Tóm tắt kết quả kiểm toán dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, Thành phố Hà Nội

Thực hiện Quyết định số 1203/QĐ-KTNN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán Dự án đầu tư phát triển cở sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, thành phố Hà Nội (gọi tắt là: Dự án). Đoàn KTNN đã tiến hành kiểm toán Dự án từ ngày 01/10 đến ngày 30/11/2007

  
TÓM TẮT KẾT QUẢ KIỂM TOÁN

DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐÔ THỊ

BẮC THĂNG LONG - VÂN TRÌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 

Thực hiện Quyết định số 1203/QĐ-KTNN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của  Tổng Kiểm toán Nhà n­­ước về việc kiểm toán Dự án đầu tư phát triển cở sở hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, thành phố Hà Nội (gọi tắt là: Dự án). Đoàn KTNN đã tiến hành kiểm toán Dự án từ ngày 01/10 đến ngày 30/11/2007.

I. Nội dung, phạm vi kiểm toán

1. Nội dung kiểm toán

Kiểm toán việc tuân thủ chế độ quản lý đầu tư và xây dựng và các chế độ, chính sách về tài chính - kế toán của Nhà nước tại đơn vị được kiểm toán; kiểm toán nguồn vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện đến 31/12/2006.

2. Phạm vi kiểm toán

- Đoàn kiểm toán đã tiến hành kiểm toán tại Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (gọi tắt là: Ban QLDA): Kiểm toán báo cáo quyết toán khối lượng các gói thầu xây lắp CP1, CP3 và báo cáo thanh toán các gói thầu CP2, CP4; kiểm toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí lãi vay, phí vay và thuế các loại của Dự án từ khi khởi công đến 31/12/2006;

- Giá trị vốn đầu tư thực hiện được kiểm toán là: 1.121.164 triệu đồng, đạt tỷ lệ 95,5% (1.121.164 triệu đồng /1.174.012 triệu đồng).

                II. Kết quả kiểm toán
Kiểm toán Nhà nước đánh giá tổng quát tình hình thực hiện dự án qua kết quả kiểm toán năm 2006 như sau:
1. Chấp hành chế độ quản lý tài chính - kế toán

1.1. Chấp hành chế độ quản lý và sử dụng vốn đầu tư

* Công tác giải ngân: Tiến độ giải ngân nguồn vốn vay ODA còn bị chậm do tiến độ thi công các gói thầu xây lắp kéo dài so với quy định.

* Công tác quản lý sử dụng vốn

- Chấp nhận thanh toán đền bù sai hạng đất thu hồi theo quy định của Chính phủ 7.388 triệu đồng; đền bù cho diện tích đất đường, mương không thuộc đối tượng được đền bù 2.616 triệu đồng; đền bù cho diện tích đất nông nghiệp không phải nộp tiền sử dụng đất do tập thể quản lý không thuộc đất công ích của xã 8.572 triệu đồng; thực hiện công tác hỗ trợ chuyển nghề và đền bù hoa màu cho diện tích tập thể chưa đủ căn cứ xác định là đất sản xuất 2.916 triệu đồng;

- Thời điểm năm 2000- 2001 Ban QLDA ký hợp đồng thuê các nhà thầu thực hiện các công việc chuẩn bị mặt bằng, bóc đất hữu cơ thuộc phạm vi mặt bằng các gói thầu CP1, CP2, CP3 với giá trị đã thanh toán 7.392 triệu đồng (theo báo cáo của Ban QLDA). Trong khi đó tại các gói thầu CP1, CP2, CP3, CP4 đều có nội dung thực hiện các công việc: Tiểu phần 21100- Dọn mặt bằng và Tiểu phần 21200- Đào đất hữu cơ bề mặt, việc làm này của BQLDA ở thời điểm năm 2000- 2001 gây tốn kém, lãng phí vốn đầu tư từ NSNN: 7.392 triệu đồng.

