* Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ thời gian qua đã tác động tiêu cực tới tài chính toàn cầu nhưng không thấy sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của các Công ty kiểm toán độc lập (KTĐL) trong việc phát hiện, cảnh báo các rủi ro tín dụng tại các ngân hàng, Xin ông cho biết trách nhiệm của các Công ty KTĐL về việc này như thế nào?
Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cách đây gần chục năm cho thấy nó gắn với vai trò, trách nhiệm của một số tổ chức kiểm toán lớn, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ gần đây thì không nhận thấy vai trò, cũng như không thấy đề cập tới trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán.
Theo tôi, có hai khả năng lý giải về vấn đề này. Thứ nhất, khủng hoảng tài chính có nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn liên quan đến các thông tin tài chính và báo cáo tài chính, là những nội dung thường được các công ty kiểm toán tham gia kiểm toán. Nếu như báo cáo tài chính có sai phạm mà kiểm toán không phát hiện được thì đương nhiên khủng hoảng tài chính gắn với trách nhiệm của kiểm toán viên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng lần này có thể không hẳn xuất phát từ những sai sót của báo cáo tài chính. Thứ hai, có thể trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính các ngân hàng, tổ chức tài chính liên quan, kiểm toán viên đã đưa ra những cảnh báo, nhắc nhở những vấn đề cần đề phòng nhằm tránh xảy ra khủng hoảng, nhưng nó chưa đạt đến mức thuyết phục các nhà quản lý quan tâm, vì vậy, trách nhiệm của kiểm toán viên không lớn.
Tuy nhiên, sự khủng hoảng của các ngân hàng quốc tế luôn liên quan tới vấn đề tài chính và báo cáo tài chính các ngân hàng chắc chắn sẽ được các công ty kiểm toán tiến hành kiểm toán. Thời gian qua chúng tôi cũng có đề cập, trao đổi về vấn đề này tại các diễn đàn chuyên môn nhưng không thấy ý kiến nào đề cập tới trách nhiệm của các công ty đã kiểm toán các ngân hàng đó.
* Vậy thì vai trò của các kiểm toán viên trong vấn đề này ra sao?
Thông thường kiểm toán viên kiểm tra báo cáo tài chính và đưa ra ý kiến về bản báo cáo tài chính đó có trung thực, hợp lý và phù hợp với các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán hay không? hoặc có phù hợp với luật lệ của quốc gia sở tại hay không? Khi phát hiện những vấn đề không phù hợp, kiểm toán viên sẽ đưa ra ý kiến dạng loại trừ hoặc không chấp nhận đối với các số liệu báo cáo tài chính cụ thể nào đó. Về nguyên tắc, khi đã đưa ra ý kiến như trên thì trách nhiệm của kiểm toán viên đã được loại trừ.
Tuy nhiên, mỗi khi xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính, bản thân các tổ chức kiểm toán cũng sẽ chủ động xem xét, đánh giá đã làm hết trách nhiệm hay chưa, có sơ suất gì, cần điều chỉnh vấn đề gì. Dù xã hội không gắn sự kiện đó với trách nhiệm kiểm toán viên thì người hành nghề cũng sẽ tự xem xét lại trách nhiệm, vai trò của mình theo các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Tôi cho rằng, trong chừng mực nào đó, để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua các kiểm toán viên vẫn có trách nhiệm liên quan. Có thể họ đã thực hiện việc cảnh báo, nhưng sự cảnh báo rõ ràng chưa đủ mạnh để thuyết phục các nhà quản lý. Nói chung là kiểm toán viên chưa làm hết trách nhiệm của mình.
