Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 đã được ban hành

Ngày 6/12/2010, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Vương Đình Huệ đã ký ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020

Sau 16 năm hoạt động, với vai trò là cơ quan kiểm toán tối cao, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã phát huy được vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển đất nước. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được sử dụng ngày càng nhiều trong quản lý điều hành, giám sát, phê chuẩn, quyết định các vấn đề tài chính - ngân sách và hoàn thiện chính sách pháp luật. Với mục tiêu xác định giá trị cốt lõi để phát triển Kiểm toán Nhà nước là “minh bạch - chất lượng - hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã xây dựng và đến tháng 4/2010 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Đây là Chiến lược được xây dựng nhằm góp phần tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.

Để cụ thể hóa Chiến lược thành các hoạt động khả thi, được gắn kết với nhau trong một lộ trình hợp lý nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu của Chiến lược, trong một năm qua, với sự hỗ trợ của Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh và Kiểm toán Nhà nước Vương Quốc Anh, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Kế hoạch hành động đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành vào ngày 6/12/2010.

Kế hoạch hành động này được xây dựng chi tiết và cụ thể theo từng chủ đề, xác định các sản phẩm đầu ra như yêu cầu, mục tiêu, hoạt động, các ưu tiên và các nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa Chiến lược; các rủi ro khi thực hiện và biện pháp giảm thiểu rủi ro; thời gian thực hiện, các hoạt động trong 5 năm tới (đến năm 2015) và chỉ rõ những việc cần làm trong giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch hành động đi sâu vào 5 nội dung: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; Phát triển tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực; Xây dựng kế hoạch kiểm toán và ứng dụng kỹ thuật, phương pháp kiểm toán, quản lý hoạt động kiểm toán; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; Nâng cao hiệu quả phối hợp và quan hệ đối tác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Việc tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch hành động này là một thách thức đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Để vượt qua thách thức này, ngoài sự tâm huyết, tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của chính đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần có sự hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương và các nhà tài trợ quốc tế./.

TK-TH (tháng 12/2010)