- Hợp đồng dịch vụ tư vấn quy định cung cấp 04 xe ô tô và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của Tư vấn đã được Chủ đầu tư chấp nhận thanh toán, tuy nhiên chỉ có 03 xe được đưa vào phục vụ Tư vấn còn  01 xe ôtô Camry V6 - Grande với giá trị 648.462.500 đồng được chuyển cho Ban QLDA sử dụng là trái với quy định của mục đích sử dụng vốn và Hiệp định vay.

1.2. Chấp hành luật kế toán

- Việc lưu trữ hồ sơ đền bù còn chưa khoa học, chưa lưu đầy đủ biên bản giao khoán canh tác trên đất tập thể; trong thanh toán chi phí đền bù cho các hộ còn có nhiều hộ ký thay nhưng không có giấy uỷ quyền, một số tài liệu điều tra hiện trạng đất và tài sản trên đất bị tẩy xoá hoặc thiếu chữ ký (Biên bản điều tra đất xã Kim Nỗ); một số biên bản điều tra hiện trạng đất để thất lạc không cung cấp được cho Đoàn kiểm toán (Biên bản đất xã Vĩnh Ngọc).

- Chưa hạch toán tăng nguồn vốn hoàn thuế GTGT và quyết toán vào giá trị công trình theo quy định tại Thông tư số 42/2001/TT-BTC ngày 12/6/2001 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, hạch toán vốn hoàn thuế giá trị gia tăng cho các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), với số tiền: 8.998 triệu đồng.

1.3. Chấp hành chế độ thanh toán, quyết toán vốn đầu tư

Tiến độ lập thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán các gói thầu CP1, CP2, CP3 đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng chậm so với quy định tại Thông tư số 45/2003/TT- BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư và Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước.

2. Chấp hành chế độ quản lý đầu tư xây dựng công trình

* Công tác khảo sát lập Dự án: Công tác khảo sát ban đầu chưa xác định cụ thể diện tích chiếm đất của các hạng mục cơ sở hạ tầng thuộc Dự án dẫn dến phải điều chỉnh nhiều lần (lần 1: 50 ha; lần 2: 170 ha; lần 3: 205,75 ha).

* Công tác lập, thẩm định và phê duyệt Dự án: Do công tác khảo sát, quy hoạch diện tích chiếm đất của Dự án chưa sát với thực tế dẫn đến Tổng mức đầu tư của Dự án phải điều chỉnh bổ sung tăng nguồn vốn đối ứng trong nước tới 3 lần từ 198, 4 tỷ đồng lên 792, 456 tỷ đồng.

* Công tác đền bù giải phóng mặt bằng

- UBND thành phố Hà Nội hướng dẫn áp dụng giá đất đền bù chưa đúng với quy định nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính số tiền 7.388 triệu đồng:

+ Theo Điều 8 Nghị định 22/1998/CP quy định giá đất để tính đền bù trên cơ sở giá đất của địa phương ban hành theo quy định của Chính phủ nhân với hệ số K, nhưng theo Quyết định số 99/2003/QĐ-UB ngày 21/8/2003 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại cho phép tính theo giá đất hạng 1 nhân với hệ số K trừ đi chênh lệch giữa giá đất hạng 1 và giá đất nông nghiệp bị thu hồi theo hạng;

+ Theo Điều 7 Nghị định 197/2004/NĐ- CP và Điểm 4 Phần II Thông tư số: 116/2004/BTC quy định giá đất để tính đền bù theo giá đất cùng hạng tại địa phương, nhưng nội dung Công văn số 1363/CV-UB ngày 13/4/2005 do Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký lại cho phép căn cứ vào hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp cao nhất trong cùng một dự án để xác định giá đất nông nghiệp làm căn cứ bồi thường hỗ trợ.

