sự trân trọng đối với trí tuệ và tình cảm của nhân dân

Tại Hội thảo Quy trình, thủ tục, cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp - UBTVQH tổ chức, nhiều ý kiến đồng thuận và nhấn mạnh: việc lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành thật sự cởi mở, công khai, minh bạch và dân chủ, tránh hình thức và trình diễn. Nhưng, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một cơ chế tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân tích và đặc biệt là phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân một cách hiệu quả để bảo đảm mọi ý kiến đóng góp của nhân dân đều được nghiên cứu, xem xét và giải trình, góp phần làm cho những quy định của Hiến pháp thực sự là sự kết tinh ý chí và trí tuệ của nhân dân. Chỉ có như vậy mới thể hiện được sự trân trọng đối với trí tuệ và tình cảm của nhân dân.

Tuy chưa được quy định cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật nào, song trên thực tế việc lấy ý kiến nhân dân đã được tổ chức nhiều lần trong quá trình xây dựng, ban hành các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và cả khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 vào năm 2001. Lúc này, khi nước ta tiếp tục sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 cho phù hợp với tình hình mới, việc lấy ý kiến nhân dân được đặt ra. Một trong sáu quan điểm quan trọng chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã được Hội nghị lần thứ Hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI xác định: “... sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân…”. Tuy nhiên, theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, do chưa có quy định rõ ràng về quy trình, thủ tục, trình tự lấy ý kiến nhân dân nên việc này trước đây thường được thực hiện theo chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ yếu là trong hệ thống chính trị nên còn mang tính hình thức. Và cũng bởi chưa có quy định rõ ràng nên trong thực tế còn nhiều vấn đề chưa thống nhất và sáng tỏ.

Trước hết đó là: mục đích của việc lấy ý kiến nhân dân là gì? Có phải duy nhất và đơn thuần là để nhân dân góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi hay không? Thạc sỹ Bùi Ngọc Sơn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, theo lý thuyết Hiến pháp học so sánh, thì việc lấy ý kiến nhân dân có 3 mục đích chính: thứ nhất, tạo nên sự chính đáng của chính quyền và sự chính đáng của bản Hiến pháp đó; thứ hai, khách quan hóa Hiến pháp với chính quyền, minh bạch Hiến pháp với người dân, làm cho Hiến pháp không còn là công cụ tùy ý của chính quyền lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lạm quyền; và mục đích thứ ba, rất quan trọng, đó là giáo dục dân chúng về chính quyền hợp hiến, về Hiến pháp, làm cho những nội dung của Hiến pháp trở thành những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày của người dân, trở thành chủ đề thảo luận trên mọi diễn đàn. Đồng tình với quan điểm này, PGS Trương Đắc Linh, Đại học Luật TP Hồ Chí Minh nhắc lại câu chuyện khi xây dựng Hiến pháp 1980, Bộ Chính trị đã ban hành một chỉ thị nêu rõ, việc lấy ý kiến nhân dân gồm có những mục đích: làm cho người dân hiểu rõ về chế độ mới, về tổ chức bộ máy nhà nước, về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; thông qua thảo luận, các cơ quan nhà nước không chỉ lắng nghe ý kiến, tâm nguyện, mong muốn của nhân dân mà đây còn là dịp để các cơ quan nhà nước tự thảo luận trong chính nội bộ cơ quan để nhìn nhận lại những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật; và cuối cùng là phân loại, ghi nhận, lưu trữ những ý kiến góp ý làm dữ liệu xây dựng các văn bản pháp luật sau này để cụ thể hóa Hiến pháp. Nếu cũng xác định và thống nhất rõ quan điểm như vậy trong đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sắp tới thì chúng ta sẽ tránh được tình trạng bị động, lúng túng khi tiến hành.

Ở một góc độ khác, theo ĐBQH Dương Trung Quốc, nên có cách hiểu chính xác hơn về khái niệm “nhân dân”. Nhân dân là ai? Có phải là toàn bộ hơn 87 triệu người từ trẻ đến già hay không? Không thể dân túy nghĩ rằng, tất cả mọi người dân đều tham gia và có thể tham gia làm Hiến pháp. Vì vậy, rõ ràng khái niệm nhân dân ở đây phải mang tính định lượng. Lấy ý kiến nhân dân không thể dàn trải trên mọi miền đất nước mà nên thông qua các tổ chức đại diện cho nhân dân đó là các tổ chức chính trị -  xã hội, các mặt trận, đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp... Có nghĩa là phải xác lập rõ những địa chỉ có thể lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi và cả những tổ chức đại diện cho những nhóm lợi ích, nhóm cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để có thể tiếp cận được vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, cả chiều rộng và chiều sâu. Cùng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Như Phát, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, do năng lực không đồng đều của các tầng lớp nhân dân và do mối quan tâm cũng như lợi ích của các nhóm công dân không giống nhau nên cần phân loại các tầng lớp, thành phần để xác định những nhu cầu và mục đích có thể khác nhau của các dạng lấy ý kiến nhân dân theo địa bàn dân cư, theo cơ quan tổ chức, theo nghề nghiệp... Có như vậy mới tìm thấy được ý chí của nhân dân trong sự phức tạp, đa dạng và đa chiều của cơ cấu lợi ích xã hội.

