Là một nhà khoa học có sự quan tâm lớn đến các hoạt động của KTNN, xin ông cho biết những suy nghĩ và đánh giá của mình đối với hoạt động kiểm toán nhà nước trong thời gian qua?
Một tư duy bình thường trong hệ thống quản lý của Việt Nam là rất coi nhẹ phần thanh tra, kiểm tra, kiểm soát mà thiên nhiều về phần thực hiện, phần triển khai. Hiện nay, nhìn chung công tác kiểm tra tại các bộ ngành vẫn rất yếu, còn thanh tra thì thường khi có vụ việc nóng mới làm. Ngay cả cơ chế giám sát của HĐND dù đã được Quốc hội đẩy mạnh nhưng hiệu quả chưa cao, ngay cả việc giám sát của người dân cũng chưa mang lại nhiều hiệu quả... Trong tất cả các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, KTNN đã đóng góp một khối lượng công việc khá lớn và có thể nói là một trong những hình mẫu thực hiện tốt nhất cái vế kiểm soát các hoạt động kinh tế của Nhà nước, từ đấy giúp cho bộ máy hoạt động nghiêm túc hơn, hiệu quả hơn, đồng thời đẩy mạnh vấn đề kiểm tra, giám sát nói chung đối với những công việc đang thực hiện. Thực tế thời gian qua cho thấy, trong việc nâng cấp công tác quản lý tài chính và kiểm tra tài chính, KTNN đã có công rất lớn vì ở Việt Nam đây là một trong những khâu yếu nhất. Rõ ràng, về mặt tâm lý, khi mà ai cũng nghĩ rằng các công việc mình sẽ được kiểm tra, kiểm toán thì họ sẽ làm tốt hơn.
Khi đánh giá những hạn chế của công tác kiểm tra giám sát ở Việt Nam, chắc hẳn ông đã có sự nhìn nhận về nguyên nhân sâu xa của vấn đề?
Tất nhiên, dù không muốn thì công tác kiểm tra giám sát ở Việt Nam luôn luôn gặp khó khăn, phức tạp. Sở dĩ thực tế công tác này triển khai chưa được như mong đợi cũng vì tính phức tạp của vấn đề. Về lý thuyết, chúng luôn quan niệm và đòi hỏi công tác này đạt được tiêu chuẩn như các nước công nghiệp phát triển. Nhưng trên thực tế, các công việc ở Việt Nam nhiều khi lại được triển khai trên những mối quan hệ. Chẳng hạn, mối quan hệ gia đình, bạn bè; mối quan hệ công tác lâu năm; mối quan hệ thủ trưởng, nhân viên... Nói chung là những mối quan hệ vượt quá ngưỡng của mối quan hệ công tác, thậm chí có khi còn sang mối quan hệ thân tình, điều này đã tạo ra những khó khăn không nhỏ khi kiểm soát công việc. Khi người ta giải quyết công việc trên cơ sở mối quan hệ riêng thì nó sẽ rất khác với việc giải quyết công việc chỉ thuần túy vì mục đích chung... Tôi hy vọng, tính chất khách quan của KTNN sẽ tạo ra một nền nếp làm việc không dựa trên những mối quan hệ thân tình theo kiểu gia đình nữa mà phải là mối quan hệ công việc thực sự. Đây cũng là một cách làm có thể giúp dẹp bỏ lối tư duy văn hóa làng xã trong cán bộ của chúng ta, phải đẩy nó thành một tư duy công nghiệp hơn, rành mạch hơn, tư duy công việc là công việc, mối quan hệ riêng là mối quan hệ riêng. Làm được việc ấy, KTNN sẽ tạo ra một nếp công việc công nghiệp, phù hợp với lộ trình mà chúng ta rất mong muốn là Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Tất nhiên, để đạt được điều đó, chính KTNN cũng phải đổi mới hơn nữa trong tư duy, trong cách thức làm việc. Khi tư duy này được thay đổi từ hệ thống kiểm soát thì sự ảnh hưởng đến các cơ quan khác sẽ lớn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, tôi rất mong những hoạt động kiểm toán của KTNN trong tương lai sẽ không chỉ giúp chúng ta kiểm soát nền tài chính quốc gia mà còn giúp đổi mới tư duy tiếp cận công việc của cán bộ, công chức.