- UBND thành phố Hà nội hướng dẫn các chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng, chưa đúng với quy định của Chính phủ:

+ Hướng dẫn việc hỗ trợ chuyển nghề chưa đúng: Theo Khoản 1 Điều 29 Nghị định 197/2004/NĐ-CP quy định: Hộ gia đình, các nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp trong độ tuổi lao động nhưng các văn bản của Thành phố Hà Nội lại cho phép hỗ trợ theo diện tích đất thu hồi;

+ Ban hành mức hỗ trợ đặc biệt hướng dẫn chưa rõ trường hợp áp dụng đối với đất đang sản xuất hay không sản xuất, đất tập thể và cá nhân...

+ Hướng dẫn thiếu nhất quán trong chính sách áp dụng: Theo Quyết định 119/2004/QĐ-UB ngày 04/8/2004 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho phép tính theo hạng đất cao nhất (có hiệu lực 1/7/2004); Đến Quyết định 176/2004/QĐ-UB lại sửa đổi Điểm c, Khoản 2, Điều 1 Quyết định 119/2004/QĐ-UB  (có hiệu lực từ 1/7/2004) quy định đối với huyện ngoại thành áp dụng giá đất theo hạng (huỷ bỏ áp dụng theo Quyết định 119/2004/QĐ-UB); Quyết định 26QuyÕt ®Þnh 26/2005/QĐ-UB ngày 18B ngµy 18/2/2005 áp dụng theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP quy định phải đền bù theo hạng đất; nhưng Công văn 1363/CV-UB ngày 13/4/2005 của UBND thành phố Hà Nội ký lại cho phép xác định giá đất nông nghiệp theo hạng đất tính thuế cao nhất trong khu vực, cho thấy sự thiếu nhất quán và không đúng với quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Ban QLDA và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Đông Anh chấp thuận đền bù 2.616 triệu đồng cho phần đất đường, mương (theo điều 62 Luật đất đai năm 1993 là đất chuyên dùng) là đối tượng không được bồi thường hỗ trợ về đất theo quy định tại Điều 13, Nghị định 22/CP ngày 24/2/1998 của Chính phủ và Điều 43 Luật đất đai năm 2003;

- Thực hiện đền bù cho diện tích đất nông nghiệp do tập thể hợp tác xã thôn quản lý không phải nộp tiền sử dụng đất, không thuộc quỹ đất công ích của xã là thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 12 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ quy định về bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, với số tiền 8.572 triệu đồng (chưa kể 170.732.880 đồng đền bù đối với 1.580 m2 đất tập thể được phê duyệt theo Quyết định 1153/QĐ-UB không đúng quy định nhưng hiện chưa thanh toán);

- Thực hiện  hỗ trợ chuyển nghề, đền bù hoa màu với số tiền 2.916 triệu đồng cho cả diện tích đất tập thể chưa có căn cứ xác định là đất sản xuất (không cung cấp được hợp đồng giao khoán hoặc chưa giao cho ai sử dụng);

- Qua kiểm tra việc quản lý và sử dụng các khoản tiền đền bù, hỗ trợ đối với đất công ích, đất tạm giao, đất đấu thầu... của xã còn thiếu chặt chẽ, chưa đúng quy định theo Điều 14, Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 và Điều 31, Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 quy định "toàn bộ tiền hỗ trợ đối với đất tạm giao, đất cho thuê, đất đấu thầu, đất công ích, đất do xã quản lý, đất tổ chức tập thể không phải nộp tiền sử dụng đất... đều phải nộp Ngân sách Nhà nước, được đưa vào dự toán Ngân sách hàng năm của xã, chỉ được sử dụng đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng và mục đích công ích của xã", cụ thể:

+ Việc thanh toán tiền đền bù cho các đối tượng: Số tiền đền bù đất tập thể cho các xã là 54.611 triệu đồng (Ban quản lý dự án chuyển thẳng vào tài khoản tiền gửi của UBND xã và hạch toán theo dõi thu hộ, chi hộ là 36.193 triệu đồng; chuyển thẳng cho hợp tác xã thôn 18.418 triệu đồng) không đưa vào dự toán thu, chi Ngân sách xã là thực hiện chưa đúng quy định của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ;

