Trong năm 2010, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã hoàn thành 136/136 cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý 17.059 tỉ đồng, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản không phù hợp. Năm 2011, KTNN sẽ tiến hành 151 cuộc kiểm toán, tăng 11% so với kế hoạch năm 2010.
Trong những năm qua, thực hiện quy định của Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN đã chú trọng kiểm toán nhằm phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí trong việc sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí, góp phần công khai và làm lành mạnh nền tài chính công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Dự thảo Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng quý I của BCĐ khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục bám sát và phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị; đạt được kết quả tích cực trên cả 2 mặt là phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, công tác này vẫn tồn tại những hạn chế, thiếu sót như nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm, dây dưa kéo dài với các lý do chưa thuyết phục…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, quan điểm của phòng, chống tham nhũng là phải kiên quyết, kiên trì, đồng bộ với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả. Khi phát hiện các vụ việc tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhằm tạo tính răn đe.
Với tinh thần trên, Thủ tướng nhấn mạnh trong phòng, chống tham nhũng quý II và thời gian tới, các bộ, ngành chức năng, các địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với những giải pháp cụ thể về truyên truyền, giáo dục; phòng ngừa tham nhũng nhất là ở những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư XDCB, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thu, chi NSNN và quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước… Bên cạnh việc đấu tranh, phòng ngừa, các vụ việc phát hiện dấu hiệu và hành vi tham nhũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dự thảo báo cáo của BCĐ đã nêu.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XI của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó tập trung vào những định hướng công tác lớn, xác định những nội dung cụ thể cho năm 2011, các năm tiếp theo và chương trình toàn khóa; khẩn trương kiện toàn các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng sau bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016./.
Thu Hương