Hoàng Hồng Lạc - Phó Tổng kiểm toán Nhà nước
(kientoannn.gov.vn) - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) với vị thế cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, được Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 xếp vào nhóm các cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, bao gồm: Cơ quan thanh tra nhà nước, Cơ quan điều tra, KTNN, Viện kiểm sát, Tòa án; đồng thời, quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.
KTNN với 03 chức năng được quy định cụ thể trong Luật KTNN là: kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. KTNN đã góp phần đảm bảo, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành pháp trong hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy, vai trò phòng, chống tham nhũng của KTNN được thể hiện thông qua việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí qua hoạt động kiểm toán.
Trong vai trò phòng, chống tham những, KTNN cung cấp thông tin và phát hiện các hành vi lãng phí, kém hiệu quả trong quá trình chấp hành dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt. Qua đó, giúp Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách đúng đối tượng, đúng mục đích, chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm; đồng thời giúp Quốc hội phê chuẩn Tổng Quyết toán NSNN; góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính; tăng cường hiệu lực quản lý.
Bằng kết luận kiểm toán, KTNN kiến nghị các đơn vị được kiểm toán sửa chữa sai sót, vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm chế độ tài chính kế toán, các hành vi tham nhũng, lãng phí dựa trên các kết quả kiểm toán; Kiến nghị việc sử dụng nguồn lực thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu đề ra hoặc cao hơn thông qua việc kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN đã tiến hành kiểm toán 743 cuộc kiểm toán (tính đến hết năm 2011), qua kiểm toán đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính là: 111.600,1 tỷ đồng. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và đề xuất với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan bổ sung, sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, thu-chi ngân sách, góp phần vào việc quản lý và sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt cả trong và ngoài nước. KTNN còn hết sức chú trọng phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tổ chức hoạt động kiểm toán bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, thiết thực đối với các cấp chính quyền, công chúng và xã hội nói chung nhằm mục đích hoàn thành tốt và phát huy cao hơn nữa vai trò phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.
KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ 233 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân hơn 430 vụ việc; đặc biệt từ năm 2006 đến 6 tháng đầu năm 2012 KTNN đã chuyển Cơ quan điều tra và cung cấp hồ sơ theo ý kiến đề xuất của Cơ quan điều tra 22 hồ sơ (chuyển cơ quan điều tra 05 hồ sơ, cung cấp theo ý kiến đề xuất của Cơ quan điều tra 17 hồ sơ).
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát nhìn chung còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo. Hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan điều tra trong việc thông báo cho các cơ quan chức năng và KTNN kết quả điều tra, xử lý vụ việc.
Ngoài những nguyên nhân trên, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế còn do Quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu, mặt khác do tổ chức bộ máy của KTNN chức năng riêng có là kiểm tra tài chính quốc gia, và con người trong hệ thống của cơ quan KTNN được đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán không được đào tạo về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hoạt động của KTNN trong công cuộc phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Tại kết luận số 21-KL/TW hội nghị TW 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chỉ rõ: tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán…để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí…Như vậy, hoạt động của KTNN đã và đang là kênh quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện các hành vi tham nhũng lãng phí tiền, ngân sách và tài sản nhà nước.
Để hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, KTNN kiến nghị:
1. Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống luật pháp về KTNN, trong đó bổ sung vào Hiến pháp một số điều về địa vị pháp lý, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, thẩm quyền bổ nhiệm Tổng KTNN.
2. Sửa đổi và bổ sung một số chức năng, quyền hạn của KTNN theo hướng: bổ sung chức năng điều tra, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, kiểm toán nợ công, nhiệm vụ trình ý kiến để Quốc hội xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước; đặc biệt bổ sung quy định quyền tự quyết cao của Tổng KTNN đối với các vấn đề tổ chức, hoạt động và kinh phí của KTNN để nâng cao địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng.
3. Bổ sung Tổng Kiểm toán Nhà nước vào Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để nâng cao vị thế và vai trò của KTNN trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
4. Quy định bổ sung trong Luật Phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm và chế tài đối với các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kiến nghị của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng.
5. Cho phép triển khai nghiên cứu để KTNN triển khai thực hiện đề án “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và các tổ chức kinh tế nhà nước”.
6. Hoàn thiện, xác định cơ chế thông tin giữa các cơ quan về việc giải quyết đơn thư được gửi đến nhiều cơ quan và xử lý các vụ việc tham nhũng có liên quan đến nhiệm vụ của nhiều cơ quan khác nhau, vì vậy cần có cơ chế xử lý các trường hợp này và đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết.
7. Nâng cao năng lực cho cán bộ giữa các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là đối với KTNN trong việc phát hiện và đấu tranh đối với các hành vi tham nhũng./.