Theo chương trình dự kiến đã được thông qua tại phiên trù bị, kỳ họp này sẽ dành phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự của bộ máy nhà nước, cụ thể như: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội...; bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Quốc hội cũng sẽ nghe báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng khác như: rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII; xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; thảo luận về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2007 và các biện pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Mặc dù kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng về tổ chức và nhân sự nhưng Quốc hội cũng sẽ dành thời gian thảo luận và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005. Để phục vụ công tác này, trước khi kỳ họp diễn ra, Báo cáo kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2005 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã được gửi tới từng đại biểu quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội khóa XI Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Quốc hội khóa XII sẽ tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập pháp cũng như hoạt động giám sát, thực hiện tốt quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Về việc quyết định tổ chức, nhân sự của bộ máy nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Với nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong suốt nhiệm kỳ, tôi đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn và quyết định, đảm bảo kỳ họp thành công tốt đẹp".
Với bài phát biểu ngắn gọn súc tích, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đánh giá cao vai trò của Quốc hội trong 11 nhiệm kỳ qua, đặc biệt Quốc hội khóa XI đã đổi mới tổ chức và hoạt động, đạt được tiến bộ quan trọng trong thực thi các chức năng cơ bản như lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Quốc hội đã gần dân hơn, được nhân dân tin tưởng hơn. Trước nhiệm vụ lớn của toàn Đảng, toàn dân là tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng chí Tổng bí thư đề nghị các đại biểu Quốc hội khóa XII tập trung vào 5 nhiệm vụ lớn, bao gồm về công tác lập pháp, hoạt động giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đổi mới hoạt động đối ngoại và cải tiến mạnh mẽ việc tiếp xúc cử tri. Đồng chí Tổng bí thư cũng nêu yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội trong kỳ họp này là sáng suốt lựa chọn người có đủ đức, đủ tài và có sức khỏe để gánh vác những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Theo báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, tổng số đại biểu trúng cử là 493, thiếu 7 người so với dự kiến. Trong đó, 153 người do trung ương giới thiệu, 340 người do địa phương tiến cử; 164 người có trình độ trên đại học, 309 người trình độ đại học. Số người ngoài Đảng trúng cử là 43, đại biểu doanh nghiệp là 21. Trong danh sách trúng cử duy nhất có một người tự ứng cử.