Những vấn đề trong quá trình kiểm toán chuyên đề chương trình 30A và chương trình 167

Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) lựa chọn 16 chuyên đề kiểm toán. Trong số những chuyên đề lớn huy động nhiều nhân lực vật lực của toàn ngành là kiểm toán chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Từ kết quả và những vấn đề phát hiện trong các cuộc kiểm toán chuyên đề, các chuyên gia kiểm toán thuộc KTNN cho rằng, việc tăng cường kiểm toán chuyên đề có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giám sát và quyết định ngân sách nhà nước của các cơ quan dân cử Việt Nam.

Kiểm toán chương trình 30A và 167 – chuyên đề khó 
Chương trình 30A là chương trình lớn, phức tạp, được tổ chức triển khai thực hiện trên 62 huyện thuộc 20 tỉnh - là các huyện có số hộ nghèo trên 50% tổng số hộ trên địa bàn huyện.

Mục tiêu của Chương trình là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch, hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện, bảo đảm đến năm 2020 đồng bào các huyện nghèo có cuộc sống cơ bản ngang bằng với các huyện khác trong khu vực.

Cơ chế chính sách để thực hiện Chương trình được triển khai thành 4 nhóm: Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; Chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo; Chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã và huyện.

Chính sách 167 là một chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Theo đó, bình quân 4 người/hộ nghèo thì trên 2 triệu người nghèo đã có nhà ở an toàn, ổn định. Nhờ có nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo đã tốt hơn, ổn định hơn, vì vậy họ đã yên tâm tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nhiều hộ đã thoát nghèo.

Trong quá trình thực hiện triển khai kiểm toán chương trình 30A và 167, các đơn vị kiểm toán gặp không ít thách thức. Đó là địa bàn triển khai kiểm toán phần lớn là những huyện nằm ở vùng núi, địa hình chia cắt như Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn... các tỉnh này có diện tích tự nhiên rộng, nhưng diện tích đất canh tác ít, điều kiện thời tiết không thuận lợi, thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống. Dân số khu vực gồm 2,4 triệu người, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm) chủ yếu từ nông nghiệp nhưng trình độ sản xuất còn lạc hậu. Cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa kém.

Trong khi đó, các nguồn hỗ trợ của Nhà nước còn phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp, chưa hỗ trợ đúng mức cho phát triển sản xuất; đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật; chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước ở một bộ phận cán bộ và dân cư còn nặng nên đã hạn chế phát huy nội lực và sự nỗ lực vươn lên.

Từ những phát hiện... 
Kiểm toán việc thực hiện Chương trình 30a là kiểm toán việc thực hiện chính sách đang trong quá trình thực hiện. Chương trình bắt đầu từ 27/12/2008, kết thúc năm 2020, KTNN thực hiện kiểm toán từ khi bắt đầu đến hết năm 2011, nên phải áp dụng cả 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán báo cáo tài chính, trong đó trọng tâm là kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Kết quả kiểm toán ban đầu cho thấy, nhìn chung Chính sách đã phát huy được hiệu quả, góp phần tích cực giúp các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, tăng cường được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Chương trình 167 hiện đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều tỉnh có số lượng phải hỗ trợ rất lớn, đến nay đã hoàn thành hoặc đạt kết quả tốt như: Trà Vinh, Sóc Trăng. Theo kết quả kiểm toán, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở đạt tỷ lệ 94% so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ông Hoàng Quang Hàm - Phó Kiểm toán trưởng - KTNN khu vực VII cho biết, hàng loạt bất cập đã được kiểm toán phát hiện. Trong việc triển khai cả 2 chương trình 167 và Chương trình 30a hầu hết các địa phương không triển khai lập dự toán từ cơ sở như rà soát nhu cầu, tính toán dự toán từ thôn bản, xã mà chờ phân bổ của Trung ương mới tiến hành giao dự toán để tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, số liệu dự toán trình Quốc hội và HĐND chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của cơ sở. Thực tế kiểm toán đã phát hiện, nhiều nội dung chưa được ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành mục tiêu theo Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được duyệt của các địa phương và mục tiêu theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP như: mục tiêu đến 2010 hoàn thành việc giao đất, giao rừng, bố trí vốn trái phiếu để cơ bản hoàn thành cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia cho các trường; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Có một hiện trạng là các địa phương hầu hết chưa bố trí kinh phí khuyến nông, khuyến lâm cho các huyện nghèo, thậm chí không bố trí vốn đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho 1 số huyện nghèo.