Theo ông, để có được tư duy mới trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như với KTNN, chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu?
Tôi cho rằng, để làm được công việc thay đổi tư duy công nghiệp hóa đối với các đơn vị được kiểm toán thì bản thân kiểm toán viên phải là người đầu tiên có được tư duy công nghiệp, có được tư duy rành mạch giữa công việc và các mối thân tình. Như vậy mới dẹp được tư duy cũ tại các cơ quan họ đến kiểm toán.
Trong một bối cảnh mà một người không thể tự giải quyết tất cả mọi việc mà đều phải nhờ vả thì đây là một hiện tượng đáng để ý và đáng lưu tâm, đặc biệt là trong quá trình chúng ta kiện toàn, đổi mới hệ thống quản lý. Ở Việt Nam, vấn đề này trở nên khó khăn hơn do hoàn cảnh thu nhập, do tính không chủ động trong công việc từ tất cả các vị trí. Nếu đặt mục tiêu đến năm 2020 nước ta là một nước công nghiệp thì việc này cần thiết phải giải quyết sớm. Nếu vẫn tiếp tục cách thức giải quyết công việc như cũ, vẫn thiếu tính khách quan, vẫn để cái riêng xen kẽ vào cái chung thì tiêu cực vẫn không thể giảm.
Để làm được điều đó, một trong những giải pháp đầu tiên chúng ta phải tính tới là cải cách bộ máy hành chính, đây chính là điểm chúng ta rất chật vật từ xưa đến nay. Cần phải để số lượng người giảm đi, chất lượng cao hơn, từ đó thu nhập cũng sẽ cao hơn. Nếu không làm cho thu nhập tăng lên thì chắc chắn chúng ta sẽ khó giải quyết tất cả mọi việc. Nhưng để làm thu nhập tăng lên thì chắc chắn bộ máy phải tinh gọn, chất lượng cán bộ công chức phải tốt... Đấy là khó khăn mà nhiều khi cũng như cái vòng luẩn quẩn. Chúng ta đi đâu cũng đụng vào việc ấy và rồi lại rụt lại. Mặc dù vậy, để trở thành một nước công nghiệp thì đó là việc buộc chúng ta phải làm, không có cách nào khác.
Tôi cho rằng chúng ta hãy học tập Singapore khi nước này đưa ra khẩu hiệu: “Hãy để lương của các công chức nhà nước cao hơn lương doanh nghiệp”. Thực hiện được vấn đề này, chúng ta mới có thể chống được tham nhũng. Cần bắt đầu từ hệ thống kiểm tra, kiểm soát, giám sát, trong đó có hoạt động kiểm toán, phải có một sự đãi ngộ cao hơn về chế độ mới có thể mạnh dạn, thẳng thắn làm tất cả mọi việc. Tại Việt Nam, việc này cũng không phải ngoại lệ vì chúng ta đã từng quyết định cho các cán bộ chiến sĩ quân đội trong lực lượng vũ trang có mức lương cao hơn bên ngoài. Khi nào cần thiết thì chúng ta phải làm. Thực tế lương của các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cao hơn thì nhân dân cũng không có vấn đề gì phải thắc mắc. Để đẩy mạnh công cuộc cải cách, nếu chúng ta dành cho lực lượng kiểm tra, thanh tra, kiểm soát một chế độ đãi ngộ tương xứng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thì cũng là một việc tôi cho rằng nhân dân sẽ hoan nghênh.
Bước sang năm mới, chúng ta đặt hy vọng rất nhiều vào sự tốt đẹp phía trước. Nhân dịp này, xin chúc KTNN đạt được nhiều thành công hơn nữa. Trong một năm mà sự hy vọng đầu tiên của đất nước là nền kinh tế phục hồi thì việc KTNN hoàn thành tốt công tác kiểm toán cũng là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại ! Xin được đón đợi một năm thành công!
Xin cảm ơn ông và xin chúc ông một năm mới với nhiều thành công tốt đẹp!
ĐH. (thực hiện)
Theo Tạp chí Kiểm toán số 1/2012