+ Số tiền 36.193 triệu đồng chuyển về tài khoản tiền gửi UBND xã đã sử dụng chi cho công tác XDCB 9.705 triêụ đồng, UBND xã chuyển về tài khoản Hợp tác xã thôn 1.400 triệu đồng, chia cho các hộ dân 21.957 triêụ đồng sai quy định, số còn tồn và chưa giải trình được cho Đoàn kiểm toán 3.130 triệu đồng.

+ Số tiền chuyển về HTX các thôn 19.818 triệu đồng (Ban QLDA trực tiếp chuyển 18.418 triệu đồng, UBND các xã chuyển 1.400 triệu đồng) được theo dõi thiếu chặt chẽ, trong đó đã sử dụng chi xây dựng các công trình nhỏ lẻ 933 triệu đồng; chi cho các hộ dân theo nhân khẩu sai quy định 15.728 triêụ đồng, số còn tồn hoặc chưa giải trình được cho Đoàn kiểm toán 3.157 triệu đồng (cá biệt tại xã Kim Chung số tiền đền bù đất tập thể 1.126 triệu đồng đã được UBND xã chuyển cho Hợp tác xã thiếu sự quản lý, giám sát, vì vậy đến thời điển kết thúc kiểm toán chưa báo cáo giải trình được việc sử dụng cho Đoàn kiểm toán Nhà nước).

- Tại thôn Mạch Lũng xã Đại Mạch sau khi đã có quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội nhưng vẫn giao thầu khoán cho các hộ trên diện tích đất tập thể quản lý 4.928, 3 m2 vì vậy phải trả chi phí hỗ trợ hoa màu gây thiệt hại cho Nhà nước 628 triệu đồng;

- Thực hiện hỗ trợ chi phí đất đai về di chuyển mồ mả cho xã Kim Nỗ với số tiền 1.215 triệu đồng đã chuyển cho UBND xã ngày15 /2/2005 nhưng đến nay thực tế chưa di chuyển theo quy hoạch của thành phố (theo Quyết định 1401/QĐ-UB ngày 28/12/2004);

- Tại xã Kim Chung, gia đình hộ ông Lê Văn Minh nhận thầu khoán diện tích đất ao thả cá đã xin chuyển sang thành đất ở theo đơn và được ông Lưu Văn Mước - Nguyên Chủ tịch UBND xã nhất trí giải quyết theo đơn đề nghị, nhưng chưa có văn bản chấp thuận của UBND huyện và UBND thành phố Hà Nội là trái thẩm quyền quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật đất đai năm 1987, nhưng vẫn được Hội đồng đền bù chấp thuận chưa đúng Khoản 3 và 6 Điều 7 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ làm thiệt hại cho NSNN số tiền 582 triệu đồng.

* Công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán

Tiến độ bàn giao hồ sơ thiết kế cơ sở các gói thầu CP1, CP2, CP3, CP4 của nhà thầu Tư vấn Nippon - Koei bị chậm so với quy định, do thiếu quy hoạch chi tiết được duyệt ban đầu; công tác xác định ranh giới khu đất cho từng hạng mục bị chậm và kéo dài; thay đổi vị trí bơm tiêu, hồ điều hoà, kênh dẫn làm chậm tiến độ triển khai khảo sát và thiết kế chi tiết... dẫn đến tiến độ Dự án kéo dài so với quy định (thư xin gia hạn hoàn thành thiết kế chi tiết các tháng 3,4, 5 năm 2001 của Nippon- Koei gửi Ban QLDA). 

