Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nghị là cơ hội tốt để trao đổi về quan điểm ở cấp hoạch định chính sách và kinh nghiệm trong quản lý ngân sách Nhà nước nói chung, tập trung vào những nội dung như chính sách tài khóa, phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan Quốc hội trong hoạt động giám sát ngân sách Nhà nước; kinh nghiệm quản lý ngân sách của các nước đang phát triển và những vấn đề đặt ra cho cả 3 nước. Để mỗi nước có thể đưa ra các giải pháp phù hợp trong hoạt động quản lý ngân sách nhà nước một cách thực chất hơn, làm tốt hơn chức năng quyết định và giám sát ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi các bài học kinh nghiệm, đặc biệt là các nguyên nhân và giải pháp đã và đang áp dụng ở các nước. Đó là những thông tin bổ ích, có ý nghĩa quan trọng để các cơ quan Quốc hội 3 nước nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc hơn nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách tài chính-ngân sách nói chung và hoạt động giám sát tài chính ngân sách nói riêng phù hợp với thể chế chính trị của từng nước và với các thông lệ quốc tế.
Hội nghị đã tập trung thảo luận về các nội dung: tổng quan về chính sách tài khóa và định hướng tiếp tục đổi mới của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; phân cấp ngân sách, những vấn đề đặt ra và định hướng đổi mới, trong đó đi sâu phân tích, đánh giá những kinh nghiệm về phân cấp, nhiệm vụ thu chi ngân sách, vai trò của chính quyền địa phương và mối quan hệ giữa trung ương, địa phương trong quá trình cải cách ngân sách, cân đối tài khóa giữa các cấp chính quyền; mối quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát ngân sách nhà nước; những vấn đề đặt ra đối với bẫy thu nhập trung bình; kinh nghiệm giám sát, quản lý tài chính ngân sách đối với các nước đang phát triển từ góc nhìn của các chuyên gia kinh tế của IMF.
Đại diện KTNN, ông Trần Khánh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã trình bày tham luận Tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội và KTNN, qua đó làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát NSNN-Kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, cơ quan lập pháp có vai trò quan trọng và cấp bách trong việc bảo đảm ngân sách quốc gia đáp ứng yêu cầu của xã hội. Quốc hội cần tạo lập cơ sở pháp lý và giám sát chặt chẽ việc thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả, minh bạch, có tinh thần trách nhiệm cao và tiết kiệm. Muốn vậy, cần đổi mới cách thức cũng như chế độ cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia giúp việc cho Quốc hội tiến tới việc xây dựng một hệ thống thông tin độc lập của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách. Tiến sỹ Souvanpheng Boupphanouvong, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Tài chính của Quốc hội Lào cho biết cần tiếp tục có cơ chế hợp tác chặt chẽ, liên tục hơn nữa giữa các Ủy ban có liên quan của Quốc hội 3 nước trong việc tăng cường hoạt động giám sát tài chính, ngân sách. Đối với Quốc hội Lào, 3 nội dung đang được chú trọng là khuyến khích các hoạt động kiểm toán; quản lý hiệu quả đầu tư của Nhà nước; quản lý và phân chia nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan liên quan…
Hội thảo này là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam" do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tài trợ. Kết quả hội nghị sẽ được phía Việt Nam nghiên cứu, sử dụng để góp phần vào việc xem xét, sửa đổi các quy định của pháp luật về tài chính - ngân sách trong thời gian tới./.
P.V