Sáp nhập các công ty kiểm toán độc lập để phát triển

Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Giải pháp phát triển thị trường kiểm toán độc lập" do Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) vừa tổ chức, việc sáp nhập, hợp nhất các công ty kiểm toán độc lập (KTĐL) đã được nhiều đại biểu đề cập.

Theo Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ 1/1/2012, kể từ đầu năm 2014, công ty KTĐL phải có ít nhất 5 kiểm toán viên (KTV) và có vốn pháp định 3 tỷ đồng trở lên mới đủ điều kiện hành nghề.
Ông Bùi Văn Mai - Tổng Thư ký VACPA, cho rằng có nhiều giải pháp để phát triển thị trường KTĐL Việt Nam, như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao năng lực đào tạo KTV, tăng cường kiểm soát chất lượng… Trước mắt, giải pháp thiết thực nhất là cơ cấu và tổ chức lại các công ty kiểm toán. Hiện nay cả nước có khoảng 50-70% công ty phải cơ cấu lại. Ngoài 40/170 công ty KTĐL quá nhỏ, không đủ điều kiện so với yêu cầu tối thiểu của Luật KTĐL nêu trên, một số công ty khác cũng cần cơ cấu lại để đủ điều kiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

Theo ông Mai, khi cơ cấu lại tổ chức, các công ty có thể sáp nhập, hợp nhất hoặc trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế. VACPA sẽ tổ chức hội thảo, làm cầu nối để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng đề án tái cơ cấu phù hợp.

Ông Trần Xuân Hà - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán VFA, cho rằng cái khó mà các công ty kiểm toán vừa và nhỏ đang gặp phải là hợp đồng nhỏ, một số công ty chưa có chương trình kiểm toán riêng… Ông Hà cho biết, VFA cũng tính chuyện mở rộng quy mô của công ty bằng cách tăng số lượng KTV và tăng vốn, trong đó có tính đến phương án sáp nhập với một công ty nhỏ khác để vượt khó. Tuy nhiên, ông Hà lo lắng trong việc tìm đối tác cũng như việc xây dựng kế hoạch, ổn định và phát triển sau khi sáp nhập. Ông Hà đề nghị VACPA hỗ trợ thông tin về thị trường, tư vấn cho doanh nghiệp về quá trình sáp nhập này.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty TNHH Kiểm toán DTL, cũng cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện sáp nhập nhưng rất băn khoăn chưa biết nên làm như thế nào vì thực tế đã có các doanh nghiệp vừa sáp nhập đã lại tách ra”.

Ông Bùi Thế Bình - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán ATIC Việt Nam tỏ ra sốt ruột: “VACPA nên sớm tổ chức hội thảo riêng cho các công ty nhỏ để các công ty có 2 hoặc 3 KTV tìm cơ hội hợp nhất với nhau thành công ty khoảng 10 KTV. Để tránh tình trạng các công ty hợp rồi tan, những công ty ở những địa bàn khác nhau nên kết hợp lại hoặc góp vốn vào công ty khác để trở thành công ty mạnh hơn - ông Bình đề xuất.

Chia sẻ kinh nghiệm sáp nhập thành công, ông Tạ Văn Việt - Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh, cho biết: Công ty Việt Anh được thành lập vào tháng 9/2010 trên cơ sở sáp nhập Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn SUP tại Hà Nội với Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Việt Nam - VAAC tại Hải Phòng. Khi đó, tất cả những vấn đề như: văn phòng chính đặt tại đâu, ai làm giám đốc… đều phải thỏa thuận bằng văn bản. “Đến nay, công ty đã có đội ngũ lãnh đạo, nhân viên chuyên nghiệp và hoạt động ổn định” - Ông Việt khẳng định - “Việc sáp nhập của chúng tôi là hoàn toàn tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu kinh doanh và khách hàng chứ không phải do sức ép từ luật pháp”.

Bên cạnh việc đồng tình với việc sáp nhập, hợp nhất đối với các công ty kiểm toán nhỏ cũng có một vài ý kiến “bảo thủ”. Họ cho rằng không cần thiết phải mở rộng quy mô bởi công ty nhỏ sẽ ít gặp rủi ro hoặc lo ngại sau khi hợp nhất lại giải thể do bất đồng về lợi ích và văn hóa. Ông Đặng Thái Hùng - Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính, lưu ý rằng: Dù là công ty quy mô nhỏ hay vừa cũng nhất định phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng; đồng thời Luật đã quy định công ty nhỏ nhất phải có ít nhất 5 KTV và 3 tỷ đồng vốn, vì thế không thể làm trái được.
Ông Trần Văn Tá - Chủ tịch VACPA, cho rằng hơn 20 năm qua, KTĐL đã có bước phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, được các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các công ty KTĐL cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội đồng thời phát triển doanh nghiệp. Vì thế, giải pháp phát triển thị trường luôn là vấn đề thời sự cần bàn thảo liên tục./.

Theo Báo Kiểm toán số 7/2012