Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

 
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là dự án luật quan trọng được cử tri và các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm và nhận được sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường.
 
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và để giải quyết được các vấn đề thực tế đang đặt ra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới và cũng bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế, nhất là công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần phải bảo đảm tính thống nhất đồng bộ và nhất là bảo đảm tính khả thi để triển khai thống nhất thuận lợi trong thực tế, với phương châm phòng là chính, nhưng chống là rất quan trọng và cấp thiết.
 
Nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật nhận là nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo án luật sang khu vực ngoài nhà nước như đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và đối với tổ chức xã hội có huy động tiền của người dân…để bảo đảm tính toàn diện của công tác phòng, chống tham nhũng, đáp ứng tình hình thực tiễn cũng như phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, các cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên. Tuy nhiên một số ý kiến cũng cho rằng, việc mở rộng cần có lộ trình, có thời gian để bảo đảm khả thi và có cơ chế giám sát thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, một số đại biểu lại cho rằng, chưa nên mở rộng phạm vi ra ngoài khu vực nhà nước mà chỉ tập trung làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay trong khu vực công.
 
Các đại biểu Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Một số đại biểu đề nghị trước mắt cần thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tập trung vào những người giữ chức vụ có hệ số phụ cấp chức vụ nhất định trở lên và trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao để tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát có hiệu quả hơn. Việc mở rộng sẽ được tiến hành khi thực hiện tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng đã được lựa chọn. Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch, bao gồm cả công chức cấp xã để đảm bảo sự bình đẳng của mọi cán bộ, công chức, viên chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Một số ý kiến lại cho rằng nên giữ nguyên đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Ngoài ra một số đại biểu còn cho rằng, ngoài việc yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai thì những người thân trong gia đình cũng phải kê khai để tránh việc dịch chuyển tài sản dẫn đến không thể kiểm soát được tài sản thực tế của người có chức vụ, quyền hạn và làm hạn chế khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.
 
Thảo luận về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng, nhiều ý kiến đề nghị không quy định cơ quan của Đảng vào dự thảo luật mà việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức cần được thực hiện theo đúng quy định của luật này, do các cơ quan nhà nước thực hiện. Quy định này cũng không làm ảnh hưởng đến quyền kiểm soát của các cơ quan đảng đối với đảng viên theo các quy định của Đảng. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cân nhắc, đánh giá sâu sắc hơn về tính khả thi, hiệu quả của việc thu gọn đầu mối cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, nhất là trong trường hợp mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức là đảng viên.
 
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập và Tổ xác minh; cân nhắc cần bổ sung cơ quan thuế là cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập.
 
Về công khai bản kê khai tài sản thu nhập, nhiều ý kiến phát biểu tán thành với việc quy định bản kê khai tài sản thu nhập phải được công khai nơi người có nghĩa vụ kê khai công tác, làm việc và nơi cư trú thường xuyên của họ. Một số ý kiến đề nghị cần công khai rộng rãi hơn nữa bản kê khai tài sản thu nhập để người dân, các tổ chức xã hội được thực hiện việc giám sát. Cũng có ý kiến đề nghị không công khai bản kê khai này mà chỉ lưu giữ ở cơ quan, tổ chức cán bộ, nếu ai có yêu cầu chính đáng thì được đến để tìm hiểu, kiểm tra.
 
Các đại biểu Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Nhiều ý kiến phát biểu đề nghị giữ các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Theo đó khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm toán thì cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ, vụ việc sang cơ quan điều tra và thông báo cho Viện kiểm sát biết mà không chờ ra kết luận thanh tra kiểm toán mới chuyển hồ sơ. Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật để gắn trách nhiệm của các cơ quan này với các quyết định của mình. Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, khi thanh tra, kiểm toán có kết luận không có tham nhũng, nhưng sau đó lại phát hiện ra tham nhũng.
 
Về cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích, một số ý kiến còn băn khoăn việc dự thảo luật chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong xác minh tính chính xác của thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, giải quyết trường hợp xử lý xung đột lợi ích không chính xác v.v... dẫn đến có thể bị lạm dụng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức. Dự thảo Luật cũng đưa ra một loạt các quy định về phòng ngừa tham nhũng: Kiểm soát xung đột lợi ích; Thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; Xây dựng chế độ liêm chính trong phòng, chống tham nhũng; Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Xử lý tài sản tham nhũng, bảo đảm thu hồi đầy đủ tài sản tham nhũng. Thảo luận nội dung này, các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn việc dự thảo luật chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong xác minh tính chính xác của thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích, giải quyết trường hợp xử lý xung đột lợi ích không chính xác v.v... dẫn đến có thể bị lạm dụng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cán bộ, công chức.
 
Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, nhiều ý kiến đại biểu phát biểu cho rằng đây là dự án luật quan trọng, có nhiều nội dung mới, phức tạp, trong đó có một số nội dung cần phải đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động. Các quy định của luật ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quyền của công dân được quy định tại nhiều luật khác nhau v.v... thì cần phải thông qua dự án luật này theo quy trình tại 3 kỳ họp để có thời gian cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội thông qua. Một số ý kiến thì cho rằng nếu các cơ quan hữu quan cố gắng tối đa tại kỳ họp sau mà bảo đảm chất lượng thì có thể thông qua luật này tại 2 kỳ họp hoặc tại 2,5 kỳ họp Quốc hội.
 
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo giải trình, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra.
 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giá cao những ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 33 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, 11 đại biểu Quốc hội tranh luận và còn 8 đại biểu Quốc hội đăng ký nhưng chưa phát biểu do không còn thời gian. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội gửi lại văn bản cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký kỳ họp ghi âm, ghi chép đầy đủ và sẽ được Tổng thư ký Quốc hội chỉ đạo tập hợp, tổng hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban Tư pháp, các cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị, hội thảo, có các hình thức thích hợp lấy ý kiến cử tri, đối tượng chịu sự tác động của luật, đánh giá tác động của một số chế định mới để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp tới./.
 
Ngọc Bích