* Thực hiện các quy định về đấu thầu

- Tiến độ của công tác sơ tuyển, mời thầu, xét thầu của các gói thầu xây lắp thực tế bị chậm: Theo quy định tiến độ bắt đầu sơ tuyển là trong tháng 1/2001 và bắt đầu đấu thầu vào tháng 5/2001 nhưng thực tế đến tháng 1/2002 mới tổ chức đấu thầu được gói thầu đầu tiên CP3 của Dự án; gói CP1 vào tháng 2/2002; gói CP2 vào tháng 4/2004; gói CP4 vào tháng 2/2003;

- Tài liệu thầu (bidding documents) và tài liệu hợp đồng (contract documents) được tư vấn Nippon - Koei lập để làm cơ sở cho việc lập dự toán thầu và nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành còn để xảy ra tình trạng:

+ Tại gói thầu CP1 - Nhà máy cấp nước: Mời thầu bổ sung 01 xe ôtô phục vụ cho Dự án tại gói thầu CP1 - Nhà máy cấp nước với giá trị 9.850.651 yên Nhật Bản (Hợp đồng dịch vụ tư vấn đã cung cấp 04 xe) và các dịch vụ phục vụ đi kèm trong thời gian 43, 33 tháng với giá trị đã nghiệm thu, thanh toán: 1.391.456 yên và 101.593.338 đồng; mời thầu các chi phí cung cấp cơ sở vật chất và dịch vụ cho văn phòng cố định của Chủ đầu tư trong thời gian 36, 56 tháng (trong khi đó Ban QLDA đã được sử dụng kinh phí quản lý dự án theo quy định);

+ Hồ sơ mời thầu của các gói thầu xây lắp CP2, CP3, CP4  mời nội dung cung cấp văn phòng tạm, kho tạm, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của văn phòng Tư vấn và Chủ đầu tư trong khi Hợp đồng dịch vụ tư vấn đã có nội dung thanh toán cho khoản Chi phí mua thiết bị và nội thất văn phòng Tư vấn tại Việt Nam: 1.618.388.978 đồng và 1.294.256 yên; mời thầu trùng lắp về nội dung  công tác Chuẩn bị nền đất - Tiểu phần 21800, Tài liệu thầu và Tài liệu hợp đồng quy định công tác nghiệm thu thanh toán nội dung đắp đất nền - Tiểu phần 21600 đã bao gồm  công tác Chuẩn bị nền đất. Đoàn kiểm toán thực hiện kiểm toán dự toán trúng thầu được duyệt của gói thầu CP2 đã phát hiện ra những sai sót trong công tác mời thầu như đã nêu ở trên với số tiền 3.513.462.197 đồng (sai khối lượng 3.159.951.783 đồng, sai đơn giá 353.510.415 đồng);

+ Gói thầu CP4 thi công trạm điện và đường dây: Hệ thống dây dẫn 110 KV hai mạch dùng dây nhôm lõi thép theo tiêu chuẩn kỹ thuật được duyệt là ACSR 185/29 nhưng tiên lượng hồ sơ mời thầu lại mời dây ACSR 185/19; Tư vấn đưa vào hồ sơ mời thầu Tiểu phần 30700 nội dung sàn tường ngăn trong khi đó hồ sơ thiết kế không có.

* Công tác quản lý chất lượng công trình

- Nhà thầu tư vấn Nippon - Koei thiếu sự kiểm tra giám sát chặt chẽ còn để xảy ra tình trạng nhà thầu thi công gói thầu CP1 - Nhà máy cấp nước lắp đặt máy bơm EBARA sản xuất tại Việt Nam thay cho máy bơm EBARA sản xuất tại Nhật Bản theo như cam kết hợp đồng, sau khi Chủ đầu tư phát hiện đề nghị nhà thầu thi công phải lắp đặt theo hợp đồng, việc làm này gây kéo dài thời gian thi công và sẽ làm tăng chi phí đầu tư (các chi phí phục vụ cho hoạt động của văn phòng Tư vấn đi kèm);

- Gói thầu CP4: Hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật giai đoạn cho phần dây dẫn 110 KV ghi là dây ACSR 185/19 không phù hợp với thư nghiệm thu bàn giao  xác định là dây ACSR 185/29.

