Hiện nay, các ngân hàng đều có công ty mua bán nợ riêng để tham gia xử lý nợ của chính ngân hàng đó hoặc mua bán nợ với ngân hàng khác. Thế nhưng, với đặc điểm là quy mô vốn nhỏ, lợi ích không tách biệt với ngân hàng mẹ, nên các đơn vị này không thể xoay sở với đống nợ xấu lớn tới 260.000 tỷ đồng. Do vậy, kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, có thể hình thành một hay một số công ty mua bán nợ quốc gia.
Về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing TP Hồ Chí Minh Phạm Hữu Hồng Thái cho biết, từ năm 1998 đến 2002, Thái Lan đã thành lập bốn công ty xử lý nợ quốc doanh để mua lại nợ của năm ngân hàng thương mại Nhà nước thông qua mô hình tái cấp vốn. Tuy nhiên, nhược điểm của công ty mua bán nợ quốc gia là xét duyệt mua những khoản nợ dễ dãi, hoặc có thể thiếu cơ chế cung cấp thông tin để nhiều đơn vị khác tham gia giám sát xem họ hoạt động hiệu quả không. Song nếu đặt lên bàn cân so sánh với nhiều biện pháp khác, ông Phạm Hữu Hồng Thái vẫn cho rằng, nên thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, hay còn gọi là AMC quốc gia. Và nếu so sánh giữa các hình thức AMC tư nhân và AMC quốc gia, thì mô hình công ty xử lý nợ tập trung cấp quốc gia để xử lý nợ xấu ngân hàng sẽ phù hợp với tình hình của nước ta. Vì mô hình này tuy có rủi ro, nhưng cũng có nhiều ưu thế, đặc biệt là trong bối cảnh khung pháp lý xử lý nước ta chưa được hoàn thiện. Đề xuất này cũng được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình do Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính hiện naykhông đủ khả năng giải quyết được khoản nợ xấu khổng lồ hiện nay. Hơn nữa, chức năng, nhiệm vụ của công ty này cũng chỉ là giải quyết nợ và tài sản tồn đọng cho các doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, dù nhất trí quan điểm cần hình thành công ty mua bán nợ quốc gia, các chuyên gia vẫn chưa ngã ngũ một công ty như vậy cần được thành lập như thế nào. Dưới góc nhìn của một nhà tư vấn thuế, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, thay vì hình thành một công ty mua bán nợ quốc gia mới hoàn toàn, nên phát triển Công ty mua bán nợ Việt Nam trở thành doanh nghiệp này. Bởi ở góc nhìn nào đó, chức năng của DATC cũng là mua bán nợ. Nếu hiện tại chức năng này chỉ là xử lý nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước, thì có thể bổ sung chức năng mua bán nợ để cải cách cả doanh nghiệp tư nhân.
Cùng đồng tình với cách làm trên, nhưng theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trước khi chuyển đổi DATC phải có tổng kết đánh giá về hoạt động từ khi thành lập đến nay xem hiệu quả đến đâu. Như thế mới biết được điểm mạnh, điểm yếu cần cơ chế bổ sung. Bước tiếp theo của việc hình thành công ty mua bán nợ quốc gia, theo chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển, cần xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. Trước hết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng Nghị định về xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, quy định cụ thể cả quyền hạn và mức chiết khấu nợ xấu, vì không thể mua khoản nợ này nguyên giá, giữa tổ chức mua và ngân hàng bán lại rất khó thỏa thuận về giá. Trong cơ chế hoạt động cho Công ty mua bán nợ quốc gia này, điểm mà nhiều chuyên gia kinh tế lưu tâm là cần có cơ chế để tránh chuyện doanh nghiệp có thể mua nợ với giá quá cao, gây thất thoát vốn, hoặc mua nợ với giá quá thấp, ép giá ngân hàng. Cả hai nguy cơ này đều gây méo mó thị trường nợ.
Theo Giám đốc Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam Nguyễn Thị Mùi, điểm cần lưu ý là vốn hoạt động của Công ty mua bán nợ quốc gia được huy động từ nguồn nào. Song, có thể thấy, dù là nguồn từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính hay phát hành trái phiếu để bán cho ngân hàng thương mại đang dư dật vốn đều phải bàn kỹ. Bởi mỗi nguồn này có ưu điểm, hạn chế, nhất là phải đặt nguồn này trong bối cảnh có thể xảy ra tái lạm phát cao. Đặc biệt là có cơ chế kiểm soát chi tiêu nguồn này, vì dù là nguồn vốn nào, thì cũng là nguồn lực quốc gia. Theo ông Trương Đình Tuyển, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể ứng vốn trước cho định chế tài chính mua bán nợ quốc gia, nhưng bản thân định chế tài chính này sau khi thành lập cần phát hành chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu để thu hút vốn. Sau đó, dùng nguồn vốn đó xử lý nợ xấu.
Có thể luận lại là mặc dù ngân hàng và doanh nghiệp là hai chủ thể chính chịu trách nhiệm về vấn đề nợ xấu, nhưng nếu cứ để hai đối tượng này loay hoay với khoản nợ xấu khổng lồ, thì chưa biết đến bao giờ nợ xấu mới xử lý xong. Như thế, nền kinh tế tiếp tục lâm vào khó khăn, vì hệ thống ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế vẫn tắc nghẽn. Cộng thêm với kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rõ ràng cần hình thành một định chế tài chính quốc gia xử lý nợ xấu. Nhưng có lẽ điểm gây tranh cãi nhất là lấy đâu ra vốn cho công ty này hoạt động vẫn chưa rõ ràng. Và dù nguồn vốn ở đâu thì nhất định không thể lấy toàn bộ vốn từ ngân sách Nhà nước. Vốn ngân sách chỉ có thể ứng một phần như vốn mồi mà thôi. Do vậy, bài toán nguồn vốn cho định chế tài chính mua bán nợ quốc gia vẫn phải tiếp tục tìm lời giải, nếu không, nợ xấu sẽ ngày một lớn lên và phức tạp hơn.
Theo daibieunhandan.vn