Bàn tròn: "Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng quyết định, giám sát ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của các cơ quan dân cử Việt Nam

Tại Hội thảo: "Tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề với vai trò đổi mới phương thức  và nâng cao chất lượng quyết định, giám sát ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của các cơ quan dân cử Việt Nam” được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức tại Hà Nội, các đại biểu tham dự Hội thảo thuộc: Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Ban Kinh tế và Ngân sách - Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã có những tham luận, ý kiến đóng góp với KTNN về những vấn đề: Nâng cao vai trò của KTNN trong việc kiểm tra, giám sát về NSNN, cung cấp thông tin quan trọng cho Quốc hội trong việc quyết định, giám sát NSNN; KTNN cần có cơ chế phù hợp nhằm cung cấp thông tin cho HĐND trong việc quyết định dự toán ngân sách địa phương; KTNN cần đẩy mạnh hoạt động kiểm toán cụ thể các đơn vị thực hiện quy hoạch sử dụng đất tại Đà Nẵng; KTNN với chức năng là cơ quan kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản cần nghiên cứu sâu, phân tích, rà soát các yếu tố trên nhằm tìm ra các thất thoát, lãng phí ...

Ghi chép từ Hội thảo này sẽ giúp KTNN có thêm những thông tin, đóng góp thực tế từ Quốc hội, từ HĐND các tỉnh, nhằm hoàn thiện và đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng quyết định, giám sát ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của các cơ quan dân cử Việt Nam.

TS. Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội: "Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát về NSNN, cung cấp thông tin quan trọng cho Quốc hội trong việc quyết định, giám sát NSNN".

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát của nhà nước về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Kể từ Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực thi hành, các báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước đã ngày càng được hoàn thiện, cung cấp cho Quốc hội nhiều thông tin quan trọng về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính như tăng thu, giảm chi, quản lý qua ngân sách nhà nước... hàng chục nghìn tỷ đồng (niên độ ngân sách 2007: 17,3 nghìn tỷ đồng; năm 2008: 16,6 nghìn tỷ đồng, năm 2009: 17,1 nghìn tỷ đồng; năm 2010: 21,7 nghìn tỷ đồng).

Cùng với việc kiến nghị xử lý về tài chính, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước đã kiến nghị nhiều nội dung với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương như bổ sung, sửa đổi chính sách về thuế xuất, nhập khẩu, chính sách quản lý và quyết toán phí, lệ phí, những bất cập về tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia; rút kinh nghiệm trong phân bổ, giao dự toán, thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của các dự án hoàn thành; khắc phục tình trạng ứng trước dự toán không đúng qui định; kiểm tra làm rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục những tồn tại, sai sót trong công tác quản lý tài chính kế toán, xây dựng đơn giá, quyết toán và phân phối quỹ tiền lương; ban hành chính sách về quản lý, sử dụng các quỹ; chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản, đất đai đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả... trong các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. 

Trong những năm qua, các nhận định, đánh giá và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội mà đặc biệt là Ủy ban Tài chính - Ngân sách sử dụng khá hiệu quả trong việc thẩm tra, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, đảm bảo cho quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua đảm bảo tính đúng đắn, chính xác, tính trung thực, khách quan. Những ý kiến tham gia của KTNN giúp cho Quốc hội có thêm cơ sở để xem xét, quyết định NSNN và phân bổ NSTW, đảm bảo hơn thực quyền Quốc hội theo quy định của pháp luật trong việc quyết định đối với NSNN.