* Công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán

- Chi cho công tác tư vấn cao hơn so với hoá đơn hoặc không có hoá đơn theo quy định: Chi phí sao chụp tài liệu giai đoạn giám sát thi công 263.800.000 đồng; chi phí thuê nhà theo thời gian 35 tháng cao hơn so với ghi trên hoá đơn: 157.662.051đồng (số tiền quyết toán cho tư vấn là 1.347.806.000 đồng, nhưng thực tế theo hoá đơn là 1.190.143.949 đồng);

- Chấp nhận thanh toán các chi phí không đúng chế độ và quy định của hợp đồng: Cung cấp các cơ sở vật chất dịch vụ cho Chủ đầu tư tại công trường gói thầu CP1 trong thời gian 36, 56 tháng- Tiểu phần 10030 với số tiền 167.786.049 đồng và 2.017.810 yên; Lắp đặt kho tạm tại công trường CP1 và chi phí thuê, điện và bảo hiểm cho kỹ sư tư vấn gói thầu CP2 - Tiểu phần 10030 với số tiền đã thanh toán đến kỳ 13 là 62.809.156 đồng và 238.632 yên; Cung cấp trang thiết bị: Bàn làm việc, tủ đựng tài liệu, máy photocopy, máy tính...cho Chủ đầu tư tại các gói thấu CP3 và CP4 với số tiền 174.084.864 đồng và 4.445.541 yên (trong khi Chủ đầu tư đã được sử dụng kinh phí quản lý dự án theo quy định và tư vấn Nippon - Koei đã được cung cấp trang thiết bị làm việc trong nội dung Hợp đồng dịch vụ tư vấn). Việc làm này của Ban QLDA và tư vấn Nippon - Koei làm lãng phí vốn đầu tư cho Dự án;

- Còn để xảy ra tình trạng lập hồ sơ nghiệm thu, lập phiếu giá thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành cho các phần việc đang thi công dở dang  chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán tại gói thầu CP2: Tiểu phần 23100- lớp Subbase (kỳ nghiệm thu 19 thanh toán vượt 966 m2) với số tiền đã nghiệm thu thanh toán  là: 37.879.758 đồng và 186.438 yên;

- Ban QLDA và Tư vấn Nipppon Koei chấp nhận nghiệm thu thanh toán  cho nhà thầu thi công nội dung chi phí Sàn tường ngăn Tiểu phần 30700 thuộc gói thầu CP4 trong khi  hồ sơ thiết kế không có và thực tế nhà thầu thi công cũng không thực hiện thi công lắp đặt tại hiện trường với số tiền đã thanh toán  584.701.215 đồng và 1.894.464 yên, đây là việc nghiệm thu khống công việc không làm, gây thất thoát vốn đầu tư;

- Chấp nhận thanh toán bù giá thép đột biến cho những khối lượng thực hiện của các gói thầu CP1, CP3 thi công trước ngày 1/1/2004 là không phù hợp với quy định của nội dung Thông tư số 02/2004/TT- BXD ngày 22/4/2004 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn tính bổ sung chi phí xây dựng công trình do giá thép xây dựng tăng đột biến với số tiền 4.011 triệu đồng (theo quy định chỉ tính bù giá thép cho các khối lượng thực hiện thi công sau 01/01/2004).

* Hồ sơ hoàn công

Đoàn kiểm toán đã thực hiện kiểm toán theo hồ sơ hoàn công gói thầu CP4 được Ban QLDA cung cấp vào ngày 4/10/2007, do nhà thầu thi công lập có xác nhận của Tư vấn giám sát và Chủ đầu tư nhưng đến ngày 26/11/2007 đại diện Ban QLDA lại cung cấp cho Đoàn kiểm toán một bộ hoàn công mới của gói thầu CP4 với lý do: Hồ sơ hoàn công ban đầu lập chưa đúng quy định và chưa phù hợp với thực tế thi công tại hiện trường.

