Ngày 19/9, cho ý kiến về kỳ họp Quốc hội thứ 4 (dự kiến 22/10 - 23/11), đa số ủy viên Thường vụ Quốc hội cho rằng, 25 ngày (chưa kể thứ 7, chủ nhật) khó có thể đủ để hoàn thành yêu cầu của kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng. Ngoài hai ngày chất vấn như thông lệ, Quốc hội dự kiến dành một buổi để các bộ trưởng đã đăng đàn tại kỳ họp thứ 2, thứ 3, trả lời về việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội. Dự kiến, thời gian này được tiến hành vào giữa tháng 11.
Qua hai kỳ họp, đã có 9 Bộ trưởng, một Phó thủ tướng và Thủ tướng đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn. Tại kỳ họp thứ 2 (tháng 11/2011), Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trực tiếp trả lời các vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng.
Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2012), Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được chọn đăng đàn.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cơ quan này sẽ có công văn đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành sớm chuẩn bị những nội dung đã hứa tại 2 kỳ họp trước để báo cáo Quốc hội. Văn phòng cũng đề nghị Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội sớm xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giải trình tại phiên họp Hội đồng, Ủy ban để giảm bớt những vấn đề cần đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 4 này.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có văn bản yêu cầu các Bộ trưởng trả lời chất vấn tại 2 kỳ họp vừa qua báo cáo kết quả thực hiện lời hứa trước Quốc hội, gửi đến đến Văn phòng Quốc hội trước ngày 20/9.
Chương trình của kỳ họp cuối năm được đánh giá là "nặng nề" vì ngoài báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và một số báo cáo khác, Quốc hội sẽ bàn về 10 dự án luật. Trong đó, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua ngay trong kỳ họp này. Quốc hội cũng dự kiến thông qua Luật Thủ đô, Luật Thuế thu nhập cá nhân. Dự án luật nhận nhiều quan tâm của người dân được Quốc hội đưa ra thảo luận lần này là Luật Đất đai sửa đổi.
Các phiên bàn về dự thảo nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa còn đề nghị truyền hình trực tiếp cả nội dung bàn về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để cử tri theo dõi.
Hầu hết các ý kiến đều đề nghị nếu cần thì tăng thời gian kỳ họp thêm vài ngày để có thể xem xét thấu đáo các vấn đề được đặt ra. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị dành ít nhất một ngày để thảo luận tổ và 1,5 - 2 ngày tại hội trường để thảo luận về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần dành thời gian thỏa đáng để thảo luận dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm. Nếu cần, Quốc hội có thể làm việc vào cả thứ bảy.
Nhật Lam