Trong báo cáo ngày 24/9, JPMorgan nhận định, mức tăng CPI 2,2% trong tháng 9 so với tháng 8 là cao hơn dự kiến, bởi trong 8 tháng trước đó, CPI chỉ tăng bình quân mỗi tháng 0,2%.
Báo cáo cũng chỉ rõ rằng, nguyên nhân khiến CPI tháng 9 tăng mạnh nằm ở 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục, giao thông, và lương thực-thực phẩm.
Theo chuyên gia Matt L Hildebrandt, người thực hiện bản báo cáo, lạm phát thường có xu hướng tăng vào cuối năm, với giá cả của các nhóm hàng hóa và dịch vụ trên cùng tăng, ngoại trừ nhóm y tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ở Việt Nam cùng yếu đi, JPMorgan Chase cho rằng CPI sẽ không tăng vọt vào cuối năm như đã từng xảy ra những năm trước. Mức lạm phát 5% so với cùng kỳ năm trước sẽ khó duy trì và lạm phát sẽ tiếp tục hướng tới ngưỡng 9% trong thời gian còn lại của năm.
Trên cơ sở này, JPMorgan Chase cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể dừng việc cắt giảm lãi suất cho tới hết năm nay. Đồng thời, mức lạm phát thấp và ổn định sẽ giúp Việt Nam ổn định được cán cân thanh toán, tỷ giá đồng nội tệ cũng như dự trữ ngoại hối.
Theo công bố ngày 24/9 của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 5,13% so với tháng 12/2011. Sau 9 tháng, tức là sau 3/4 thời gian của năm, CPI tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 8 năm trước đó.
Đây cũng là con số thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu và chỉ bằng khoảng 70% mục tiêu định lượng mới. Chỉ tiêu kế hoạch CPI cả năm nay được đề ra từ cuối năm trước là dưới 10% và được định lượng lại vào giữa năm là 7- 8%.
Theo chinhphu.vn