* Liên hệ tại Việt Nam, năm nào các công ty kiểm toán độc lập cũng kiểm toán đối với Vinashin. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp KTV? Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Vấn đề cũng tương tự như đã nêu trên. Vinashin có rất nhiều đơn vị thành viên, hàng năm cũng được các công ty kiểm toán tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính. Trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thời gian qua chúng tôi cũng đã xem xét những hoạt động liên quan của các doanh nghiệp kiểm toán liên quan tới các công ty thành viên của Vinashin. Báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn cũng do một trong 4 công ty kiểm toán quốc tế lớn đang hoạt động tại Việt Nam tiến hành kiểm toán. Theo đó, sau khi kiểm toán, các chuyên gia kiểm toán cũng đã đưa ra những nhận xét, đề xuất và những ý kiến loại trừ. Tuy nhiên, để tập hợp tất cả các đề xuất đó nhằm đưa ra một kiến nghị về thực trạng có thể đưa Vinashin đến phá sản chẳng hạn, thì chưa đủ mức. Mặc dù, trong từng cuộc kiểm toán, ở từng doanh nghiệp thành viên, những vấn đề tồn tại, như việc quản lý nợ, việc quản lý và sử dụng các khoản vay đều đã được các công ty kiểm toán đưa ra những cảnh báo đơn lẻ.
Cũng phải thấy rằng, Vinashin là một mô hình mới, nhằm phát triển ngành công nghiêp mũi nhọn, Nhà nước có những chủ trương hỗ trợ, nhằm duy trì để tập đoàn phát triển, vì thế những cảnh báo, đề xuất của kiểm toán viên nhiều khi bị suy giảm mức ảnh hưởng. Trong khi đó, kiểm toán viên vốn chỉ có trách nhiệm nêu vấn đề, không có chức năng xử lý vấn đề, và cũng chỉ nêu vấn đề tới một chừng mực phù hợp với vai trò, trách nhiệm của mình. Trong bối cảnh đó, chỉ các nhà quản lý, nhà lãnh đạo có tầm, có điều kiện tổng hợp, nhìn nhận tình hình thì mới có thể đưa ra những đánh giá tầm vĩ mô, đưa ra các đối sách phù hợp. Điều đó ngoài khả năng, nhiệm vụ của kiểm toán viên.
* Vậy thì vai trò quản lý nhà nước của Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập được xem xét ra sao?
Khi để xảy ra những vấn đề lớn, mang tầm ảnh hưởng rộng đối với kinh tế xã hội như vụ Vinashin thì tất cả những cơ quan, tổ chức liên quan đều cần phải xem xét lại trách nhiệm của mình. Về phía Nhà nước cần xem xét lại việc xây dựng mô hình kinh tế như vậy có phù hợp thực tiễn hay không; các chính sách về tài chính, về hỗ trợ... đều cần phải xem xét lại. Tôi cho rằng, mô hình như Vinashin có vấn đề về năng lực cán bộ lãnh đạo. Đây là một mô hình mới, một tổ chức kinh tế lớn và phức tạp, dường như người Việt Nam chưa đủ trình độ, kinh nghiệm để điều hành. Vì thế, những cơ quan, tổ chức ra quyết định lựa chọn mô hình, bổ nhiệm nhân sự quản lý cho một đơn vị như thế cũng cần phải xem xét lại trách nhiệm. Vụ việc ở Vinashin liên quan tới nhiều tổ chức nghề nghiệp. Đối với chúng tôi, sự liên quan là đối với các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán đã tiến hành kiểm toán Vinashin. Sau khi xảy ra vụ việc chúng tôi cũng đã có những trao đổi, toạ đàm với kiểm toán viên về những tình huống tương tự cần phải có sự thận trọng cao hơn. Xác định phải luôn có những dự đoán, đánh giá và tư vấn cho doanh nghiệp..., mạnh dạn hơn trong việc đề xuất ra các ý kiến. Tại Việt Nam chưa xảy ra nhiều vụ việc như thế này, khi chưa xảy ra thì luôn tạo cảm giác yên ổn, khi xảy ra mới có điều kiện để rút kinh nghiệm, tăng cường sự thận trọng, và có biện pháp cứng rắn hơn.
* Hiện nay một bộ phận xã hội vẫn lẫn lộn giữa Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập, ông có thể nói rõ về sự khác biệt giữa kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước?