3. Đánh giá hiệu quả của dự án

Một số nội dung đầu tư sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào vận hành chậm phát huy được hiệu quả sử dụng, gây lãng phí vốn đầu tư, nhân dân thuộc vùng dự án chậm được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư, cụ thể:

- Gói thầu CP1 - Nhà máy cấp nước giai đoạn I với công suất 22.400 m3 / ngày nhằm cung cấp cho Khu đô thị thuộc vùng Dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào hoạt động từ tháng 7/2005, đơn vị tiếp nhận là Công ty kinh doanh nước sạch số 2 báo cáo thực tế mới cung cấp khoảng 5.000 m3 /ngày (đạt 22,32%) cho Khu công nghiệp Thăng Long còn lại Ngân sách của thành phố Hà Nội phải tiếp tục đầu tư hệ thống đường ống dẫn mới để cung cấp ngược lại cho nội thành Hà Nội sử dụng nhằm tận dụng hết công suất giai đoạn I;         

- Gói thầu CP3 - Nhà máy xử lý nước thải hoàn thành, bàn giao công tác xây lắp vào 31/10/ 2005 cho đơn vị tiếp quản sử dụng là Công ty thoát nước Hà Nội với giá trị đề nghị quyết toán: 65.549.443.976 đồng và 1.255.262.990 yên Nhật Bản, nhưng thực tế đến thời điểm kiểm toán hệ thống cung cấp điện cho nhà máy vẫn chưa được xây dựng đồng bộ để vận hành hoạt động (kể cả vận hành chạy thử), trong khi đó NSNN vẫn phải gánh chịu khoản vay và trả lãi vay nước ngoài. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tiếp diễn, Khu công nghiệp Thăng Long buộc phải xây dựng riêng cho mình nhà máy xử lý nước thải và Khu đô thị mới chậm hình thành thì hậu quả của sự lãng phí vốn đầu tư là rất lớn.

4. Kiến nghị

(1) Xử lý về tài chính

* Đối với Ban QLDA:

- Đề nghị giảm trừ quyết toán tổng số tiền:            35.587.502.124 đồng, Trong đó:

+ Thu hồi nộp ngân sách thành phố Hà Nội số tiền: 29.525.375.104 đồng (trong đó số Thanh tra phát hiện giảm tại gói thầu CP1 - Nhà máy cấp nước: 1.686.645.062 đồng)

+ Giảm trừ khi thanh toán chi phí xây lắp số tiền: 4.847.127.020 đồng (trong đó số Thanh tra phát hiện giảm tại gói thầu CP1: 3.861.672.422 đồng):

+ Giảm đền bù giải phóng mặt bằng do chưa đủ diều kiện quyết toán, với số tiền:                                                                                     1.215.000.000 đồng

- Đề nghị giảm trừ giá trị dự toán trúng thầu và giảm thanh toán gói thầu CP2 - Hệ thống đường giao thông, thoát nước thải, cung cấp điện, với số tiền:                                                                                          3.513.462.197 đồng.

- Đề nghị Ban quản lý dự án không thanh toán số tiền đền bù đất tập thể hợp tác xã thôn Hải Bối không đúng quy định đã được phê duyệt phương án đền bù  theo quyết định số 1153/QĐ-UB ngày 26/12/2005 nhưng chưa đưa vào quyết toán:                                                                                            170.732.880 đồng

- Đề nghị đơn vị ghi tăng nguồn vốn hoàn thuế GTGT và quyết toán vào giá trị công trình số tiền:                                                          8.998.154.144 đồng

* Đối với UBND các xã thuộc Dự án

- Thu hồi các khoản chi, chuyển tiền sai quy định, các khoản còn tồn trên tài khoản tiền gửi, nộp kịp thời các khoản đền bù không đúng về Ngân sách thành phố và hạch toán kịp thời các khoản vào Ngân sách xã theo quy định, tổng số tiền thu hồi: 45.293.020.958đ, trong đó:

