Xây dựng cơ quan Kiểm toán Nhà nước uy tín, trách nhiệm, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân

 ĐINH TIẾN DŨNG

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng,
Bí thư Ban cán sự,
Tổng KTNN

Năm 2012 đánh dấu chặng đường 18 năm xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước - KTNN (11/7/1994 – 11/7/2012), là năm ghi đậm những dấu ấn về sự trưởng thành, tiến bộ trên mọi lĩnh vực, nhất những đột phá trong tổ chức hoạt động KTNN. Trải qua chặng đường 18 năm, KTNN ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước.

Từ khi được thành lập đến năm 2006, KTNN là cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 01/01/2006-Luật KTNN có hiệu lực, KTNN chính thức là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trên cơ sở Luật KTNN, KTNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn luật, đồng thời Tổng KTNN đã ban hành theo thẩm quyền gần 100 văn bản nhằm quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp. Các chuẩn mực, quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán được chú trọng xây dựng, liên tục được rà soát, sửa đổi theo hướng cải cách hành chính, phù hợp thực tiễn và quy định của pháp luật.

18 năm qua, tổ chức, bộ máy, đội ngũ KTNN đã phát triển vượt bậc, liên tục được củng cố và hoàn thiện hơn. Đến nay, KTNN đã hình thành bộ máy theo mô hình tập trung thống nhất với 30 đơn vị cấp Vụ trực thuộc gồm: 6 đơn vị tham mưu, giúp việc, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp, với hơn 1.700 cán bộ, công chức trong đó 97,5% có trình độ đại học trở lên. KTNN luôn kiên trì, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên trong sạch, vững mạnh theo phương châm: “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng” gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời đã tạo lập được môi trường, xây dựng được cơ chế, chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên tục, đa dạng, khá đồng bộ.

Với khuôn khổ pháp lý dần hoàn thiện, năng lực được tăng cường, hoạt động KTNN ngày càng rộng về quy mô, đa dạng về loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán. Kết quả kiểm toán và những kiến nghị của KTNN ngày càng đa dạng, sắc sảo và có chất lượng hơn, được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra sử dụng ngày càng nhiều. Ngoài lĩnh vực kiểm tra tài chính Nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, kể từ năm 2012, KTNN tập trung đẩy mạnh kiểm toán hoạt động theo các chuyên đề nhằm đánh giá hiệu quả, hiệu lực trong trong quản lý, sử dụng đất; khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; quản lý nhà ở, phát triển đô thị, sự nghiệp môi trường, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững... 

Cùng với hậu kiểm, những năm gần đây KTNN đã bắt đầu thực hiện hình thức tiền kiểm, như: thẩm định dự toán NSNN, thực hiện kiểm toán các dự án đầu tư từ khi khởi công đến khi đưa công trình vào sử dụng. Phương thức kiểm toán chuyên đề ngày càng được chú trọng và đã có tác dụng thiết thực trong việc kiểm tra, phân tích, đánh giá và tư vấn chính sách. Nhiều biện pháp cải cách hành chính được áp dụng trong hoạt động kiểm toán năm 2012 như: lồng ghép nhiều nội dung kiểm toán vào một đoàn kiểm toán, giảm tối đa các đoàn KTNN trên cùng một địa phương, đơn vị; phân cấp và xác định rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp trong quản lý hoạt động kiểm toán; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm toán.

