Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước

 Sáng 18/7/2009, trong buổi làm việc cuối cùng Phiên họp thứ 21 (Quốc hội khóa XII), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến đối với Đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Chủ trì phiên họp có đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Ngọc Sơn. Tham dự phiên họp, về phía KTNN có đồng chí Vương Đình Huệ - Tổng KTNN, đồng chí Lê Minh Khái - Phó Tổng KTNN.

 Trước khi tham gia đóng góp ý kiến, các thành viên UBTVQH đã nghe đồng chí Vương Đình Huệ - Tổng Kiểm toán Nhà nước, báo cáo tóm tắt nội dung Đề án, nghe đồng chí Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra đối với Chiến lược phát triển KTNN. Đề án "Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn 2020" trình ra UBTVQH tại kỳ họp này đã được hoàn chỉnh sau nhiều năm xây dựng, đặc biệt là giai đoạn từ sau khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành; đã tiếp thu ý kiến góp ý của Ban cán sự Đảng KTNN và chuyên gia tư vấn của KTNN Cộng hoà liên bang Đức và tiếp thu ý kiến từ nhiều cuộc hội thảo, toạ đàm rộng rãi trong và ngoài ngành. Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng cũng đã làm việc với Ban cán sự Đảng KTNN, cho ý kiến định hướng về việc xây dựng Chiến lược. Dự thảo Chiến lược cũng đã được tiếp thu ý kiến góp ý của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách và Uỷ ban Kinh tế trước khi trình ra UBTVQH.

Tham gia phát biểu ý kiến, các đại biểu đều đồng thuận việc xây dựng chiến lược phát triển KTNN là đòi hỏi cấp thiết nhằm sớm đưa KTNN trở thành công cụ kiểm tra, giám sát quan trọng, hữu hiệu của Ðảng, Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xác lập trật tự kỷ cương, bảo đảm minh bạch và công khai trong quản lý kinh tế - tài chính. Tổng hợp các ý kiến từ các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhận xét: Trong quá trình hoạt động vừa qua KTNN đã có bước tiến dài, có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả đáng khích lệ... UBTVQH nhất trí việc cần phải có Chiến lược phát triển KTNN. Để hoàn thiện, cần chú trọng một số vấn đề sau:

- Về thời gian của Chiến lược cần xác định 10 năm (từ 2011-2020), trong đó tầm nhìn sẽ được tính toán tiếp;

- Về mục tiêu, thống nhất phải xây dựng KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước để tăng cường và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước;

- Về địa vị pháp lý, trong thời gian tới UBTVQH sẽ nghiên cứu và cho ý kiến về việc có quy định KTNN trong Hiến pháp hay không, quy định như thế nào. Trước mắt tập trung củng cố nâng tầm của KTNN để hoạt động có hiệu quả, hiệu lực;

- Về hệ thống tổ chức bộ máy, tiếp tục thực hiện việc tổ chức theo ngành dọc, có kiểm toán trung ương, kiểm toán khu vực và kiểm toán chuyên ngành với cơ cấu hợp lý theo hướng chuyên môn hoá;

- Về cơ chế phối hợp, phải xác định rõ quan hệ phối hợp giữa thanh tra, kiểm soát, giám sát và kiểm toán để không gây khó dễ cho các đối tượng; KTNN chủ trì xây dựng các quy chế phối hợp và trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến việc ban hành;

- Để củng cố và nâng tầm, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả hoạt động và nâng tính hiệu quả, hiệu lực, cần cân nhắc mô hình tổ chức, thành lập thêm các đơn vị trực thuộc, tăng cường lực lượng kiểm toán viên cho phù hợp mục tiêu đủ sức bao quát được và tiến hành hoạt động kiểm toán thường xuyên đối với tất cả các đối tượng của NSNN;

- Chú trọng đạo đức nghề nghiệp, bao gồm cả phẩm chất chính trị;

- Về loại hình kiểm toán, cần phối hợp nhuần nhuyễn cả 3 loại hình kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Đỗ Hồng Công