Dự Tọa đàm có TS. Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường, đại diện lãnh đạo Vụ: Pháp chế, Hợp tác quốc tế, một số chuyên gia, cán bộ, chuyên viên của Trường cùng Ban chủ nhiệm đề tài.
Tại buổi Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, thay mặt Ban chủ nhiệm báo cáo những nội dung chính của đề tài, việc xây dựng tiêu chí đánh giá khi tiến hành kiểm toán đầu tư công tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòa cho rằng: Theo quan điểm của Tổ chức Quỹ kiểm toán toàn diện Canada (CCAF) kiểm toán toàn diện có thể được xem xét bao gồm 3 loại hình kiểm toán mà chúng có mối quan hệ với nhau, nhưng cũng có thể tách ra theo từng loại riêng biệt gồm: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động hay kiểm toán giá trị của đồng tiền.
Đối với lĩnh vực đầu tư công, KTNN Việt Nam cũng nên theo quan điểm của CCAF, cần kiểm toán cả 3 loại hình kiểm toán mới có thể đánh giá đầy đủ và toàn diện đầu tư công. Việc sử dụng các nguồn lực công thông qua các chương trình, dự án công có những đặc điểm riêng khác biệt với các nguồn lực được sử dụng trong các dự án tư. Khác biệt thứ nhất là ở mục tiêu, vì mục tiêu của các dự án công thường không chỉ mang tính tài chính mà còn mang tính kinh tế - xã hội - chính trị. Mục đích cao nhất của các dự án công là nâng cao phúc lợi cộng đồng, nên khi đánh giá các dự án phải đứng trên quan điểm của Nhà nước vì lợi ích chung của dân chúng, xã hội.
Khác biệt thứ hai là phương pháp sử dụng, nếu như trong phân tích đánh giá các dự án tư, người ta thường sử dụng phương pháp tài chính với cơ sở của nó là kinh tế học vi mô và những nguyên tắc của kế toán, thì với các dự án công phương pháp phân tích kinh tế được sử dụng chủ yếu. Phương pháp phân tích kinh tế dựa trên các nguyên tắc của kinh tế học phúc lợi ứng dụng, nhằm phân tích việc sử dụng các nguồn lực công có mang tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực? có giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu của mình là sử dụng nguồn lực công tốt hơn trên cơ sở gia tăng thặng dư của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ công?
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, phạm vi nghiên cứu của đề tài tập trung vào loại hình kiểm toán hoạt động, xác định các tiêu chí để kiểm toán “3E” - tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả: Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình và kết quả đầu tư của nền kinh tế theo các chỉ tiêu về quy mô, tốc độ, cơ cấu, tiến độ, hiệu quả đầu tư; Đánh giá mức độ đạt được so với quy hoạch được duyệt, nhiệm vụ kế hoạch hoặc so với mức đạt được của kỳ trước; Xác định các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng tới tình hình và kết quả đầu tư, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư trong kỳ hoặc giai đoạn kế hoạch sau, đánh giá tính khả thi của các quy hoạch, kế hoạch được duyệt.
Việc xác định tiêu chí đánh giá tính kinh tế, theo Ban Chủ nhiệm đề tài, khi kiểm toán tính kinh tế, Kiểm toán viên cố gắng xem các nguồn lực có được đó có đúng số lượng, đúng địa điểm, đúng thời gian, đúng chủng loại và đúng giá cả? Cụ thể hơn là Kiểm toán viên xem đơn vị có khả năng giảm thấp hơn việc chi tiêu so với quy định nhưng vẫn đạt được nguồn lực như mong muốn? Hoặc khi đơn vị đã có những nguồn lực, còn có cách lựa chọn nào khác để giảm được chi phí thấp hơn so với hiện tại? Nếu không còn cách nào khác chứng tỏ rằng đơn vị đã thật sự tiết kiệm chi phí khi mua sắm các nguồn lực đó. Như vậy với đầu tư công, KTNN khi kiểm toán phải có ý kiến về quy mô đầu tư công, cơ cấu đầu tư theo vùng, miền, lĩnh vực, ngành, thời gian có đảm bảo?
