Minh bạch để thị trường xăng dầu hoạt động hiệu quả hơn

Giảm thuế, trích quỹ bình ổn được coi là những giải pháp mang tính tổng hợp, linh hoạt trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, để những công cụ điều tiết vĩ mô này thực sự có hiệu quả, đem lại lợi ích tổng hợp cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng xăng dầu - vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Liên Bộ Tài chính - Công thương, diễn biến giá xăng dầu thế giới gần đây vẫn tiếp tục có xu hướng biến động tăng/giảm bất thường. Theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày so với bình quân 30 ngày trước đó tăng từ 6,16 % - 9,43 % tùy từng chủng loại xăng dầu. Để thực hiện nhất quán quan điểm điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đi đến quyết định: thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính (đó là: giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng là 12%; điều chỉnh giảm 2% thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu để chia sẻ cho doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Thay vào đó, cho phép các doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn 500 đồng/lít từ 20 giờ ngày 11 tháng 9 năm 2012) để bình ổn giá thị trường, giữ ổn định giá bán lẻ tất cả các chủng loại xăng, dầu như hiện hành.

Động thái này đã được giới phân tích đánh giá cao, bởi phần nào đã thể hiện rõ trách nhiệm chia sẻ khó khăn giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn, còn người tiêu dùng thì đã đến ngưỡng giới hạn của sức chịu đựng tăng giá mặt hàng này - sau suốt 4 lần tăng giá liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuế, phí và quỹ bình ổn như thế nào cho hiệu quả trong điều kiện giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến tăng/giảm bất thường - như chính khẳng định của các cơ quan quản lý nhà nước lại là vấn đề đặt ra trong dài hạn.

Trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu chiếm nguồn thu lớn trong thu ngân sách, cũng lại chiếm tới 10 - 12% giá cơ sở của mặt hàng này (ở thời điểm hiện tại). Và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được quy định với xăng - thu 10%. Tính chung, tổng thu các khoản thuế, phí xăng dầu ở Việt Nam đang chiếm khoảng 30% giá thành mỗi lít xăng, dầu. Người tiêu dùng thì coi xăng là mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, quản lý nhà nước lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, với lý do không khuyến khích tiêu dùng vì là nguồn năng lượng không tái tạo được. Người tiêu dùng nói cao, trong khi quản lý nhà nước - khi so sánh với các nước - lại cho là còn thấp. Vậy làm sao để vừa đảm bảo cân đối lớn trong thu ngân sách, cũng vừa phải đảm bảo khả năng chi trả của người tiêu dùng phù hợp với mức sống/thu nhập là không hề đơn giản.

Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu, ngay từ khi thành lập cho đến khi vận hành đã luôn có những ý kiến trái chiều. Người tiêu dùng cho rằng mình bị lạm dụng vốn khi phải ứng trước một khoản thu cho doanh nghiệp hưởng lợi. Tuy nhiên, một số đầu mối xăng dầu chiếm thị phần lớn lại khẳng định người tiêu dùng đang được hưởng lợi, vì cơ quan quản lý buộc doanh nghiệp phải ứng vốn ra trích/xả quỹ để bù giá, trong khi kết luận của cơ quan kiểm toán đã khẳng định quỹ bình ổn xăng dầu khi doanh nghiệp lỗ là “quỹ ảo” - nghĩa là quỹ không có tiền để hoạt động, thậm chí quỹ này âm.

Cuối cùng thì ai đang phải chịu thiệt và ai được hưởng lợi ?

Cơ chế thị trường là thuận mua vừa bán. Là doanh nghiệp chấp nhận kinh doanh mạo hiểm và người tiêu dùng chấp nhận trả tiền và hài lòng với quyết định của mình; là quản lý nhà nước thực hiện quyền năng kiểm tra giám sát, còn giới chuyên gia được quyền mổ xẻ, phân tích để có lợi cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thị trường không cho phép có sự nghi ngờ, thiếu minh bạch và không đồng thuận.

Câu trả lời cuối cùng để có sự đồng thuận và niềm tin vẫn chỉ là minh bạch. Và trước tiên là cần phải minh bạch hai chữ xăng và dầu, để đi đến khẳng định đây là hai mặt hàng độc lập, tách rời. Không thể theo kiểu tiện mồm quen gọi để gây nhầm lẫn, hoặc cố tình nhầm lẫn cả trong quản lý, điều hành chính sách cũng như tiêu dùng. Để khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng vì không được khuyến khích, người tiêu dùng cũng hiểu hơn với chính sách và thay đổi thói quen tiêu dùng.  Khi điều hành chính sách đối với thuế nhập khẩu - nguồn thu cân đối vĩ mô của nhà nước- cũng không thể đánh đồng giữa mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng là xăng, với mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất là dầu. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0 đối với một mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng trong suốt một khoảng thời gian dài vừa thất thu ngân sách, vừa gây lãng phí trong tiêu dùng nguồn năng lượng không tái tạo, trong khi vẫn không nhận được sự đồng thuận của người tiêu dùng - đã thể hiện sự yếu kém trong trách nhiệm giải trình của quản lý nhà nước, ắt dẫn đến hiệu ứng ngược trong tuyên truyền.

Minh bạch từ trách nhiệm đảm bảo nguồn cung với chi phối thị trường và lợi ích nhóm; minh bạch từ trong cách thức sử dụng quỹ bình ổn đến cách tính các loại thuế, phí… Tóm lại là phải minh bạch từ gốc, thị trường xăng dầu mới có thể hoạt động có hiệu quả hơn.

Theo daibieunhandan.vn