Dự án hợp tác kỹ thuật Việt - Đức "Hỗ trợ xây dựng KTNN Việt Nam" -Dự án GTZ - được triển khai từ năm 1997 với mục tiêu xuyên suốt là: "Tạo cho KTNN Việt Nam có khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao". Mục tiêu cụ thể bao gồm: xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN; xây dựng các chuẩn mực kiểm toán và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán; đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ; cung cấp trang thiết bị cho hoạt động KTNN Việt Nam. Cuối năm 2005 các bên đã tiến tới ký kết Thoả thuận thực hiện giai đoạn III với định hướng: "Tiếp tục hỗ trợ KTNN Việt Nam nâng cao năng lực hoạt động để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao".
Theo các báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Dự án cho thấy, hoạt động của Dự án đã được triển khai trong 3 giai đoạn, với nhiều đóng góp đáng ghi nhận trong quá trình phát triển và hoạt động của KTNN Việt Nam.
Giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn 1 từ tháng 3/1997 đến tháng 12/2000. Nội dung chủ yếu giai đoạn này nhằm giới thiệu cơ sở pháp lý, cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan KTNN của CHLB Đức; tham khảo mô hình tổ chức cơ quan KTNN Trung Quốc; đào tạo, bồi dưỡng một số cán bộ đối tác (của KTNN Việt Nam) làm hạt nhân tham gia các hoạt động của Dự án. Trên cơ sở đó, Dự án đã tổ chức được 11 chuyến đi khảo sát ở Đức, Trung Quốc và Nam Phi; tổ chức trên 10 hội thảo tại Việt Nam; 2 khoá đào tạo tiếng Đức và thực tập tại Đức cho kiểm toán viên và bồi dưỡng thêm tại Việt Nam; đưa nhóm kiểm toán viên Việt Nam tham gia kiểm toán hoạt động tại CHLB Đức.
Giai đoạn 2 (tháng 1/2001 đến tháng 12/2003) có nội dung chủ yếu là giới thiệu về cơ sở, địa vị pháp lý của các cơ quan KTNN trên thế giới; tư vấn xây dựng dự thảo Pháp lệnh KTNN (sau này là dự thảo Luật KTNN); giới thiệu về quy trình, phương pháp kiểm toán ở Đức, phương pháp giảng dạy phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ; tư vấn về chiến lược đào tạo. Trong giai đoạn này đã tổ chức được 7 chuyến đi khảo sát tại Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc; tổ chức được hơn 15 hội thảo, 6 đợt tập huấn về phương pháp cho giảng viên và về kiểm toán hoạt động; tổ chức 2 đợt thực tập của kiểm toán viên Việt Nam tại CHLB Đức và 01 đợt tư vấn về dự thảo Pháp lệnh KTNN.
Giai đoạn 3 từ tháng1/2004 đến tháng 12/2007, được gia hạn đến năm 2009. Nội dung chủ yếu giai đoạn này là tư vấn xây dựng Luật KTNN; tư vấn về cơ cấu tổ chức và quản lý chất lượng kiểm toán; tư vấn xây dựng Quy trình kiểm toán chung, Quy trình kiểm toán đầu tư xây dựng, Quy trình kiểm toán doanh nghiệp nhà nước; bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho giảng viên kiêm chức. Trong giai đoạn này Dự án cũng đã tiến hành tư vấn cho một số cuộc kiểm toán cụ thể với trọng tâm là kiểm toán hoạt động; tập huấn về những nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề; tư vấn về vai trò của KTNN trong quá trình lập dự toán ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, Dự án đã tổ chức được 6 chuyến đi khảo sát tại các nước; tổ chức 5 hội thảo, 13 đợt tư vấn tại Việt Nam về dự thảo Luật KTNN và cơ cấu tổ chức, quản lý chất lượng, quy trình kiểm toán; tổ chức 3 cuộc tư vấn cho các cuộc kiểm toán cụ thể của KTNN có nội dung kiểm toán hoạt động, 4 đợt tập huấn cho giảng viên kiêm chức và về kiểm toán hoạt động; 1 đợt thực tập của kiểm toán viên Việt Nam tại Đức về kiểm toán đầu tư xây dựng.
Ngoài những nội dung nêu trên, Dự án còn có những hoạt động hỗ trợ khác đối với KTNN, như tài trợ các hoạt động của kiểm toán viên dự hội nghị, hội thảo quốc tế trong lĩnh vực KTNN và lĩnh vực liên quan; tham gia các khoá bồi dưỡng ở nước ngoài, các khoá học tiếng Anh (trong và ngoài nước); tham gia khoá học lấy chứng chỉ kiểm toán viên ACCA. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ tăng cường một số cơ sở vật chất cho KTNN, như ô tô, máy tính, máy photocopy, trang bị âm thanh và phòng hội thảo...
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Vương Đình Huệ khẳng định: "Đây là dự án hỗ trợ nước ngoài có thời gian dài nhất, hiệu quả cao nhất của KTNN Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay". Theo đó, Dự án đã góp phần tăng cường năng lực thực chất của KTNN Việt Nam, góp phần quan trọng và rất ý nghĩa trong quá trình xây dựng khung khổ pháp luật, trong đó đỉnh cao là Luật KTNN Việt Nam. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy trình kiểm toán các lĩnh vực, tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ, kiểm toán viên, nhất là lĩnh vực kiểm toán hoạt động đối với đầu tư, xây dựng cơ bản; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN Việt Nam trong quá trình tham gia, hội nhập quốc tế. Tổng KTNN khẳng định, thời gian qua KTNN Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá cao, trong đó có sự hỗ trợ rất ý nghĩa của Dự án. Thông qua dự án này, KTNN Việt Nam đã sử dụng đúng mục đích và rất hiệu quả các nguồn kinh phí do CHLB Đức tài trợ. KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng đúng mục đích và hiệu quả mọi nguồn tài trợ khác để góp phần làm cho chiến lược phát triển KTNN sớm trở thành hiện thực.
Ghi nhận công lao của các cá nhân đã có nhiều đóng góp vào sự thành công của Dự án, nhân dịp này KTNN đã trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Kiểm toán Nhà nước cho hai chuyên gia là bà Ulrike Maenner và ông Thomas Kertess, và tặng bằng khen của Tổng KTNN cho 3 cán bộ Dự án.