Để nâng cao chất lượng Kiểm toán Nhà nước phục vụ hoạt động quyết định, giám sát NSNN của Quốc hội, KTNN cần triển khai tốt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, nhằm sớm xây dựng, phát triển KTNN thực sự là công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng, của Nhà Nước, của Nhân dân trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát về quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

KTNN cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán, nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các cấp, các ngành, đơn vị được kiểm toán và kể cả cơ quan KTNN, kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để trình Quốc hội ban hành. Đồng thời, nghiên cứu việc tổ chức kiểm toán dự toán NSNN và thực hiện tiền kiểm các dự án đầu tư quan trọng, tăng cường kiểm toán hoạt động để cung cấp thông tin có cơ sở đầy đủ, rõ ràng, giúp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội xem xét, thẩm tra, thảo luận và quyết định dự toán NSNN, phân bổ NSTW hàng năm cũng như quyết định đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, đảm bảo việc sử dụng NSNN minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.

KTNN cần đổi mới các nội dung trong báo cáo kiểm toán, cần có đánh giá khái quát tình hình, làm rõ nét bức tranh tổng thể về NSNN của niên độ kiểm toán, những kết quả cơ bản đạt được, những tồn tại mang tính phổ biến, những sai phạm có tính nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đi sâu phân tích, đánh giá những điểm nổi bật của niên độ ngân sách được kiểm toán, chỉ rõ những nguyên nhân và đề xuất giải pháp để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN. Đặc biệt chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, kiểm toán viên KTNN nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới và quá trình hội nhập quốc tế. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến đề xuất với Quốc hội các giải pháp, chính sách để quyết định điều, hành NSNN năm hiện hành; dự báo tình hình tài chính, tiền tệ năm hiện hành và những năm tiếp theo, giúp cho Quốc hội trong việc quyết định NSNN và các vấn đề quan trọng khác của Đất nước. 
 
TS. Nguyễn Văn Nam - Ủy viên TT, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách - Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội: "KTNN cần phát hành sớm Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách hàng năm ở địa phương, giúp cho HĐND phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách địa phương hàng năm".

Từ khi có Luật KTNN, hoạt động kiểm toán ngân sách nói chung, kiểm toán quyết toán ngân sách nói riêng đã góp phần giúp các địa phương chấn chỉnh công tác lập, quyết định và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. HĐND các cấp ở địa phương, nhất là HĐND cấp tỉnh có thêm một công cụ hỗ trợ trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát ngân sách ở địa phương. Tuy nhiên, sự tham gia của KTNN  hỗ trợ HĐND trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát ngân sách còn rất hạn chế. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách hàng năm ở địa phương thường phát hành chậm, sau khi HĐND đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách địa phương nên chưa giúp ích nhiều cho HĐND trong việc xem xét phê chuẩn tổng quyết toán hàng năm.

"Quyết định" và "giám sát" là 2 chức năng của HĐND,  trong lĩnh vực ngân sách, quyền lực của HĐND thể hiện cao nhất ở vai trò quyết định và giám sát dự toán ngân sách địa phương. Hai chức năng này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa là tiền đề, vừa là điều kiện cho nhau. Quyết định đúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giám sát, ngược lại giám sát tốt sẽ tạo thuận lợi cho quyết định đúng của HĐND. Vì vậy, để nâng cao vai trò quyết định, giám sát dự toán ngân sách của HĐND, chúng tôi kiến nghị KTNN có ý kiến để các Bộ khi xem xét, tổng hợp dự toán của các tỉnh cần tuân thủ đúng quy trình theo luật định, nhất thiết phải có ý kiến bằng văn bản của thường trực HĐND. Chỉ đạo các đoàn kiểm toán khi về kiểm toán tại địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn với HĐND địa phương trong cả kiểm toán quyết toán và kiểm toán hoạt động. Trong thời gian qua, sự phối hợp giữa KTNN và HĐND địa phương nơi có đoàn kiểm toán về mặc dù đã được quan tâm, được quy định trong quy chế hoạt động của KTNN, song việc thực hiện còn nhiều hạn chế, phối hợp chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ và nhìn chung mới chủ yếu mang tính thủ tục. Đề nghị các đoàn kiểm toán mời đại diện HĐND tham dự các buổi họp thông qua các biên bản kiểm toán tại các đơn vị. Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách hàng năm ở địa phương thường phát hành chậm, sau khi HĐND đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách địa phương nên không giúp ích nhiều cho HĐND trong việc xem xét phê chuẩn tổng quyết toán hàng năm. Đề nghị KTNN phát hành sớm báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách hàng năm cùng với kết thúc kiểm toán quyết toán ngân sách hàng năm tại các địa phương (sớm trước tháng 12) để phục vụ việc xem xét phê chuẩn của HĐND tỉnh.

