Marketing, SHTT, quảng cáo... những hoạt động được gọi là dịch vụ phát triển kinh doanh (DVPTKD) này mới chỉ chiếm 1-2% tỷ phần của khu vực dịch vụ (khu vực chiếm tới 50% GDP). Bên cạnh sự non kém tự thân của hoạt động này tại Việt Nam còn một nguyên nhân khác là thiếu hành lang pháp lý.
Sau một thời gian dài thu thập thông tin, công trình nghiên cứu về môi trường pháp lý đối với các DVPTKD vừa được công bố ngày 9/6 vừa qua. Đây là công trình được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Báo cáo cho thấy, chất lượng DVPTKD tại Việt Nam đang ở mức quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hình thức và phương pháp của DVPTKD còn nghèo nàn, không đủ loại dịch vụ đáp ứng yêu cầu của DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Báo cáo tập trung vào 3 lĩnh vực chính là sở hữu trí tuệ (SHTT), hoạt động kế toán kiểm toán (KTKT) và đào tạo.
DVPTKD được hiểu là ''bất kỳ dịch vụ phi tài chính nào do các DN sử dụng để hỗ trợ nhằm thực hiện chức năng kinh doanh hoặc phục vụ cho quá trình tăng trưởng, được cung cấp một cách chính thức hoặc không chính thức''. Cụ thể như các dịch vụ đào tạo, tư vấn, các dịch vụ quản lý, marketing, các dịch vụ đóng gói, thiết kế sản phẩm, bảo đảm chất lượng, cung cấp hậu cần, thông tin, internet, công nghệ thông tin và máy tính, thúc đẩy liên kết kinh doanh, SHTT, đưa tin và quảng cáo... |
Về SHTT, báo cáo này đã đưa ra tình trạng thiếu nguồn lực của Cục Sở hữu trí tuệ (do bị hạn chế trong việc tuyển dụng nhân sự theo chế độ hợp đồng lao động), làm kéo dài thời gian giải quyết đăng ký quyền SHTT, thậm chí phải mất tới 14-15 tháng, chậm hơn thời gian quy định là 12 tháng.
Hiện nay, Cục SHTT có 2 chức năng khác nhau là vai trò quản lý nhà nước và vai trò cung cấp dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, cũng như trong tất cả các văn bản và quy định pháp luật hiện hành, Cục SHTT chỉ đơn thuần là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KHCN. Kết quả là vai trò cung cấp dịch vụ hành chính công của Cục SHTT không được quan tâm đến.
Về hoạt động kế toán kiểm toán, việc thiếu một chính sách rõ ràng dứt khoát và kế hoạch hành động cho sự phát triển của các dịch vụ KTKT được xem là một cản trở quan trọng đối với những loại hình dịch vụ này. Mặt khác, quy định của Bộ Tài chính là kiểm toán viên không được cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán cho cùng một khách hàng. Tuy nhiên, không có quy định nào cấm công ty kiểm toán làm điều này. Như vậy, có thể xảy ra tình trạng công ty vừa cung cấp dịch vụ kiểm toán và kế toán cho cùng một khách hàng. Trong trường hợp này, kết quả kiểm toán có thể không được khách quan, khi mà những sai sót (nếu có) trong báo cáo tài chính được công ty kiểm toán che giấu và sửa chữa.
Về đào tạo, hiện tại Nhà nước ít quan tâm đến hoạt động đào tạo nghề so với hoạt động giáo dục Đại học. Ngân sách quốc gia cho mỗi học sinh Trung học chuyên nghiệp chỉ có 3,6 triệu đồng/năm so với 4,3 triệu đồng/năm cho học viên học nghề và 6 triệu đồng/năm cho sinh viên Cao đẳng hoặc Đại học. Khoản kinh phí này mới đáp ứng được 60% nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thì ''Cách ứng xử của các cơ quan đăng ký kinh doanh còn hạn chế, nhiều DN không thể đăng ký cung cấp một DVPTKD nhất định, chỉ vì một lý do đơn giản là người thụ lý hồ sơ đăng ký kinh doanh... chưa bao giờ nghe về dịch vụ đó''.