Nếu làm sai, kểm toán viên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

  Ngày 27/07/2008, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm toán 4 Tổng công ty Nhà nước gồm: TCT Hàng hải Việt Nam, TCT Truyền thông đa phương tiện, TCT Khánh Việt và TCT Địa ốc Sài Gòn. Kết quả kiểm toán đã được KTNN công bố trong buổi họp báo. Tuy nhiên, vẫn có không ít những ý kiến liên quan đến kết quả kiểm toán cũng như những vấn đề khác của KTNN. Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng KTNN đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại buổi họp báo nói trên.

 

Qua báo cáo cho thấy, KTNN đánh giá phần tỷ suất lợi nhuận của các TCT trên vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên nếu so sánh như thế có nghĩa là đã bỏ qua phần vốn của Nhà nước. Đối với một số TCT, thực tế nếu tính theo tỷ suất thì lợi nhuận rất thấp, kể cả có tính theo lợi nhuận của vốn lưu động cũng không cao nếu đem so với mức lãi suất ngân hàng, như vậy DN sẽ gần như không có lãi. Tuy nhiên, KTNN lại cho rằng hiệu quả của các TCT là tốt và sử dụng hiệu quả nguồn vốn NN mà chưa có kiến nghị gì về thực trạng hoạt động kinh doanh?

Hiện nay để đánh giá hiệu quả SXKD của DNNN thì thường đánh giá theo 2 nội dung là theo trị số tuyệt đối và theo trị số tương đối. Trị số tuyệt đối hiện nay được đánh giá theo con số cụ thể, có nghĩa là sau 1 năm kinh doanh DN lãi đc bao nhiêu. Về cách đánh giá theo số tương đối, thường được đánh giá theo 2 chỉ tiêu là lợi nhuận trước/sau thuế và lợi nhuận trên doanh thu/ vốn chủ sở hữu. Bởi trong mỗi báo cáo tài chính, về nguồn vốn luôn có 2 khoản là nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu (CSH). Vốn CSH ở đây là nguồn vốn do NN bỏ ra và cái đó là của DN, còn khoản nợ phải trả là là nguồn vốn huy động mà phải trả khách hàng….

Chúng tôi đánh giá dựa theo tiêu chí DN có 1 phần vốn bỏ ra và kinh doanh sau 1 năm được bao nhiêu. Sau khi nộp thuế rồi, số còn lại sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu sẽ nhỏ hơn. Tại thời điểm cuối năm 2007, tình hình kinh tế bắt đầu khó khăn, những số liệu này được KTNN đánh giá trước ngày 31/12/2007, còn đầu năm 2008 chưa có số liệu chính thức. Thực tế có thể thuận lợi hơn nhưng cũng có thể khó khăn hơn tùy từng TCT và chúng tôi chỉ có thể công bố sau khi có số liệu chính thức mà thôi.

Trong phần tóm tắt xử lý của TCty Địa ốc Sài Gòn, KTNN có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân đối với 3 nhóm sai phạm ở 3 đơn vị thành viên là Cty Phát triển Nhà Tân Bình, Cty Phát triển Nhà Bình Thạnh và Cty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5. Vậy ông có thể cho biết những vi phạm cụ thể của họ là gì?

Đối với Cty Phát triển Nhà Tân Bình, khi xác định giá trị DN để cổ phần hóa đã để “sót” lại 26 căn hộ, sau khi phát hiện chúng tôi đã kiến nghị phục hồi lại giá vốn khoảng 26 tỷ đồng, đồng thời chúng tôi cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người để xảy ra tình trạng này.

Đối với Cty Phát triển Nhà Bình Thạnh, đơn vị này cũng để xảy ra một số việc như bán nền khi chưa giải phóng mặt bằng; trong quá trình làm dự án liên quan đến giải tỏa đền bù, DN này đã không tôn trọng quy hoạch và trình tự đầu tư xây dựng và đã không giải quyết dứt điểm tình trạng này. Chúng tôi cũng đã đề nghị TCT Địa ốc Sài Gòn làm rõ để kiểm điểm vấn đề này.

Đối với Cty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5, đơn vị này đã góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại dự án Trung tâm Giao dịch Thương mại Hùng Vương với một đơn vị khác. Tuy nhiên khi liên kết lại chưa xác định rõ ràng giá trị sử dụng đất tại Trung tâm này.

KTNN có nói đến việc các TCT đã “thực hiện đầu tư mở rộng kinh doanh ngoài nhiệm vụ chính, góp phần đa dạng hóa sản phẩm của TCT trên thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, bước đầu đã mang lại hiệu quả…”. Trong khi đó Chính phủ lại đang chỉ đạo triệt để các Tập đoàn, TCT NN hạn chế đầu tư ra ngoài ngành, liệu kết quả này có mâu thuẫn với chỉ đạo của Chính phủ hay không?

Tới thời điểm 31/12 thì việc đầu tư ra ngoài vẫn không phải là vấn đề lớn và các DN vẫn đầu tư có hiệu quả. Đối với các TĐ, TCT là một loại hình kinh doanh đa ngành, đa sở hữu và trong Nghị định 199 về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác cho phép các TĐ, TCT có thể đầu tư ngoài lĩnh vực chính nhưng phải đảm bảo các điều kiện như bảo tồn và phát triển nguồn vốn, phải làm ăn có hiệu quả và khong lơ là nhiệm vụ chính.