Thực tế hoạt động của HĐND ở các địa phương thời gian qua cho thấy, chất lượng quyết định dự toán ngân sách của HĐND phụ thuộc rất lớn vào công tác chỉ đạo, điều phối của Thường trực HĐND và hoạt động thẩm tra của các ban HĐND, trước hết là Ban Kinh tế và Ngân sách. Ở đâu thường trực HĐND quan tâm vào cuộc sớm, đề ra các yêu cầu, nguyên tắc, định hướng rõ ràng, cụ thể cho công tác xây dựng dự toán, điều hòa tốt hoạt động của các ban HĐND; các ban HĐND, nhất là Ban Kinh tế và Ngân sách chủ động tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn của UBND, với UBND trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách, nhất là trong xây dựng phương án phân bổ ngân sách cấp mình và tổ chức thẩm tra nghiêm túc, chất lượng, làm rõ thái độ trên cơ sở các căn cứ pháp lý và thực tế địa phương thì ở đó vai trò quyết định dự toán ngân sách của HĐND được phát huy tốt. Chúng tôi rất mong KTNN cần có cơ chế phù hợp nhằm cung cấp thông tin cho HĐND trong việc quyết định dự toán ngân sách địa phương. Trong đó, KTNN cần tập trung tham gia ý kiến về tính tiên tiến, tính khả thi của dự toán thu; tính hợp lý, tính đồng bộ, tính hiệu quả của phương án phân bổ dự toán ngân sách địa phương, tính cân đối của dự toán thu – chi ngân sách. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cần quan tâm kiến nghị các cơ quan Trung ương xử lý những tồn tại, bất cập, những điểm chưa thống nhất trong các quy định của Trung ương về lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Ông Mai Đức Lộc - Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng: "Quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất đã tạo nguồn lực vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng".

Thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, đồng thời là 1 trong 10 tỉnh thành thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, vì vậy vai trò giám sát của HĐND thành phố trong quản lý quy hoạch sử dụng đất, quản lý đô thị trong thời gian qua là yêu cầu bức thiết để đảm bảo thành phố phát triển bền vững. Những năm qua, công tác quản lý đất đai đạt được những thành tựu quan trọng, đất đai trở thành một trong những nguồn lực lớn góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, đối với thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Việc quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất đã tạo nguồn lực vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng. HĐND thành phố thực hiện hình thức giám sát quản lý quy hoạch sử dụng đất theo các quy định hiện hành: giám sát qua báo cáo (tại kỳ họp và làm việc với các cơ quan chức năng), giám sát hiện trường cơ sở, qua tiếp xúc cử tri..., quy trình giám sát thực hiện từ khi xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm, hàng năm và kết quả thực hiện. Ban Kinh tế và Ngân sách được Thường trực HĐND thành phố phân công thực hiện giám sát, báo cáo với Thường trực HĐND định kỳ và báo cáo với HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm.

Từ thực tế giám sát những năm qua, bên cạnh việc đề xuất những tình huống cụ thể, chúng tôi nhận thấy hoạt động giám sát của HĐND thành phố cần tập trung vào 3 vấn đề lớn: Giám sát mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; Hiệu quả kinh tế- xã hội đem lại từ sử dụng đất; Phản hồi từ xã hội qua việc thực hiện sử dụng đất.

