KTNN đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và ban hành một số chính sách, chế độ mới phù hợp với quy định của pháp luật. KTNN cũng đã tham gia với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét báo cáo tài chính của 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; chuyển nhiều kết luận kiểm toán cho Cơ quan CSĐT, Thanh tra Chính phủ... tiếp tục làm rõ.
Năm 2011, KTNN sẽ tiến hành kiểm toán 151 đầu mối, tăng 11% so với năm 2010. Trong đó, 55 đầu mối thuộc lĩnh vực ngân sách Nhà nước; 39 dự án đầu tư; 27 đầu mối thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)...
Ngoài ra, KTNN còn tiến hành kiểm toán chung với KTNN Liên bang Nga đối với Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro và Công ty TNHH Rusvietsovpetro, nâng tổng số đơn vị trong lĩnh vực này lên con số 29. Sau khi thực hiện chuyên đề kiểm toán về công tác quản lý thu thuế trong 2 năm (2008-2009) tại hai cơ quan thuộc Bộ Tài chính là Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, KTNN đã phát hiện nhiều nội dung hướng dẫn chưa phù hợp, chưa bám sát mục tiêu của giải pháp về thuế của Chính phủ nên khó thực hiện và làm hạn chế tác dụng.
Ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cách lựa chọn để tiến hành kiểm toán trong năm 2011 đã bao quát được các lĩnh vực theo nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào các lĩnh vực nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đơn cử như chuyện lâu nay TPHCM chưa quản lý hiệu quả quỹ nhà đất, đặc biệt là các khu đất vàng, sẽ được nằm trong kế hoạch kiểm toán chuyên đề về quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại TPHCM.
Theo Người lao động