Nhằm tạo điều kiện tăng nguồn lực cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân tăng tích lũy, tích tụ vốn cho đầu tư, cần sớm điều chỉnh mức độ động viên thuế và phí trên GDP theo Chiến lược cải cách thuế 2011 - 2020 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2015. Theo chương trình, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào năm 2013 để thực hiện từ năm 2014 trở đi theo hướng giảm mức thuế suất chung từ 25% xuống còn 22-23%, đồng thời với việc minh bạch các chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế và có thể thay đổi một số biện pháp ưu đãi thuế như: Ðề xuất áp dụng ưu đãi thuế đối với những dự án đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại đầu tư tạo ra giá trị gia tăng cao, mang lại hiệu quả kinh tế,... với các quy định chặt chẽ về điều kiện, tiêu chí giám sát, tránh lợi dụng để trục lợi. Ðồng thời rà soát lại, bảo đảm cân đối với quy định về ưu đãi thuế đối với DN thành lập mới từ dự án đầu tư tại những địa bàn khuyến khích. Thực tế cho thấy DN đang hoạt động, có tiềm lực kinh tế, để đầu tư chiều sâu sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn, nhanh chóng mang lại kết quả và hiệu quả hơn là DN mới thâm nhập thị trường.
Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng cơ cấu lại Biểu thuế TNCN, mở rộng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế suất để giảm mức động viên của những người đang nộp thuế TNCN, bảo đảm sự tương quan hợp lý giữa bậc thuế suất cao nhất trong Biểu thuế với việc điều chỉnh thuế suất thuế TNDN. Về nguyên tắc, thuế TNCN do cá nhân trả nhưng trên thực tế, những lao động có tay nghề cao thường thỏa thuận nhận mức lương đã trừ thuế (NET), nếu DN cam kết chịu thuế thay cho cá nhân thì khoản này được tính vào chi phí về lao động theo quy định của Bộ luật Dân sự. Do đó, với những trường hợp này, việc giảm thuế TNCN, ngoài tác động tâm lý và khuyến khích lao động tay nghề cao còn có ý nghĩa tạo cơ hội cho DN tiết giảm chi phí về lao động.
Tái cơ cấu DNNN đặt ra yêu cầu cấp bách: đổi mới sâu sắc, toàn diện cơ cấu và cơ chế quản lý DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, trước hết là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nhằm mục tiêu phân bố lại và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN nói riêng và toàn bộ DNNN nói chung, bảo đảm cho khu vực DNNN thực hiện tốt hơn vai trò đối với nền kinh tế. Thực hiện giải pháp này sẽ diễn ra các hoạt động thoái vốn tại các DN đã cổ phần hoá ở những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ; hoạt động thoái vốn, chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần; chuyển giao, chuyển nhượng tài sản, dự án,... tại các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư ra ngoài ngành. Hoạt động chuyển giao, sáp nhập, giải thể, phá sản cũng sẽ diễn ra nhiều hơn khi các tập đoàn, tổng công ty cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, phân bổ lại nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị. Những hoạt động trên đây đòi hỏi phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thủ tục về chứng từ hóa đơn trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm phù hợp từng loại hoạt động theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho giao dịch nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại không chỉ liên quan bản thân các ngân hàng mà còn liên quan cả các đối tác của họ là khách hàng DN. Dự kiến sẽ xảy ra các hoạt động sáp nhập, thâu tóm, cơ cấu lại nợ, trên cơ sở đó thực hiện giao dịch mua/bán nợ, khoanh nợ,... Những hoạt động này cũng cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về các biện pháp xử lý nợ, xử lý khoản trích lập dự phòng rủi ro nghiệp vụ có liên quan nghĩa vụ thuế của các tổ chức tín dụng khi đặt yêu cầu an toàn hệ thống và lợi ích toàn cục nền kinh tế lên vị trí ưu tiên.
Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính liên quan cũng đòi hỏi cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế mới về thuế, nhằm khuyến khích nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể hóa về nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động trên thị trường chứng khoán, phù hợp từng loại hình nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Ðiều này sẽ làm tăng tính minh bạch, tác động thúc đẩy các nhà đầu tư cá nhân tham gia thông qua các nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ. Ðề nghị báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho bổ sung vào Luật Thuế TNCN quy định về việc cho trừ vào thu nhập tính thuế khoản nộp vào quỹ hưu trí tự nguyện nhằm khuyến khích việc hình thành quỹ này. Theo đó, khoản đóng góp của cá nhân vào quỹ hưu trí tự nguyện cần được trừ khỏi thu nhập tính thuế; đồng thời, khi cá nhân được quỹ hưu trí tự nguyện chi trả thì cũng được tính vào thu nhập được miễn thuế TNCN (tương tự như cơ chế áp dụng đối với việc đóng góp, tham gia vào quỹ BHXH, BHYT của Nhà nước). Ðối với DN có tham gia đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện cho cá nhân người lao động của DN thì cũng cần được khuyến khích cho tính vào chi phí. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kinh nghiệm của những nước đã áp dụng quỹ hưu trí tự nguyện để ban hành các quy định ràng buộc về thời gian tham gia, mức độ đóng góp vào quỹ, các điều kiện và tiêu chí giám sát để bảo đảm minh bạch, hạn chế khả năng lách thuế để trục lợi.
Tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế trên cơ sở rà soát, lựa chọn danh mục sản phẩm, ngành nghề, lĩnh vực đưa vào diện ưu tiên khuyến khích phát triển, kết hợp với rà soát quy hoạch vùng lãnh thổ, rà soát danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế, nhằm khuyến khích đầu tư và định hướng phân bố lại nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cần có sự chuyển dịch về cơ cấu. Ngoài ra, như đã đề cập tại giải pháp điều chỉnh mức động viên thuế, việc rà soát cơ chế ưu đãi đầu tư tới đây cũng cần tính đến cả hình thức đầu tư mới và đầu tư chiều sâu, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng, không nhất thiết chỉ ưu đãi cho hình thức đầu tư lập DN mới. Danh mục lĩnh vực, địa bàn cần được áp dụng thống nhất khi thiết kế các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu, thuế TNDN.
Trong ngắn hạn, khi nền kinh tế năm 2012 đang gặp nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế cần kết hợp chặt chẽ với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP của Chính phủ. Các giải pháp hỗ trợ trong điều hành kinh tế vĩ mô, về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, hỗ trợ về giảm, giãn thuế cần được hướng dẫn cụ thể, kịp thời để chính sách được thực hiện thống nhất, đến đúng đối tượng thụ hưởng và tạo thêm niềm tin cho thị trường.
Theo http://www.nhandan.com.vn