KTNN đã chủ động cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Việc tổ chức họp báo định kỳ theo đúng quy định đã tạo được dư luận tốt. Tổng hợp kết quả kiểm toán 18 năm qua, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 96.022 tỷ, trong đó thu hồi nộp NSNN 33.191 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.706 tỷ đồng. KTNN đã kiến nghị sửa đổi, hoặc huỷ bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất nhiều ý kiến hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài chính ngân sách. Đây là những đóng góp thiết thực của KTNN với chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, KTNN không ngừng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với hơn 20 cơ quan Kiểm toán tối cao và nhiều tổ chức quốc tế. Ngày nay, KTNN là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp cho cộng đồng INTOSAI và ASOSAI. KTNN đã thiết lập cơ chế đối thoại hợp tác giữa người đứng đầu cơ quan KTNN 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào, là đồng sáng lập Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, KTNN đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 01 cá nhân được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, tập thể KTNN được tặng thưởng Huận chương độc lập hạng Ba; 21 tập thể và 98 cá nhân được tặng Huân chương Lao động các loại, nhiều tập thể và cá nhân được tặng cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động KTNN vẫn còn bộc lộ hạn chế và bất cập như: chất lượng kiểm toán còn khoảng cách so với yêu cầu. KTNN chưa mạnh dạn chuyển sang kiểm toán hoạt động, chưa đi sâu vào những vấn đề nhạy cảm được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và xã hội quan tâm. Việc thực hiện kiến nghị còn chưa nghiêm, thiếu kịp thời (năm 2010 tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính đạt 71,3%; năm 2009: 69,7%; năm 2008: 63,7%). Việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận KTV còn hạn chế làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. 

Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế và yếu kém, trong giai đoạn 5 năm cũng như định hướng lâu dài, lãnh đạo KTNN hết sức coi trọng phát triển về chất lượng theo đúng Chiến lược phát triển đã được UBTV Quốc hội phê duyệt. Năm năm tới, KTNN sẽ tập trung thực hiện kiểm toán đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ triển khai và đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đối với tình hình kinh tế-xã hội, theo sát các chương trình giám sát của Quốc hội và UBTV Quốc hội. Kế hoạch kiểm toán cũng sẽ ưu tiên đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề đối với các lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm, tập trung đánh giá chức năng quản lý nhà nước theo lĩnh vực của các bộ, ngành, địa phương.

Để đạt được mục tiêu trên, định hướng và các giải pháp chính được KTNN xác định như sau: Một là, tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức thực hiện tốt và quyết liệt trong toàn ngành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, lần thứ 5 của BCH TW Đảng khóa XI. Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý tương xứng và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trọng tâm là đề xuất bổ sung địa vị pháp lý của KTNN vào Hiến pháp và sửa đổi Luật KTNN, liên tục cập nhật và sửa đổi bổ sung các quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán. Ba là, tiếp tục rà soát và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, phân công nhiệm vụ kiểm toán, hoàn thiện tổ chức bộ máy KTNN. Bốn là, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ công chức, viên chức đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngạch hợp lý theo từng giai đoạn. Năm là, nâng cao toàn diện năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đi sâu vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, thất thoát, như: lĩnh vực quản lý sử dụng đất, quản lý tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực đầu tư công, lĩnh vực quản lý tiền và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước... Sáu là, phát triển cơ sở vật chất và khoa học - công nghệ thông tin, chủ động triển khai Đề án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của KTNN giai đoạn 2012-2020. Bảy là, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế về KTNN.

Nhìn lại chặng đường 18 năm xây dựng và phát triển của KTNN cũng chính là nhìn nhận lại sự cống hiến và trưởng thành tiến bộ của đội ngũ cán bộ, công chức qua các thời kỳ. Có được những thành tựu đến ngày hôm nay, KTNN bày tỏ tấm lòng tri ân đối với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng; các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán trong cả nước, bạn bè quốc tế đã hết lòng quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện và phối hợp có hiệu quả với KTNN trong suốt 18 năm qua. KTNN ngày càng vững mạnh là nhờ sự lao động bền bỉ, sáng tạo của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động đã làm nên sự nghiệp, truyền thống KTNN. Tự hào với những kết quả đã đạt được, nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém cán bộ, công chức, KTV, người lao động KTNN nguyện đồng lòng, đồng sức xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước có uy tín, trách nhiệm với Đất nước và cộng đồng quốc tế, xứng đáng với niềm tin và lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.