Đối với 4 TCT được kiểm toán, việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của họ đều có hiệu quả. Tuy nhiên không thể qua đánh giá 4 TCT này mà có thể khẳng định điều tương tự đối với các TCT khác. Sau khi kiểm toán các TCT khác chúng tôi sẽ có những số liệu khác và cũng sẽ có những đánh giá khác.

Bản báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2008 của KTNN có nói rằng “Năm 2008, Tổng KTNN đã quyết định thanh tra việc thực hiện Quy chế Tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán tại 10 Đoàn kiểm toán, kiểm tra hồ sơ kiểm toán của 19 Đoàn kiểm toán. Kết quả kiểm tra hồ sơ kiểm toán đều được lãnh đạo các đơn vị thảo luận và thông báo đến các KTNN chuyên ngành và khu vực để rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời”. Vậy cụ thể của việc kiểm tra này như thế nào? KTNN có phát hiện được sai phạm của các KTV hay không?

Trong hoạt động kiểm toán, mục tiêu của năm 2008 là ngoài việc điều hành chỉ đạo, Tổng KTNN hết sức quan tâm đến công tác kiểm tra nội bộ và việc này vẫn được duy trì tại các đơn vị kiểm toán. Nhìn chung các KTV của KTNN đều thực hiện tốt các quy trình chuẩn mực cũng như hồ sơ biểu mẫu trong ngành và cho đến nay chưa có trường hợp nào sai phạm đến mức phải xử lý.

Việc kiểm toán các đơn vị có phải là đã được chọn từ trước đó. Liệu có phải đơn vị nào có những vấn đề nổi cộm thì cần phải được kiểm toán trước?

Hàng năm, chúng tôi luôn xây dựng quy trình, kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch này được lấy ý kiến từ các cơ quan chức năng có liên quan như Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương… sau khi báo cáo với Ủy ban TVQH và xin ý kiến Chính phủ thì chúng tôi mới đưa ra được kế hoạch kiểm toán năm. Việc kiểm toán các đơn vị sẽ dựa vào nhiều căn cứ, chẳng hạn như căn cứ vào định kỳ, căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào năng lực của KTNN… rồi mới đi đến quyết định cuối cùng. Thông thường kế hoạch kiểm toán thường được xây dựng vào cuối năm để sang đầu năm KTNN sẽ công bố kế hoạch kiểm toán của cả năm.

Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của các DN rất dễ bị ảnh hưởng bởi các công tác hành chính. Vậy khi tiến hành kiểm toán các DN, KTV sẽ làm như thế nào để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động SXKD của DN?

Thực tế chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này và luôn có phương pháp tiếp cận cũng như thời điểm tiếp cận một cách phù hợp nhất để làm thế nào vừa đảm bảo được yêu cầu SXKD của DN vừa đáp ứng được yêu cầu cho cơ quan kiểm toán. Cho đến nay tôi cũng chưa từng được nghe DN nào phản ánh việc KTNN làm ảnh hưởng đến thời gian cũng như hoạt động SXKD của đơn vị mình.

Ngày 18/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2008/NĐ-CP về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Vậy KTNN sẽ triển khai nghị định đó như thế nào?

Trước đây KTNN cũng đã có một số quy định về công khai kết quả kiểm toán, tuy nhiên những quy định này đều chưa đáp ứng được yêu cầu như làm rõ được nhiệm của đơn vị kiểm toán, trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị kiểm toán và xử lý trách nhiệm vi phạm đối với việc công khai kết quả kiểm toán và báo cáo kế hoạch kiểm toán. Chính vì vậy, nghị định 91/2008/NĐ-CP ra đời đã làm rõ được những nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức và trách nhiệm của những người liên quan. Chẳng hạn như về hình thức sẽ có 4 hình thức: họp báo, đăng trên công báo và các phương tiện thông tin đại chúng, đăng trên các tài liệu và website của KTNN và cuối cùng là cung cấp cho những cơ quan, đơn vị có nhu cầu.

Với 4 hình thức trên sẽ có 2 đối tượng để công khai là báo cáo kiểm toán năm sẽ được chúng tôi công bố theo 4 hình thức trên sau 30 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua. Nghị định này cũng làm rõ hơn trách nhiệm của Tổng KTNN, trách nhiệm của đơn vị kiểm toán, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan và xử lý vi phạm đối với lĩnh vực công khai kết quả kiểm toán. KTNN sẽ công khai thường xuyên kết quả kiểm toán, trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành họp báo để công khai.

Đối với trách nhiệm của các đơn vị được kiểm toán, họ phải công khai kết quả kiểm toán cùng với báo cáo tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán cũng như Luật Phòng chống tham nhũng.

Sau sự kiện “Bông Bạch Tuyết” DN đã chuyển lỗ thành lãi, vậy theo ông có điều gì khuất tất đằng sau việc này hay không?

KTNN không tham gia vào việc kiểm toán Công ty Bông Bạch Tuyết mà là do một công ty kiểm toán độc lập nào đó đảm nhận. Chính vì vậy những số liệu cũng như thông tin khác tôi cũng chỉ được biết qua báo chí. Còn việc thực hiện kiểm toán theo quy trình thì chúng tôi cũng không được biết vì không tham gia. Kiểm toán viên là người kiểm toán theo pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiêm trước pháp luật nếu họ làm sai trái

Theo INFOTV