Để đạt được kết quả như mong đợi là huy động được sự tham gia đầy đủ, đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân với nhiều ý kiến có chất lượng thì chắc chắn việc lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành theo những quy trình, nguyên tắc nhất định, chặt chẽ và khoa học. Đó là việc lấy ý kiến nhân dân phải có sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng; thật sự cởi mở, công khai, minh bạch và dân chủ, tránh hình thức và trình diễn; nội dung cơ bản của dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhất là những vấn đề mới, liên quan đến lợi ích thiết thân của nhân dân được phổ biến rộng rãi để nhân dân có điều kiện đóng góp ý kiến. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân cũng phải được đa dạng hóa như tổ chức hội nghị, tọa đàm chuyên sâu, tiếp nhận thư góp ý, lấy ý kiến qua các phương tiện thông tin đại chúng... Song, từ thực tiễn tham vấn ý kiến nhân dân về các dự án luật của Bộ Tư pháp, TS Dương Thanh Mai cho rằng, các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có internet là một công cụ hữu hiệu, không thể không sử dụng nhưng không nên quá ỷ lại vào các công cụ này. Một kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng, trong 4 năm từ 2008-2012, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã đăng tải hơn 40 dự án luật nhưng chỉ có 17 dự án luật nhận được sự góp ý của người dân với 59 ý kiến. Cũng trong thời gian này, Bộ Tư pháp chỉ nhận được 40 ý kiến đóng góp cho 11/14 dự án luật đã đăng tải, nghĩa là chỉ có hơn 3 ý kiến cho mỗi dự án luật. Một con số rất khiêm tốn! Bên cạnh đó, nếu lấy ý kiến nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng thì cần đăng tải những nội dung nào cũng là câu hỏi cần suy nghĩ. Hiến pháp là đạo luật gốc, văn bản chính trị pháp lý quan trọng nhất của quốc gia, nếu chỉ đăng tải nội dung dự thảo Hiến pháp thì rõ ràng là không đủ và người dân sẽ rất khó góp ý khi mà trình độ của họ không thực sự đồng đều. Có thể tham khảo một kinh nghiệm hiệu quả mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã làm trong thời gian qua đó là khi đăng tải các văn bản pháp luật cần lấy ý kiến thì sẽ đăng tải kèm theo một danh mục gợi ý về những vấn đề lớn, quan trọng cần lấy ý kiến nhân dân; các bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề đang tranh luận để người dân tham khảo và qua đó hình thành nên ý kiến riêng của họ. Nên chăng khi chưa có dự thảo Hiến pháp hoàn chỉnh thì chúng ta có thể đăng tải báo cáo tổng kết thực tiễn 20 năm thi hành Hiến pháp để người dân sớm được tiếp cận và sớm hình dung, nắm bắt được những vấn đề bất cập, cần sửa đổi từ chính thực tiễn thi hành Hiến pháp – TS Dương Thanh Mai đề xuất. Một số ý kiến cũng đề nghị, cần thông tin, tuyên truyền đầy đủ, rộng rãi về mục đích và yêu cầu của việc lấy ý kiến nhân dân, về ý tưởng của ban soạn thảo, về giá trị của ý kiến đóng góp... Công tác này phải được tiến hành kịp thời và trên tinh thần quyền tự do thông tin, quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Đã có không ít ý kiến băn khoăn cho rằng, khi Hiến pháp nói chung và các văn bản quy phạm pháp luật nói riêng được xây dựng, ban hành để cụ thể hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là dự thảo các văn bản này – nếu được đưa ra để lấy ý kiến nhân dân - cũng chỉ được công bố khi đã gần như hoàn thiện thì liệu ý kiến đóng góp của nhân dân có thể thay đổi được một câu, thậm chí một chữ hay không? Băn khoăn này không phải không có cơ sở. Nguyên Chủ nhiệm VPQH, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão từng có 4 câu thơ vui từ thực tiễn tham vấn ý kiến nhân dân: “Ý kiến của đồng chí rất hay/ Nhưng tiếp thu rất gay/ Xin đại biểu vui lòng chấp nhận/ Và tiếp tục phát biểu hăng say!!!”.

Chính vì lẽ này, một nguyên tắc quan trọng được nhiều ý kiến tại hội thảo đề cập hơn cả là cần tôn trọng và thừa nhận sự đa chiều, đa dạng của các ý kiến. Trên cơ sở đó phải xây dựng được một cơ chế tiếp nhận, thu thập, tổng hợp, phân loại, phân tích và đặc biệt là phản hồi ý kiến đóng góp của nhân dân một cách hiệu quả, bảo đảm mọi ý kiến đóng góp của nhân dân đều được nghiên cứu, xem xét và giải trình. Vì sao ý kiến này được tiếp thu, ý kiến kia không được tiếp thu? Tất cả đều phải được công khai và giải trình rõ ràng. Cũng cùng suy tư về vấn đề này, song theo TS Dương Thanh Mai, có lẽ chúng ta đừng nên quá bi quan - rằng nhân dân góp ý thì góp ý thế thôi nhưng chắc gì đã sửa được một chữ trong dự thảo Hiến pháp - nếu chúng ta làm thật sự nghiêm túc, thật sự chu đáo, thật sự cầu thị. Có như vậy thì việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mới thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi, sâu rộng, chất lượng trong toàn dân, góp phần làm cho những quy định của Hiến pháp thực sự là sự kết tinh ý chí và trí tuệ của nhân dân. Thật sự nghiêm túc, thật sự chu đáo, thật sự cầu thị thì mới thể hiện được sự trân trọng đối với trí tuệ và tình cảm của nhân dân.

Thời gian tiến hành lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 không nhiều, chỉ diễn ra trong hai tháng từ tháng 2 đến tháng 4. 2013. Thời gian chuẩn bị cho công việc hệ trọng này không còn dài. Để tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc lấy ý kiến nhân dân, để hóa giải những băn khoăn, lo lắng trên, để những băn khoăn trên không trở thành sự thật, hoàn toàn có thể trông chờ và tin tưởng vào một Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được QH ban hành, trong đó quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, quá trình tổ chức thực hiện lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Theo daibieunhandan.vn