Tập đoàn, tổng công ty sẽ bị kiểm toán nhiều hơn

 Quy mô Kiểm toán Nhà nước mở rộng, nhân lực đông nên đối tượng kiểm toán trong từng cuộc kiểm toán được phủ rộng hơn, có điều kiện để làm sâu hơn. Với các tập đoàn, tổng công ty, tần suất kiểm toán sẽ ngắn lại.

Ông Vương Đình Huệ, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNT) đã thông báo như vậy khi nói về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, vừa được UBTVQH thông qua.

  Ông Huệ cho rằng: Kể cả khi kiểm toán tăng lên số lượng không hạn định, thì nguyên lý chọn mẫu vẫn là lý tối cao, tức là trong một năm tài chính nhất định không bao giờ kiểm toán toàn bộ những gì xảy ra.

Do vậy, với chiến lược mới, KTNN hy vọng sẽ kiểm toán hàng năm được các bộ, ngành và ngân sách cấp tỉnh, thành của các thành phố trực thuộc TƯ, còn từng cuộc kiểm toán một tăng cường quy mô chọn mẫu lên.

Các cuộc kiểm toán có thể không thay đổi nhưng đối tượng kiểm toán trong từng cuộc kiểm toán được phủ rộng hơn, có điều kiện để làm sâu hơn.

Với các tập đoàn, tổng công ty, tần suất kiểm toán sẽ ngắn lại. Trước đây có thể chu kỳ 5 năm thì bây giờ vài ba năm. Ngoài ra, không nhất thiết phải vài 3 năm mới chọn mẫu một lần mà có những đối tượng thậm chí kiểm toán hàng năm hoặc vừa kiểm toán xong có những vấn đề dư luận xã hội quan tâm thì KTNN vẫn có thể đặt vấn đề kiểm toán ngay.

Không đơn thuần kiểm toán tài chính

- Một điểm đáng lưu ý trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là sẽ thí điểm thực hiện uỷ thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán để thực hiện một số cuộc kiểm toán báo cáo tài chính. Ông có thể nói rõ hơn về phương thức này?

- Trong chiến lược, chúng tôi đề ra từ năm 2011 sẽ thí điểm dần và tiến tới áp dụng việc uỷ thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán.

Hiện chúng tôi đang phối hợp với Quỹ tín thác đa biên để xây dựng quy định về pháp lý, thủ tục, các điều kiện để triển khai.

Tôi nghĩ rằng, trước hết KTNN sẽ áp dụng giải pháp uỷ thác, còn thuê tất nhiên là hữu hiệu nhưng tốn kém. Ủy thác thì KTNN sẽ là người trung gian chỉ định các công ty kiểm toán đó thực hiện, còn phí dịch vụ thì đối tượng kiểm toán sẽ phải trả cho công ty kiểm toán độc lập.

Ví dụ, chúng tôi kiểm toán một tập đoàn có 30 đơn vị thành viên. Với lực lượng của mình, KTNN chỉ kiểm toán chọn mẫu 2/3, còn lại chúng tôi cùng với tập đoàn các tổng công ty Nhà nước chỉ định các công ty kiểm toán để thực hiện.

- Hình thức uỷ thác sẽ làm cho KTNN chủ động và tốn ít kinh phí hơn, nhưng rõ ràng là kiểm soát tiến độ và chất lượng báo cáo kiểm toán đó sẽ rất mất công. KTNN có phải cử một bộ phận cùng giám sát thực hiện không hay mình sẽ thực hiện kiểm soát như thế nào?

- Khi uỷ thác, KTNN tập trung chủ yếu vào 2 đối tượng là doanh nghiệp và các dự án đầu tư - đây là sở trường của các công ty kiểm toán độc lập.

Chắc chắn, chúng tôi phải lựa chọn các công ty kiểm toán uy tín, ít nhất là nằm trong danh mục các công ty có quyền kiểm toán các doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán, kể cả các công ty trong nước và nước ngoài.

Trong quy định sắp tới, chúng tôi cũng đã nghĩ tới chuyện phải xây dựng chế tài với nguyên lý chung là dù kiểm toán độc lập, họ vẫn phải thực hiện theo những chuẩn mực và quy trình, quy chế của KTNN. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước tổng KTNN.