Đối với chương trình 167, ông Hoàng Văn Lương, KTNN chuyên ngành II cho biết, trong khi NSNN còn hạn hẹp và phải đi vay thì nhiều địa phương thống kê nhu cầu các hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở không chính xác, nên khi thực hiện đạt mục tiêu, nhiều tỉnh còn thừa kinh phí lớn. Bên cạnh đó, qua kiểm toán, việc hỗ trợ theo định mức chung cho các hộ nghèo là chưa phù hợp, ở những vùng khác nhau, chi phí đầu tư xây nhà là khác nhau, nhất là các hộ dân xa trung tâm, đi lại khó khăn, chi phí đầu tư có thể tăng đến 30%-40% so với các vùng khác.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là cơ chế giải ngân còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện làm nhà của người dân, ảnh hưởng đến các đối tượng được hỗ trợ từ Chính sách. Cụ thể: Có những đối tượng khi xây dựng đề án thì thuộc đối tượng được hỗ trợ, song phân bổ nguồn chậm nên khi có nguồn thì các hộ đã thoát nghèo, không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Trong khi đó, việc phân bổ còn sai nội dung, mục đích, đối tượng, hoặc không đúng định mức của Chính sách, có nơi cấp thừa, có nơi cấp thiếu kinh phí... Những bất cập đã nêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai Chính sách.

Và kiến nghị

Từ những phát hiện qua kiểm toán chuyên đề, các kiểm toán viên Khu vực VII và Chuyên ngành II cho rằng, đối với cơ quan Trung Ương, cần thiết phải xây dựng căn cứ vững chắc để xác định nhu cầu vốn và phải xây dựng tiêu chí phân bổ vốn cho từng vùng, miền và từng địa phương. Việc phân bổ vốn phải dựa trên tiêu chí theo vùng miền để đảm bảo tính công bằng cho các hộ dân, không giao bình quân như hiện nay. Đồng thời, do các Chính sách thường có chu kỳ kéo dài từ 3 đến 5 năm, khi xây dựng kế hoạch vốn cần phải tính đến sự trượt giá qua các năm, nhằm giúp các địa phương chủ động trong quá trình thực hiện;

Rất cần xem xét để thực hiện lồng ghép các Chính sách có cùng mục tiêu, nhằm tập trung nguồn vốn, tránh dàn trải, hoặc quy định mỗi Chính sách nên chú trọng vào một số mục tiêu riêng, không chồng chéo để tập trung nguồn lực, nhằm quản lý, sử dụng một cách hiệu quả vốn đầu tư. Ngoài ra, khi hướng dẫn thực hiện cần phải kịp thời, nhất quán và phù hợp với thực tế tại địa phương, nhằm giúp các địa phương thực hiện được thuận lợi.

Đối với địa phương, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Chính sách nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời. Tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về thực hiện Chính sách; chỉ đạo việc rà soát các hộ trên địa bàn để thống kê đối tượng được hưởng Chính sách nhưng chưa được hỗ trợ, trong đó đặc biệt lưu ý các hộ xin rút khỏi danh sách nhận hỗ trợ do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể huy động được các nguồn lực khác và các hộ rút đơn do không có đất, đất chưa đủ thủ tục để có biện pháp, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng; rà soát các văn bản đã ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách để điều chỉnh cho phù hợp với hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Chính sách.

Đồng tình quan điểm trên, ông Hàm cũng cho rằng, để đánh giá thực chất mức độ giảm nghèo nhanh và bền vững, cần đề nghị địa phương giải trình rõ nguyên nhân của các chỉ tiêu chậm chuyển biến để có giải pháp khắc phục. Đối với những mục tiêu cơ bản đề ra theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP như tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ nông thôn qua đào tạo, tỷ lệ trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... nếu không đạt mục tiêu, quá trình giám sát cần chú trọng làm rõ nguyên nhân và giải pháp để thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tập trung hơn nữa cho việc đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của Chương trình. Đây là việc làm cần thiết và cần tiến hành thường xuyên, liên tục để uốn nắn kịp thời nếu việc tổ chức thực hiện Chương trình không bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội; thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên cơ sở bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Thu Hương

Theo kế hoạch năm 2012, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán Chuyên đề đối với Chương trình 30a tại 20 tỉnh và Chuyên đề hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Chính sách 167 tại 40 tỉnh và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách có liên quan. Đến cuối tháng 8, toàn ngành đã triển khai kiểm toán Chương trình 30a tại 16 tỉnh, kiểm toán, kiểm tóan Chính sách 167 tại 25 tỉnh và một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan. Trong đó, đã kết thúc kiểm toán tại 12 tỉnh thực hiện chương trình 30a (đã tổ chức xét duyệt báo cáo kiểm tóan của 6 tỉnh), và 18 tỉnh thực hiện Chính sách 167 (xét duyệt báo cáo kiểm tóan 10 tỉnh).