Giá bán điện đã có đủ điều kiện để giảm chưa?

Theo quy định, trước ngày 1.10.2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tính toán lại giá thành sản xuất, từ đó đề xuất phương án giá bán mới cho các hộ sản xuất, người dân. Trước thời điểm này, nhiều ý kiến kỳ vọng giá bán mặt hàng này sẽ giảm, do trong thời gian qua lượng nước về các hồ thủy điện dồi dào nên EVN có cơ hội mua điện giá rẻ.

Theo Thông tư 24 của Chính phủ, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tối thiểu sau 3 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất. Như thế, trước ngày 1.10.2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải tính toán lại giá thành sản xuất kinh doanh điện để đề xuất phương án giá. Trước thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, giá điện sẽ được điều chỉnh giảm, bởi chính EVN đã khẳng định đang được mua ở mức giá thấp do huy động nhiều từ các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục điều tiết điện lực Đặng Huy Cường, EVN sẽ phải tính toán tổng chi phí giá thành phát điện thương phẩm của 1kWh so với kế hoạch đầu năm. Nếu giá thành của 1 kWh điện thương phẩm tăng/giảm thì sẽ căn cứ theo quy định có sự điều chỉnh giá điện. Ngoài ra, phương án giá điện năm 2012 sẽ còn phải tính cả các khâu phân phối, bán lẻ cả năm và cả yếu tố khó huy động được từ thủy điện trong mùa khô. Do đó, việc phát thủy điện nhiều trong tháng mùa mưa lũ chưa đủ cơ sở để khẳng định giảm giá điện bởi ngành điện còn phải tính tổng cầu trong 3 tháng.

Kỳ vọng giá điện giảm cũng chưa chắc chắn bởi mới đây Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục đề nghị tăng giá bán than cho sản xuất điện, trong khi đề xuất giảm giá bán cho các hộ khác. Nguyên nhân do ngành điện là hộ tiêu thụ lớn của TKV nhưng giá bán cho EVN mới tương đương 50 đến 60% giá thành sản xuất. Trong khi, từ đầu năm đến nay, sản lượng và giá trị than xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, nếu không điều chỉnh, sẽ không có tiền tái đầu tư ngành năng lượng và sẽ không khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, ngành điện cũng phải bù các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá được kết quả kiểm toán khẳng định là lên tới 26.000 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31.12.2011). Chính phủ cũng cho phép, từ nay đến năm 2015, EVN được phân bổ vào giá điện mỗi năm 6.500 tỷ đồng. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri cho biết, mức bù giá này sẽ khiến giá điện tăng 5%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Đại diện EVN cho biết, sẽ căn cứ vào tình hình tài chính của mình, cũng như tình hình kinh tế của đất nước để đưa ra mức giá bán phù hợp. Nhưng có thể thấy, do cơ cấu giá điện chưa được công bố rõ ràng, nên quyết định điều chỉnh giá bán của EVN vẫn chưa thuyết phục được các chuyên gia và người dân. Vì vậy, Ts Nguyễn Minh Phong đề nghị, cần xây dựng một bảng số liệu quốc gia để quản lý giá các mặt hàng nhạy cảm như điện, xăng dầu. Bảng số liệu ấy thể hiện cập nhật tất cả các yếu tố cấu thành nên giá bán và được công bố công khai. Khung giá này sẽ gồm giá sàn và giá trần, trong đó giá sàn là phần cứng và giá trần là phần mềm. Giá sàn chuẩn sẽ là mức giá bán tối thiểu để doanh nghiệp kinh doanh các loại hàng hóa này không bị lỗ. Giá sàn sẽ chỉ gồm các chi phí sản xuất, truyền tải, tổn thất điện năng tối thiểu (đối với điện); chi phí mua nhập khẩu, lưu thông và hao hụt  định mức kỹ thuật tối thiểu (đối với xăng dầu). Khi đó, cùng với việc công bố các chỉ số, doanh nghiệp kinh doanh điện sẽ được cộng hoặc trừ thêm vào giá bán lẻ các mức tăng giảm thực tế của giá đầu vào; tỷ giá, mức thu ngân sách Nhà nước và lợi nhuận định mức, cùng các cấu thành giá đã được phê duyệt tùy theo thực tế thị trường và quy định của Nhà nước.

Theo daibieunhandan.vn