Vấn đề là khi uỷ thác, không chỉ vấn đề kiểm toán báo cáo tài chính mà KTNN đặt nặng cả vấn đề kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả trong hoạt động của một đơn vị - đó là điều khác biệt.

3 tình huống ảnh hưởng đến tiến độ xử lý

- Về kết quả xử lý kiểm toán, có ý kiến cho rằng cần gia hạn nhất định thời gian thực hiện bởi lâu nay việc tuân thủ chưa nghiêm, thậm chí có đơn vị không gửi phản hồi về kết quả xử lý lên KTNN. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Từ khi có Luật Kiểm toán Nhà nước và nghị định công khai kết quả kiểm toán, chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường thực hiện kỷ luật tài khoá, tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra thì tình hình thực hiện các kết luận kiến nghị kiểm toán hiện rất tốt.

Trước hết, về mặt xây dựng sửa đổi các văn bản mà KTNN đề nghị thì có thể nói, những kiến nghị nào xác đáng, hợp lý được các bộ, ngành tiếp nhận gần như 100%.

Thứ hai, kiến nghị xử lý về tài chính sau kết luận kiểm toán bao giờ KTNN cũng gia hạn nhất định với đơn vị được kiểm toán, ví như chậm nhất quý I năm sau phải xong. Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh phải có báo cáo văn bản về việc thực hiện kết luận kiểm toán. Hiện 100% các bộ ngành và các tỉnh đều có báo cáo về việc này.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện kết luận kiến nghị cũng có vấn đề làm tiến độ khác nhau.

Loại thứ nhất, có đơn vị khi tiến hành tăng thu, truy thu thì người ta đã giải thể hoặc không có khả năng thanh toán, đang làm thủ tục phá sản không còn khả năng tài chính nên không thể thu hồi được. Đó là loại bất khả kháng.

Loại thứ hai chấp nhận thực hiện nhưng xin gia hạn về thời điểm một thời gian.

Loại thứ ba cũng có xảy ra nhưng không nhiều. Đó là trường hợp KTNN đưa ra kết luận tại thời điểm đó là rất đúng, nhưng rồi các đơn vị tiếp tục cung cấp bằng chứng để giải trình thì chúng tôi chuyển sang hình thức kết luận khác.

Ví dụ, thay vì thu hồi khoản phí đó lại được bố trí kinh phí để hoàn lại, nếu sử dụng không đúng mục đích thì bố trí khoản nọ trả khoản kia chứ không phải là thu hồi về cho Nhà nước nữa. Tỷ lệ này không lớn nhưng có phát sinh.

Thực tế, có những kiến nghị mà KTNN đưa ra đã nhận được khiếu nại của đơn vị được kiểm toán thì KTNN xem xét lại. Nếu thấy kiến nghị của mình không đúng, không khả thi, KTNN phải nhận khuyết điểm và rút kiến nghị.

- Đến năm 2020, KTNN cần tới con số 3.500 nhân viên, trong khi chính ông từng thừa nhận là việc đào tạo nhân lực rất công phu (mất khoảng 7 năm) và bản thân KTNN cũng có tình trạng "chảy máu chất xám". Vậy KTNN sẽ giải quyết thách thức này như thế nào?

- Tôi thấy cũng là vấn đề khả thi.

Chúng tôi đã có rất nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển đội ngũ nhân lực. Ngoài việc tuyển dụng đầy đủ về số lượng, KTNN hết sức coi trọng chất lượng vì đây là ngành đặc thù đòi hỏi chuyên môn cao.

Với tình trạng "chảy máu chất xám", vấn đề là mỗi cơ quan có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, làm sao để có môi trường tốt nhất để người ta gắn bó. Đó là xây dựng môi trường văn hoá đơn vị, một môi trường quản lý và kiểm soát tốt. Trong đó, tạo cho mỗi người dù xuất thân như thế nào, hoàn cảnh ra sao đều thấy được cơ hội phát triển.

  • Hà Yên

Theo Vietnamnet