Theo Ban chủ nhiệm, tiêu chí để xác định tính kinh tế của đầu tư công là: Xác định quy mô đầu tư công so với GDP đã hợp lý so với thông lệ tốt trên thế giới? Xác định cơ cấu đầu tư theo vùng miền đã hợp lý để chuyển dịch cơ cấu theo vùng miền? Xác định cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực, ngành đã hợp lý theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ?
Việc xác định tiêu chí đánh giá tính hiệu lực được đánh giá qua mục tiêu số một của đầu tư công là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các loại hình sở hữu đầu tư kinh doanh - những chủ thể thực hiện đầu tư tăng trưởng (phân biệt với đầu tư phục vụ, hỗ trợ phát triển do đầu tư công đảm nhiệm chính) được thực hiện thuận lợi. Đánh giá môi trường đầu tư tốt nhất hiện nay chính là thông qua chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia.Với chỉ số này khi kiểm toán, KTNN sẽ đánh giá trước và sau khi thực hiện đầu tư công để xem thứ bậc cạnh tranh quốc gia có được cải thiện? có tương xứng với mức đầu tư công? Có đáp ứng những thành phần cụ thể trong chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu của WEF?
Việc xác định tiêu chí đánh giá tính hiệu quả, tập trung vào việc đánh giá tính hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả kinh tế nói riêng. Để tính toán được hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung là việc làm không hề đơn giản vì liên quan, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội từ an ninh - quốc phòng, môi trường, văn hóa, an sinh xã hội… tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ dân số biết chữ, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỉ lệ lạm phát, các chỉ số về cân đối vĩ mô cơ bản như cân đối thu chi NSNN, cân đối tiết kiệm và đầu tư, cân đối xuất nhập khẩu, nợ công... Vì vậy, khi kiểm toán đầu tư công, Kiểm toán viên cần phải so sánh mức độ đầu tư, tỉ lệ đầu tư công vào các lĩnh vực trên có hợp lý và phù hợp với quy luật phát triển?
Cũng theo Ban đề tài, việc đánh giá sử dụng công cụ định lượng để đánh giá hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam cho đến nay chưa có phương pháp đánh giá hiệu quả nào được phổ biến một cách chính thống trong phân tích và đánh giá. Ban đề tài đề xuất 3 phương pháp mà KTNN có thể vận dụng trong kiểm toán hoạt động về đầu tư công: Tiêu chí ICOR; Mô hình VECM- Mô hình VECTOR điều chỉnh sai số và Phương pháp hàm sản xuất. Theo lý giải của Ban đề tài thì 3 phương pháp này nhận được sự đồng thuận cao của giới chuyên môn, đồng thời có thể cung cấp cho người đọc cái nhìn một cách toàn diện và đầy đủ hơn về đầu tư công.
Trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất cho rằng đề tài “Nội dung và phương pháp đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong kiểm toán đầu tư công” là có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao đối với hoạt động của KTNN. Đặc biệt việc xây dựng bộ tiêu chí khi tiến hành kiểm toán đầu tư công tại Việt Nam sẽ hỗ trợ được Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình thực hiện kiểm toán.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề câu hỏi đề nghị Ban nghiên cứu đề tài cần làm rõ hơn trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện đề tài. Đặc biệt là việc cần phải làm rõ về khái niệm đầu tư công, kiểm toán đầu tư công là gì, để từ đó xác định đúng đối tượng, mục tiêu của kiểm toán đầu tư công; căn cứ nào để KTNN thực hiện kiểm toán nội dung này; cách tiếp cận cũng như và kết quả kiểm toán phải xuất phát từ các nhà kiểm toán chứ không phải là một nhà phân tích chính sách…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Tọa đàm, đồng thời làm rõ hơn một số nội được các đại biểu đặt ra. PGS.TS cho rằng, Ban chủ nhiệm sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu nhằm chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài trước khi đề tài chính thức được nghiệm thu dự kiến vào tháng 12/2017./.
D. Thúy