TS Lê Kim Sa cho rằng, vấn đề nợ công của Việt Nam chưa phải là vấn đề con số mà là vấn đề hiệu quả sử dụng các khoản nợ đó như thế nào. |
Theo số liệu của Bộ Tài chính ước tính đến cuối năm 2010, nợ công của Việt Nam vào khoảng 56,7% GDP, trong khi đó, năm 2009 con số này chỉ có 44,7% GDP. Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật của Quốc hội thì công bố Việt Nam có mức nợ năm 2009 là 41% GDP và dự báo lên 44,6% trong năm 2010.
Nhìn vào các con số này, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thể hiện sự lo lắng khi cho rằng con số này gia tăng khá mạnh. Hơn nữa, một trong những rủi ro lớn nhất về vấn đề nợ công của Việt Nam hiện nay là 58,9% trong khoản nợ công là nợ nước ngoài và tỷ lệ này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi sắp đầu tư xây dựng thêm nhà máy điện nguyên tử, đường sắt cao tốc…
“Nếu nợ công nước ngoài nhiều thì những rủi ro về tỷ giá hối đoái sẽ có tác động rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý hối đoái của chúng ta còn chưa thực sự hiệu quả, điều này sẽ có ảnh hưởng khá mạnh đến nền tảng tài chính”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại không tỏ ra lo ngại về con số tỷ lệ nợ công ở Việt Nam. Điều mà các chuyên gia lo ngại hơn lại là vấn đề sử dụng nguồn vốn vay đó như thế nào?
Theo GS.TS Vương Đình Huệ - Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), vấn đề nợ công của Việt Nam chưa phải là vấn đề con số, vấn đề nằm ở hiệu quả sử dụng đồng tiền.
Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Kim Sa, Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương Hà Nội cho rằng, đối với một số quốc gia, nợ công của họ có thể lớn đến hơn 100% GDP nhưng có thể đối với họ lại không phải là vấn đề. Do đó, nợ công của Việt Nam xét trong ngắn hạn chưa phải là vấn đề nghiêm trọng.
Tuy nhiên, TS Lê Kim Sa cũng nhấn mạnh: “Mức độ an toàn hay nguy hiểm của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ trên GDP mà quan trọng nhất là phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng nợ, hay nói đúng hơn là sức khỏe của nền kinh tế. Do đó, vấn đề nằm ở chỗ chính phủ có tạo được lòng tin đối với dân chúng và các tổ chức quốc tế về việc chúng ta sẽ sử dụng đồng tiền một cách có hiệu quả hay không mà thôi”.
GS. TS Vương Đình Huệ - Tổng KTNN Việt Nam cho biết, tới đây, KTNN sẽ tiến hành và đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả của quản lý nợ công. |
Nợ công của Việt Nam xếp top cuối về tính minh bạch
Các con số về khoản nợ công của Việt Nam được công bố không đồng nhất giữa Quốc hội, Bộ Tài chính, đồng thời con số này cũng không giống với con số tính toán của thế giới. Điều này khiến các chuyên gia nhận định, hiện những thông tin về vấn đề nợ công của Việt Nam chưa thực sự minh bạch. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã bước đầu có những thông tin công khai về nợ công trên website của mình nhưng mới chỉ dừng lại ở nợ nước ngoài chứ chưa phải toàn bộ nợ công.
Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh – Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam thì việc không thống nhất và gắn kết trong cách hiểu, cách giải thích cũng như cách quản lý vấn đề về nợ công là một trong những rủi ro của nợ công Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, thống kê tài chính của Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung vào nợ Chính phủ, nên khó có thể thấy được toàn cảnh vấn đề tài chính công và nợ công vì khu vực doanh nghiệp nhà nước rất lớn và Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm với khu vực này. Và đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến những sự việc như Vinashin.
Để thực thi được tính minh bạch, GS-TS Vương Đình Huệ cho rằng cần trao trách nhiệm quản lý nợ công cho 1 đầu mối, có thể là Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ này cần xây dựng một chiến lược về nợ công; xác định ngưỡng, tỷ trọng nợ công là bao nhiêu so với GDP cho từng giai đoạn, từng thời kỳ dựa vào “sức khỏe” của nền kinh tế quốc dân.
Ông Huệ cũng cho rằng đối với các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ bảo lãnh cần phải kiểm soát thông qua việc đổi mới cách thức quản lý về tài chính để các tập đoàn, các công ty phải minh bạch, công khai hóa các hoạt động kiểm toán.
Về vai trò của KTNN đối với việc kiềm chế những rủi ro của nợ công và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các khoản nợ công, ông Huệ cho biết, với tư cách là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính, trước đây KTNN mới tập trung kiểm toán các vấn đề về tổng số nợ, cơ cấu các khoản nợ, trả nợ gốc, trả nợ lãi trong quyết toán ngân sách, kiểm toán tính tuân thủ pháp luật về nợ công…
Tuy nhiên, tới đây KTNN sẽ tiến hành cả kiểm toán hoạt động, đánh giá kinh tế, hiệu quả của quản lý nợ công, kiểm toán cả cơ quan quản lý nợ công, mở rộng kiểm toán chuyên biệt, kiểm toán chuyên đề để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nợ.
Theo Lao động