Trong các nhiệm kỳ qua, hoạt động giám sát của HĐND thành phố đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Kiểm toán Nhà nước. Từ nhiệm kỳ VII (2004-2011) cho đến nay, việc thực hiện “Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán giữa Kiểm toán Nhà nước khu vực III với Thường trực HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng” đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát của HĐND thành phố. Thường trực HĐND và Ban Kinh tế Ngân sách luôn nhận được các thông tin kiểm toán từ KTNN khu vực III về quản lý và sử dụng ngân sách thành phố nói chung, trong đó có các thông tin về tuân thủ pháp luật và kết quả kinh tế trong quản lý, sử dụng đất, các chi phí quản lý đô thị... Trên cơ sở đó đã giúp Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố thẩm tra và HĐND quyết định thông qua các dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm, cũng như trong việc đôn đốc UBND, các ngành có trách nhiệm giải trình và thực hiện đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước theo các kiến nghị, kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Chúng tôi đánh giá cao việc KTNN rất hiểu đặc điểm, tình hình và những nhu cầu cấp bách của nhân dân thành phố, đã có những góp ý, khuyến nghị với thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian qua. Trong thời gian đến, chúng tôi đề nghị KTNN tăng cường hơn nữa sự phối hợp với HĐND thành phố, cụ thể là Thường trực HĐND và Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND thành phố, nhất là trong hoạt động kiểm toán cụ thể các đơn vị thực hiện quy hoạch sử dụng đất, giúp HĐND thành phố nắm chắc tình hình, tiếp tục có các giải pháp giám sát hiệu quả lĩnh vực này. Trong đánh giá của kiểm toán, ngoài phần đánh giá về tuân thủ và hiệu quả kinh tế, chúng tôi rất cần những nhận xét, đánh giá cụ thể hơn của các đồng chí về hiệu quả việc thực hiện quy hoạch sử đất ngoài yếu tố kinh tế.

Ông Đoàn Trung Sỹ -  HĐND tỉnh Quảng Ninh: "Vai trò của HĐND trong việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản"

Từ thực tế hoạt động giám sát của HĐND ở Quảng Ninh, có rất nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan tác động đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, đặc biệt liên quan trực tiếp đến kết quả hoạt động giám sát về lĩnh vực khoáng sản.

Thông qua kết quả giám sát, đã phát hiện hầu hết các đơn vị ngành than ở tỉnh Quảng Ninh nộp tiền thuê đất theo giá tạm tính, trong khi đó hàng năm các đơn vị ngành than đều có quyết toán hàng năm. Một phần nhỏ thực hiện đúng quy định nộp theo quyết định giá cho thuê của Sở Tài chính. Có tới 26/59 đơn vị (bằng 44,07%) trong Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bàn giao đất cho nhau theo chỉ đạo của Tập đoàn, không chấp hành đúng theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các Thông tư hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Hiện có 30/59 đơn vị (bằng 50,84%) sử dụng đất chưa có Quyết định cho thuê đất. Có 17/59 đơn vị (bằng 28,81%) sử dụng với diện tích 4.299.775,3m2 đất có Quyết định nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất theo quy định. Có 26/59 đơn vị sử dụng với diện tích 11.908.383,7m2 đất đã hết hạn hợp đồng thuê đất và chưa gia hạn hợp đồng và chưa trả lại đất. Có 30/59 đơn vị (bằng 50,85%) sử dụng với diện tích 25.888.463,9m2 đất chưa nộp tiền thuê đất.

Trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản hầu hết là các đơn vị trực thuộc bộ, Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và có rất nhiều yếu tố cần phải thu phí, do vậy đề nghị KTNN với chức năng là cơ quan kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản nghiên cứu sâu, phân tích, rà soát các yếu tố trên nhằm tìm ra các thất thoát, lãng phí giảm bớt việc tăng giá thành sản phẩm, đem lại nguồn thu cho ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động. Đề nghị KTNN kiểm toán, rà soát việc tính toán và quyết toán hàng năm của các đơn vị ngành than về những vấn đề: tiền thuê đất, tiền phí bảo vệ môi trường, các khoản thuế, phí khác... nhằm thu hồi phần nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, tránh thất thoát.