Hoạt động Kiểm toán Nhà nước có Luật Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh về tổ chức và hoạt động. Theo đó, hoạt động kiểm toán của KTNN cũng có chức năng phát hiện các sai sót để kiến nghị chấn chỉnh, xử lý. Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán theo kế hoạch, bắt buộc, các đơn vị được kiểm toán phải tuân theo kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước. KTĐL là dạng dịch vụ tư vấn, kiểm toán từ bên ngoài, hoạt động theo các quy định của nhà nước. Hiện nay tại Việt Nam, KTĐL đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ, địa vị pháp lý chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Vì thế hiện nay Chính phủ đang trình ra Quốc hội Luật KTĐL. Đây là việc hết sức cần thiết.
KTĐL khác Kiểm toán Nhà nước do hoạt động theo Luật doanh nghiệp, giống như các loại hình doanh nghiệp khác. Các khách hàng được quyền chọn công ty kiểm toán thông qua thoả thuận bằng hợp đồng, thống nhất với nhau bằng những điều khoản, trong trường hợp không thoả thuận được thì doanh nghiệp có quyền chọn công ty kiểm toán khác. KTĐL hoạt động có phí, từ đó dẫn tới KTĐL chỉ có giá trị như là dịch vụ tư vấn giúp cho doanh nghiệp lập các báo cáo tài chính trung thực và hợp lý để cho các bên sử dụng báo cáo tài chính đó yên tâm hơn về số liệu tài chính. Vì thế, nhiều khi kiểm toán viên đưa ra những ý kiến đề xuất hoặc phát hiện ra những sai sót cần phải điều chỉnh, bổ sung thì việc chấp nhận hay không là thuộc về doanh nghiệp khách hàng, là bên có trách nhiệm thiết lập các báo cáo tài chính. Nếu thấy hợp lý thì doanh nghiệp chấp thuận, ngược lại thì có thể không chấp nhận, không điều chỉnh.
Nhà nước cũng có thể quy định bắt buộc một số đối tượng, một số loại hình doanh nghiệp phải kiểm toán bởi KTĐL, nhưng thuê đối tác kiểm toán thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn và thoả thuận. Đó là quan hệ thị trường.
* Phải chăng vì thế mà các kết quả kiểm toán đối với Vinashin không có ý nghĩa và bên cung cấp dịch vụ kiểm toán không phải chịu trách nhiệm?
Tôi cho rằng khía cạnh pháp lý của ta hiện nay đang thiếu một sự ràng buộc trách nhiệm của bên được kiểm toán. Quy định hiện hành không bắt buộc hoặc quy định sự quan tâm đúng mức của doanh nghiệp được kiểm toán đối với kết quả kiểm toán. Vì thế, bên cạnh trách nhiệm cung cấp thông tin, giải trình cho kiểm toán viên, nếu doanh nghiệp không có sự quan tâm đúng mức thì cơ quan quản lý hoặc cấp trên của doanh nghiệp sẽ phải quan tâm tới những vấn đề này để xử lý. Chúng tôi nhận thấy hiện nay có tâm lý cứ thấy doanh nghiệp được kiểm toán thì coi như báo cáo tài chính là đúng, mà không quan tâm kiểm toán viên ý kiến ra sao, loại trừ những gì, thậm chí là đưa ý kiến không chấp nhận gần như toàn bộ báo cáo tài chính đó. Người sử dụng báo cáo tài chính rất cần phải quan tâm điều đó, trên cơ sở đó có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình những vấn đề kiểm toán viên nêu, thậm chí yêu cầu kiểm tra cả những vấn đề liên quan. Điều này phổ biến ngay cả ở cổ đông đối với báo cáo tài chính của công ty niêm yết, cứ thấy báo cáo tài chính được kiểm toán là yên tâm mà không cần biết kiểm toán viên có thể đưa ra hàng loạt loại trừ hoặc ý kiến không chấp nhận đối với báo cáo tài chính đó. Điều đó thuộc về nhận thức của xã hội và một số các cơ quan quản lý.
Vì thế, khi tham gia xây dựng Luật KTĐL chúng tôi đã đề xuất nhiều lần việc cần tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về những nội dung kiểm toán viên đề xuất, đồng thời với tăng cường trách nhiệm của kiểm toán viên./.
Đỗ Hồng Công (Thực hiện)