+ Nộp ngân sách thành phố Hà Nội:                       14.599.422.072đ

+ Thu và hạch toán ghi thu ngân sách xã:                30.693.598.885đ

- Đối với khoản tiền 9.705.775.816đ đền bù đất tập thể UBND các xã đã sử dụng chi cho đấu tư xây dựng cơ bản chưa hạch toán qua ngân sách xã, để nghị UBND các xã nhanh chóng lập và hoàn thiện hồ sơ quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để ghi thu, ghi chi qua ngân sách theo quy định của Luật NSNN.

(2) Đề xuất kiến nghị về quản lý và xử lý trách nhiệm

* Đối với Ban QLDA

- Kiến nghị Ban quản lý dự án mời các cơ quan có chức năng thực hiện kiểm tra việc thi công hệ thống dây dẫn 110 KV của gói thầu CP4 làm cơ sở cho việc nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và thanh quyết toán theo quy định.

- Thu hồi 01 xe ô tô Camry V6 Grande của Dự án hiện đang được Ban QLDA sử dụng sai quy định và hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định hiện hành.

- Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác lưu trữ hồ sơ đền bù, chấm dứt tình trạng đền bù đất đường mương, đất tập thể HTX thôn quản lý và xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xẩy ra tình trạng sai phạm nêu trên.

* Đối với UBND thành phố Hà Nội

- Đề nghị UBND thành phố Hà Nội huỷ bỏ hiệu lực của các văn bản ban hành trái với Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính, như: Quyết định số 99/2003/QĐ-UB ngày 21/8/2003 và Công văn số 1363/UB-NNĐC ngày 13/4/2005 của UBND thành phố Hà Nội cho phép xác định giá đất nông nghiệp theo hạng đất tính thuế cao nhất trong dự án, khu vực.

- Đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các xã, các cơ quan tài chính hạch toán vào cân đối ngân sách của xã khoản tiền đền bù hỗ trợ đất tập thể cho các xã và thu hồi kịp thời các khoản chi sai chế độ.

- Chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra việc sử dụng các khoản tiền đền bù đất tập thể đã sử dụng cho đầu tư xây dựng, thu hồi các khoản chi sai quy định: Chia cho các hộ gia đình, chuyển tiền cho Hợp tác xã thôn (đặc biệt là khoản tiền 1.126 triệu đồng chuyển xuống Hợp tác xã của xã Kim Chung chưa báo cáo được cho Đoàn kiểm toán) và thu hồi kịp thời các khoản chi sai quy định.

- Thành lập đoàn kiểm tra và xử lý theo đúng quy định đối với trường hợp cấp đất sai thẩm quyền đất thầu khoán sang đất ở của hộ gia đình ông Minh tại xã Kim Chung.

- Đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Ban QLDA và các cơ quan chức năng có liên quan sớm hoàn tất công tác lập, kiểm toán, thẩm định báo cáo quyết toán các gói thầu CP1, CP2, CP3 và thực hiện phê duyệt theo quy định.

- Kiểm điểm và có hình thức xử lý phù hợp đối với tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm mà Đoàn kiểm toán đã nêu trong kết luận kiểm toán.

(3) Chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo pháp luật những nội dung sai phạm trong công tác quản lý và sử dụng vốn của Dự án:

- Việc nghiệm thu, thanh toán khống khối lượng sàn tường ngăn Tiểu phần 30700 nhà điều hành trạm biến áp thuộc gói thầu CP4 số tiền 584.701.215 đồng và 1.894.464 yên;

 - Việc sử dụng sai chế độ tiền đền bù, hỗ trợ đất tập thể 54.612.079.387 đồng từ giải phóng mặt bằng tại các xã thuộc Dự án. /.