Giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm

Công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát là đòi hỏi tất yếu trong đổi mới hoạt động của HĐND, là đòi hỏi của cử tri đối với hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; nhất là khi Vĩnh Phúc đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường.

Sáng tạo, năng động trong thực tiễn là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND; phải tìm tòi, đổi mới hình thức và phương thức, nội dung giám sát sao cho vừa đúng luật, vừa phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Giám sát phải sâu và có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải là điểm đổi mới và cũng chính là đòi hỏi từ thực tiễn hoạt động giám sát. Muốn nghị quyết của HĐND thực thi nghiêm túc, thì việc giám sát của HĐND phải đặc biệt coi trọng; phải khắc phục triệt để các hạn chế tồn tại trong hoạt động giám sát.

Thời gian qua HĐND các cấp ở Vĩnh phúc có nhiều hình thức hoạt động giám sát sáng tạo, chủ động, tích cực mang lại những kết quả bước đầu. Hoạt động giám sát của HĐND từng bước nâng cao chất lượng, khẳng định rõ nét hơn vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn của cơ quan dân cử,  bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cử tri, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương...  Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát của HĐND tồn tại một số hạn chế làm giảm hiệu lực, hiệu quả giám sát. Nguyên nhân của những tồn tại ở ngay trong các khâu của quy trình hoạt động; ở hệ thống văn bản pháp luật và cả trong phát huy vai trò của các ban, tổ đại biểu và trách nhiệm đại biểu. Vì vậy, việc khắc phục các tồn tại cần thiết phải đi vào từng công đoạn, giải pháp cho từng vấn đề cụ thể; đi vào những vướng mắc trong thực tiễn hoạt động và các kiến nghị yêu cầu của cử tri. Có thể đề cập một số giải pháp sau: 
 
Trước hết, cần quan tâm chỉ đạo và nâng cao kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, lựa chọn, quyết định nội dung và đối tượng giám sát. Đây là công việc ban đầu rất quan trọng. Việc thu thập, xử lý thông tin, lựa chọn, quyết định nội dung và đối tượng giám sát cần tập trung vào những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Vấn đề này phải trên cơ sở chương trình giám sát trong năm và những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong đời sống xã hội để xây dựng kế hoạch, quyết định thành lập đoàn giám sát, phân công thực hiện, tránh chồng chéo hoặc trùng lắp hoạt động giám sát giữa Thường trực, các Ban HĐND. Có thể nói sự lựa chọn đúng, kịp thời quyết định quan trọng hiệu quả hay sự thành bại trong giám sát.

Thứ hai, hệ thống hóa, cập nhật thường xuyên các chính sách, chế độ mới, các thông tin cần thiết cho hoạt động giám sát phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Đây cũng chính là công việc tập hợp văn bản pháp luật liên quan; xây dựng căn cứ pháp luật để tiến hành hoạt động giám sát cụ thể và đề ra các phương án xử lý kịp thời.

Thứ ba, kế hoạch giám sát phải xác định rõ mục đích yêu cầu, thời gian; đề cương gợi ý báo cáo để đơn vị chịu sự giám sát chuẩn bị và gửi trước cho Thường trực, các Ban HĐND và các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu. Thành phần đoàn giám sát phải phù hợp; chuyên viên giúp việc đoàn giám sát phải chủ động thu thập tài liệu, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho đoàn giám sát. Phương pháp tiến hành giám sát nên kết hợp hình thức giám sát bằng văn bản với tổ chức đoàn giám sát trực tiếp, giám sát chuyên đề kết hợp với việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Thứ tư, kết luận giám sát là thành quả của hoạt động giám sát phải nêu rõ tránh nhiệm cá nhân, tập thể, thẩm quyền giải quyết và thời hạn giải quyết các vụ việc được giám sát. Đồng thời nêu được trách nhiệm, thời hạn trả lời với HĐND, với cử tri. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng tổng hợp, xây dựng và ra thông báo kết luận giám sát là cần thiết. Kết luận giám sát thể hiện rõ chính kiến, nêu rõ được ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Các kiến nghị khắc phục phải chính xác, cụ thể để cơ quan, đối tượng chịu sự giám sát khắc phục.

Thứ năm, sau kết luận giám sát phải đôn đốc theo dõi việc thực hiện kết luận giám sát, khi cần thiết có thể tiến hành "hậu giám sát". Kết luận giám sát phải được báo cáo với cấp ủy cùng cấp biết, những vấn đề hệ trọng, nhạy cảm cần phải xin ý kiến cấp ủy trước khi ra thông báo kết quả giám sát, khi cần thiết có thể phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri theo dõi giám sát.

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND. Thực hiện đúng chức năng hoạt động giám sát sẽ nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng thời góp phần bảo đảm cho việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND. Đấy cũng chính là bản chất và tránh nhiệm của chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Nguyễn Xuân Sơn
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc
Theo daibieunhandan.vn