Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, ngày 16/5/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 493/NQ-UBTVQH13 thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.

Ban soạn thảo gồm 10 thành viên do Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng làm trưởng ban, Ông Cao Tấn Khổng, Phó Tổng KTNN làm Ủy viên thường trực và 08 ủy viên, danh sách cụ thể như sau: Ông Nguyễn Quang Thành, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Kiều Đình Thụ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Ông Hoàng Văn Tú, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN; Ông Doãn Anh Thơ, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, KTNN.

Luật Kiểm toán Nhà nước được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN. Luật KTNN được ban hành đã mở ra giai đoạn phát triển mới của KTNN, địa vị pháp lý của KTNN đã được nâng cao phù hợp với vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ được giao. Sau hơn 5 năm thực hiện luật KTNN, hoạt động kiểm toán ngày càng được mở rộng về quy mô, đa dạng loại hình và phương thức kiểm toán, tiến bộ về chất lượng kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành Luật KTNN còn một số hạn chế, bất cập như: KTNN là cơ quan “chuyên môn” là chưa phù hợp, chưa thể hiện được bản chất của KTNN  là cơ quan kiểm toán tối cao như các nước trên thế giới đã quy định; chưa có các quy định về: chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội; các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và các tổ chức có liên quan trong hoạt động kiểm toán, chưa có sự tương thích về một số qui định giữa Luật KTNN với các luật có liên quan…Từ những bất cập, hạn chế trên cho thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật KTNN cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán nhà nước và thông lệ quốc tế. Được biết hiện nay KTNN đã tổng kết 5 năm thi hành Luật KTNN và tổ chức nhiều hội thảo về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung./.

Thúy Ly