Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là Phiên họp với nhiều nội dung quan trọng. UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Phiên họp được tiến hành nhằm bàn về các giải pháp trước mắt và lâu dài tháo gỡ những khó khăn về kinh tế, xã hội của đất nước song song với nhiệm vụ thực hiện kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án Luật được bàn thảo tại Phiên họp lần này đều là những dự luật có tầm quan trọng đặc biệt, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, nhất là dự thảo Luật Đất đai. Cùng với đó, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến đối với Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và báo cáo về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Một nội dung quan trọng khác sẽ được UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp này là Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là bước chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, quyết định quy trình này tại Kỳ họp cuối năm nay.
Cũng trong khuôn khổ Phiên họp, UBTVQH sẽ cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2013, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012; về báo cáo công tác năm 2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2012.
Về công tác xây dựng pháp luật, UBTVQH sẽ cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật Thủ đô; đồng thời cho ý kiến về các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Hộ tịch; Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Việc làm.
Dự kiến, Phiên họp sẽ diễn ra trong khoảng 9 ngày (chia làm 3 đợt: từ ngày 12-14/9; từ ngày 17-19/9 và từ ngày 24-26/9).
Có nên để giảng viên tham gia hành nghề luật sư?
Cũng trong sáng nay, cho ý kiến về về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, một nội dung được các thành viên UBTVQH quan tâm là có nên để giảng viên tham gia hành nghề luật sư hay không?
Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy, việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư sẽ làm phân tán nguồn lực và tạo ra khả năng làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Hơn nữa, hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng (chủ yếu trong giờ hành chính), do đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn giảng dạy và khó đảm bảo chất lượng hành nghề.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi lại cho rằng, nên chấp nhận viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư để tận dụng nguồn chất xám của lực lượng này, đồng thời tạo điều kiện để giảng viên có thêm thực tiễn. Theo ông Đào Trọng Thi, trong trường hợp không cho phép thì phải đưa ra lý do thuyết phục. Bởi, lý do đưa ra chỉ vì lo ngại sẽ làm phân tán nguồn lực giảng dạy thì không ‘thỏa mãn”, vì trên thực tế, giảng dạy nhiều mới hạn chế chất lượng giảng dạy và đi ngược lại quan niệm về giảng dạy hiện nay. Trong khi đó, ngoài thời gian trên, các giảng viên luật muốn tham gia thực tiễn để nâng cao trình độ chuyên môn thì lại không được, vô hình dung đã tạo ra cơ chế không khuyến khích đối với đối tượng này.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đưa quan điểm, nên quy định cho phép giảng viên được hành nghề luật sư nhưng chỉ nên giới hạn giảng viên được tham gia các hoạt động tư vấn pháp lý, không tham gia hoạt động tố tụng.
Cũng trong sáng 12/9, UBTVQH đã cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2013. Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2012 của kiểm toán nhà nước (KTNN) có nhiều tiến bộ; công tác chỉ đạo thực hiện kế hoạch kiểm toán được tăng cường; chất lượng kiểm toán đã dần được nâng cao; cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch đề ra; trong đó, năm 2012 đã mở rộng cả về số lượng và quy mô của các cuộc kiểm toán chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực được dư luận quan tâm.
Cần có giải pháp xử lý sau kiểm toán
Trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2012 và định hướng kế hoạch kiểm toán năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cơ bản nhất trí với định hướng kế hoạch kiểm toán năm 2013, song cũng lưu ý KTNN cần phải vừa chú trọng tăng cường kiểm toán tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực đầu tư trong thời gian qua, vừa từng bước mở rộng số lượng các đối tượng được kiểm toán, đảm bảo bao quát tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước nói chung và phục vụ cho các yêu cầu của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói riêng.
Về đối tượng được kiểm toán trong năm 2013, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với dự kiến đối tượng kiểm toán năm 2013 của KTNN và đề nghị cần tập trung xem xét việc kiểm toán đối với các tập đoàn, tổng công ty. Theo đó, ngoài các đối tượng kiểm toán đã được nêu trong dự thảo báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2013, đề nghị KTNN cần thực hiện kiểm toán các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán trong thời gian trước; đánh giá về hoạt động tái cấu trúc đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, cần bổ sung thêm vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như: Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu.
Đối với tổ chức tài chính - ngân hàng, cần tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua; tình hình mua bán ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, lãi suất; nợ xấu; tình hình sử dụng nguồn vốn mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng; tình hình luân chuyển vốn sau khi sáp nhập; việc thực hiện các quy định hiện hành về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cổ phần.
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2010 về niên độ ngân sách 2009 của KTNN trong năm 2011 cho thấy, về kiến nghị xử lý tài chính, số đã thực hiện bằng 71,3% số kiến nghị đủ bằng chứng; số chưa thực hiện vẫn còn 28,7% số kiến nghị đủ bằng chứng.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện tỏ ra băn khoăn tại sao nhiều kiến nghị chưa được giải quyết và lý do ?
“Những tội liên quan chức vụ quyền hạn, hầu hết được phát hiện chủ yếu là do nhân dân, báo chí hoặc nội bộ tố nhau chứ không phải qua thanh tra, kiểm toán", ông Vũ Văn Hiện nêu.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, đây là kết quả đáng tiến bộ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch nước yêu cầu cần có giải pháp xử lý sau kiểm toán, thất thoát nhiều nhưng thu hồi ít . Do đó, đề nghị trong báo cáo phải chỉ rõ địa phương nào chưa thu hồi, vì sao, do không thấy đúng hay khó khăn hay không muốn thu hồi.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề, phải đi đến tận cùng của kết quả kiểm toán. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị KTNN giải thích lý do vì sao nhiều công bố kết luận kiểm toán rồi nhưng đơn vị khác vào kiểm toán kết quả lại khác?. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Giàu, việc tăng các đầu mối, chuyên đề kiểm toán trong kế hoạch năm 2013 là tốt nhưng cần chú ý để đảm bảo đúng tiến độ và có kết quả toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, không nên nâng số lượng mà cần tập trung vào nâng cao chất lượng kiểm toán, đồng thời tránh để xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các đầu mối kiểm toán. “Nhiều khi kiểm toán vừa đọc kết luận ở một đơn vị thì hôm sau thanh tra đã lại lên kế hoạch thanh tra luôn "- Chủ tịch Quốc hội nói.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần quy định rõ quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như của các kiểm toán viên để làm căn cứ xử lý khi có sai phạm xảy ra; báo cáo kịp thời, đúng tiến độ; việc thực hiện các kiến nghị được cũng như chỉ ra được nguyên nhân và tồn tại; lồng ghép nội dung kiểm toán nhưng phải đảm bảo chất lượng đề ra...
Chiều nay, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân./.