Theo ông Nguyễn Đình Cung, Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999 là nhằm mở cơ chế cho loại hình doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong khi đó dự thảo Luật lần này được định hướng mở cơ chế cho doanh nghiệp nước ngoài tăng cường hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, sẽ có một số thay đổi cơ bản của dự án luật lần này so với Luật năm 1999. Một là, Luật sẽ áp dụng chung cho 4 loại hình doanh nghiệp, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân không phân biệt thành phần kinh tế. Hai là, sẽ tạo cơ chế để doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có quyền tự chủ cao hơn, doanh nghiệp đa dự án sẽ thay thế cho doanh nghiệp đơn dự án. Hai vấn đề đáng chú ý còn có nhiều ý kiến khác nhau là về phạm vi điều chỉnh và những lĩnh vực kinh doanh hạn chế của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài so với doanh nghiệp trong nước.
Như trên đã nói, Luật sẽ điều chỉnh 4 loại hình doanh nghiệp, song có ý kiến cho rằng như vậy thì chưa thấy thể hiện lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và đề nghị để tăng cường tính thống nhất nên có một chương riêng về loại hình doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình soạn thảo, đại đa số các ý kiến cho rằng với doanh nghiệp nước ngoài nên có hai khác biệt với các doanh nghiệp trong nước, đó là nên cấm kinh doanh một số ngành nghề, và có thêm điều kiện đối với một số lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp trong nước không bị cấm hoặc hạn chế.
Theo ông Cung, hiện nay tư duy khả năng nhà nước quản được đến đâu thì mở tới đó đang chi phối đáng kể trong quá trình soạn thảo Luật đầu tư. Đó chính là một trong những lý do dẫn tới có ý kiến cho rằng nếu cứ theo quan điểm soạn thảo như hiện nay, Luật doanh nghiệp sẽ là một bước tiến và Luật Đầu tư sẽ là một bước lùi trong quản lý và tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động.
Với quan điểm "Chống tham nhũng là chống chính căn bệnh của chúng ta", ông Đinh Văn Minh cho biết Quốc hội giao Chính phủ yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Chống tham nhũng. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức phức tạp và thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp phòng ngừa được coi là tích cực và hiệu quả nhất. Vì vậy, dự thảo Luật mà Chính phủ trình ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI với tên gọi Luật phòng, chống tham nhũng. Hiện nay còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề này và dự kiến sẽ trình ra hai phương án về tên Luật nhưng Luật phòng, chống tham nhũng đang là tên gọi được nhiều người đồng tình.
Tham nhũng là việc người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để vụ lợi. Xuất phát từ quan điểm đó, một nội dung quan trọng của dự luật là quy định các biện pháp chống tham nhũng, trong đó công khai, minh bạch là yêu cầu được đặt lên hang đầu. Trong các biện pháp chống tham nhũng, các nội dung của biện pháp phòng ngừa hiện chiếm nhiều dung lượng nhất của dự thảo Luật, và tâm điểm là phải kiểm soát thật tốt việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức. Luật sẽ đưa ra một vấn đề có tính nguyên tắc đó là công khai, đồng thời quy định rõ các loại văn bản cần công khai và một số lĩnh vực cần công khai. Quy hoạch đất đai, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, công tác cán bộ... là những lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất trong thực hiện công khai, minh bạch.
Có nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng hiện nay yêu cầu chống tham nhũng không chỉ riêng trong khu vực công mà ngay cả khu vực tư nhân cũng cần thực hiện chống tham nhũng. Nhiều nước rất coi trọng việc chống tham nhũng trong khu vực tư. Bởi vì người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư nhân, nơi nắm giữ khối lượng tài sản lớn của cộng đồng, khi tham nhũng cũng gây những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Dự thảo Luật sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian tới.