Chỉ đạo kiểm toán chương trình 30a, chính sách 167

Ngày 24/8/2012, Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân, Trưởng ban chỉ đạo kiểm toán chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ), chính sách 167 (Chương trình hỗ trợ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ) đã ký Công văn số: 31/TB-BCĐKT CT30a&CS167 thông báo về việc đánh giá kết quả thực hiện kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 trong 7 tháng đầu năm 2012.

Tính đến hết tháng 7/2012, toàn ngành đã triển khai kiểm toán Chương trình 30a tại 14 tỉnh, Chính sách 167 tại 20 tỉnh và một số bộ, ngành trung ương, một số ngân hàng thương mại, ngân hàng Chính sách; trong đó đã kết thúc kiểm toán tại 10 tỉnh thực hiện Chương trình 30a, 15 tỉnh thực hiện chính sách 167.

Kiểm toán Chương trình 30a và kiểm toán chính sách 167 là cuộc kiểm toán có quy mô lớn và phức tạp, chưa có tiền lệ nên được Lãnh đạo KTNN quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. KTNN đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 để tập trung tinh thần, trí tuệ của toàn ngành vào cuộc kiểm toán nhằm đạt được kết quả cao nhất. Lãnh đạo KTNN và Ban chỉ đạo đã thường xuyên theo dõi tiến độ kiểm toán và kết quả kiểm toán sơ bộ, tập trung chỉ đạo đảm bảo mục tiêu, nội dung cuộc kiểm toán; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Ngày 23/5/2012, Tổng KTNN đã ban hành văn bản số 769/KTNN-TH yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung quán triệt, chỉ đạo một số nội dung kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động kiểm toán; thống nhất mục tiêu, nội dung, trọng tâm, phương pháp kiểm toán và các vấn đề xử lý tài chính đối với cuộc kiểm toán này trong toàn ngành.

Đề cương, hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán riêng của 2 chuyên đề đã được kịp thời ban hành; được tổ chức thảo luận, tập huấn, quán triệt trong toàn ngành và từng đơn vị trước khi thực hiện nên tạo được thống nhất cao trong ngành. Đối với công tác kiểm toán, do các KTNN chuyên ngành, khu vực và các Đoàn kiểm toán tích cực nghiên cứu học tập đề cương, mẫu biểu kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 với tinh thần trách nhiệm cao; tích cực, chủ động trong công việc nên công tác triển khai kiểm toán đợt đầu có nhiều thuận lợi, đảm bảo tiến độ, nhiều kết quả kiểm toán được ghi nhận. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên KTNN chuyển mạnh sang hình thức kiểm toán hoạt động, quy trình, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán chưa có nên các đơn vị và các Đoàn kiểm toán còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Ngoài ra, Chương trình 30a và Chính sách 167 thực hiện trên địa bàn rộng, địa hình khó khăn, phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, tập trung ở những huyện nghèo nên công tác kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai thực hiện còn hạn chế. Hệ thống văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, chưa bám sát thực tế, ban hành chậm hoặc chưa cụ thể; trên cùng một địa bàn có quá nhiều nội dung lồng ghép... nên công tác kiểm toán gặp nhiều khó khăn. Việc tiếp cận, nhận thức về các chính sách của người dân còn hạn chế nên khó đánh giá được đầy đủ tình hình thực tế thực hiện Chương trình 30a và Chính sách 167 qua kết quả phỏng vấn người dân.

Nhìn chung, các Dự thảo Báo cáo kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 (bao gồm cả các cuộc kiểm toán riêng biệt và các cuộc kiểm toán lồng ghép) cơ bản đã thể hiện được đầy đủ các mục tiêu, nội dung kiểm toán theo Đề cương và Kế hoạch kiểm toán. Kết quả kiểm toán đã có nhiều phát hiện, kiến nghị, đề xuất có giá trị, tập trung phản ánh được hiệu quả đầu tư của Chương trình, Chính sách trong việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao dân trí, ổn định an sinh xã hội tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa; về tình hình kinh phí thực hiện Chương trình 30a, Chính sách 167 theo từng năm; những bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh và các sở, ban, ngành; những bất cập trong chế độ, chính sách; cùng một nội dung, đối tượng nhưng có nhiều văn bản hướng dẫn, nội dung chồng chéo giữa các chương trình...Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, Báo cáo kiểm toán của một số Đoàn kiểm toán còn bộc lộ những hạn chế về thu thập bằng chứng, phân tích đánh giá hoặc còn bỏ sót mục tiêu, nội dung kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được duyệt và Đề cương kiểm toán của ngành…

Để tiếp tục triển khai và hoàn thành thắng lợi các cuộc kiểm toán theo Chuyên đề 30a và Chính sách 167 tiếp theo, đảm bảo thống nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, Ban chỉ đạo kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 đề nghị các KTNN chuyên ngành, khu vực được giao nhiệm vụ kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167 tập trung quán triệt, chỉ đạo thực hiện một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất, đặc biệt là trong kiến nghị xử lý tài chính; đánh giá hiệu quả của chương trình, thực hiện các mục tiêu của chương trình; đánh giá và tư vấn hoàn thiện chính sách và cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia.  Về hoạt động kiểm toán trong thời gian tới, Phó Tổng KTNN Lê Hoàng Quân chỉ đạo các đơn vị tập trung:

(1) Tổ chức các buổi tọa đàm để rút kinh nghiệm về kết quả kiểm toán đợt 1, trong đó chỉ rõ những nội dung đã làm được, chưa làm được; và những nội dung trọng tâm cần tập trung chỉ đạo...

(2) Bám sát nội dung Đề cương kiểm toán Chương trình 30a và Chính sách 167; văn bản số 769/KTNN-TH ngày 23/5/2012 của Tổng KTNN và thông tin thu thập được qua quá trình khảo sát tại các bộ ngành, địa phương để lập kế hoạch kiểm toán.

(3) Chú trọng kiểm soát thực hiện mục tiêu, phạm vi, chất lượng kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kiểm toán tổng hợp trong khâu đánh giá công tác quản lý, chỉ đạo, điều phối, kiểm tra chương trình của các cơ quan được giao quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình. Tiếp tục duy trì chế độ báo cáo tiến độ và kết quả kiểm toán theo từng cấp để chỉ đạo kịp thời; chú trọng trao đổi thông tin toàn ngành để chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất kiến nghị kiểm toán.

(4) Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát của các KTNN chuyên ngành và khu vực đối với hoạt động của Đoàn, tổ kiểm toán, nhất là đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của kiểm toán viên theo trách nhiệm của từng cấp; nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của hội đồng cấp Vụ trong thẩm định BCKT, nhất là xử lý các ý kiến khác nhau.

(5) Vụ Tổng hợp, Pháp chế và Văn phòng KTNN cần lưu ý khi thẩm định các báo cáo kiểm toán để tham mưu cho Lãnh đạo KTNN xử lý đối với từng nội dung sai phạm, đảm bảo thống nhất trong toàn ngành./.

HQ

Xem Thông báo của Ban Chỉ đạo tại đây