Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn về nợ công và giải pháp tăng cường quản lý nợ công

(kiemtoannn.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 16/11/2017, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về nợ công và giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nợ công là mối quan tâm lớn của nhân dân và cử tri cả nước khi tỷ lệ nợ công đã chiếm hơn 60%GDP, sát mức trần mà Quốc hội cho phép. Thêm nữa, hiện nay điều kiện kinh tế- xã hội nước ta còn gặp nhiều khó khăn mà Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới, “Điều này ảnh hưởng như thế nào đến kiểm soát chi tiêu nợ công trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn nợ công" - đại biểu nêu câu hỏi. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh bày tỏ lo ngại với con số bình quân một năm trả lãi nợ công hơn 100.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020 sẽ chạm mức 250.000 tỷ đồng. Với cương vị là người chịu trách nhiệm chính về vấn đề quản lý nợ công quốc gia, đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết những giải pháp cụ thể để vừa có thể kiểm soát nợ công vừa có vốn đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an toàn nợ công. Bộ Tài chính đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước (NSNN) và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020, đã giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công, theo đó trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%. Cùng với đó, sẽ xác định rõ mức bội chi NSNN và lộ trình cắt giảm bội chi, như kế hoạch đã báo cáo thì năm 2017, bội chi là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 sẽ xuống 3,6% và xuống còn 3,4% vào năm 2020. Việc giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết kiên quyết thực hiện trong giới hạn Quốc hội đã thông qua là 300 ngàn tỉ đồng trong cả giai đoạn.
Đồng tình với nhận định giai đoạn nợ công tăng nhanh là đúng, song Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết các giải pháp vừa qua đã bước đầu có kết quả, đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng. Nếu như giai đoạn 2011- 2015 tăng 18%, 2016 tăng 15%, thì đến 2017 chỉ tăng 9%. "Chúng ta đang từng bước kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ công vẫn đang trong giới hạn cho phép" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, Bộ trưởng nói nhiều về kìm hãm sự phát triển tăng tốc của nợ công, nhưng đây mới chỉ là "phần vỏ", còn "linh hồn" của nó là vấn đề hiệu quả đầu tư công. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, điển hình như 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ… đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nền kinh tế, Bộ trưởng cần nói rõ hơn về vấn đề hiệu quả đầu tư công.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, chất lượng hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm và nằm trong chương trình tái cơ cấu lại đầu tư công. Về lĩnh vực quản lý Nhà nước, thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, các địa phương trong vấn đề sử dụng. Trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã và đang triển khai các nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay như chuyển cấp phát cho vay lại, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, rồi phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan địa phương để kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về nợ công.

Giải trình thêm về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định đầu tư của chúng ta còn tùy tiện, dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cả của Trung ương và địa phương dẫn đến thất thoát lớn. Khi đó mỗi một giai đoạn 2005- 2010; 2011- 2015 có khoảng hơn 20.000 dự án cả lớn lẫn bé, cả của địa phương, Bộ, ngành đầu tư mà không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được. Sau này khi có Luật Đầu tư công, trong giai đoạn 2016- 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm rất nhiều so với giai đoạn trước đây và bám sát khả năng cân đối của ngân sách, phần nợ đọng và ứng của các giai đoạn trước cũng đã xử lý dứt điểm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình về trách nhiệm của Bộ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư công không hiệu quả là do các dự án được phê duyệt có một tổng mức đầu tư không sát với tình hình thực tế, vượt lên rất nhiều so với tính toán mà chưa có các biện pháp kiểm soát được việc này; thời gian triển khai đầu tư dự án phải thực hiện rất nhiều thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh.
 

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Chính phủ trình kế hoạch ban hành tái cơ cấu đầu tư công và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại toàn bộ bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công trình Chính phủ và Quốc hội để sửa theo hướng vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, vừa giải quyết được vấn đề thủ tục thuận lợi, nhanh gọn./.

Hà Linh