Dự Tọa đàm có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, đại diện lãnh đạo và cán bộ KTV, đoàn viên thanh niên các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, KTNN Khu vực, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc KTNN, đại diện một số hội nghề nghiệp và trường đại học. Tọa đàm cũng nhận được sự quan tâm và tham dự đông đảo của các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên nền internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới về các doanh nghiệp hàng đầu, trong đó lao động phổ thông chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế. Sản xuất chuyển dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ. Những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, in 3D giúp giảm mạnh áp lực chi phí, qua đó giảm giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực, giúp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những cải cách công nghệ mang tính đột phá có thể dẫn đến những điều kỳ diệu trong sản xuất và năng suất, tác động tích cực đến tăng trưởng dài hạn.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đó là thách thức tụt hậu xa hơn, nếu không chủ động đi đúng hướng, không bắt đúng nhịp, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.
Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, chủ động nắm cơ hội vượt lên thách thức là trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị. Kiểm toán nhà nước cần và thực hiện chiến lược, kế hoạch phù hợp, chủ động xây dựng cuộc cách mạng 4.0, đặc biệt là nâng cao năng lực hoạt động kiểm toán, áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại, công cụ công nghệ thông tin tiện ích tối ưu, kỹ năng mới, phương tiện thiết bị hiện đại để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe các chuyên gia đến từ KTNN, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), đại diện các Chi đoàn thanh niên trực thuộc Đoàn Thanh niên KTNN trình bày nhiều tham luận tập trung làm rõ các nội dung của như: Làm rõ đặc điểm, bản chất, những đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0; phân tích, đánh giá cơ hội, thách thức đối với ngành kiểm toán nói chung và Kiểm toán viên nhà nước nói riêng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu chỉ ra giải pháp, trách nhiệm của ngành KTNN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều tham luận đến từ các Chi đoàn tập trung làm rõ những kỹ năng cần trang bị đối với Kiểm toán viên nhà nước trong kiểm toán lĩnh vực quốc phòng, an ninh;Ứng dụng, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý dự án đầu tư; Cơ hội và thách thức đối với Kiểm toán viên nhà nước trong kiểm toán các tổ chức tài chính-ngân hàng; Cơ hội và thách thức đối với Kiểm toán viên nhà nước trong kiểm toán ngân sách địa phương….
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Để hội nhập với thế giới văn minh đang tiến bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, điều quan trọng là phải đổi mới đúng hướng hiện đại hóa của nền giáo dục nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới. Kiểm toán viên nhà nước cần nâng cao hiểu biết, kỹ năng thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Trong tương lai, các đơn vị được kiểm toán thuộc các Bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường công tác ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của mình, từ hoạt động quản lý đến công tác tài chính, kế toán. Để nâng cao hiệu quả kiểm toán, mỗi Kiểm toán viên nhà nước phải có trình độ tương ứng để có thể tìm hiểu, sử dụng thành thạo các công cụ mà đơn vị được kiểm toán sử dụng. Ngoài ra, việc hiểu biết về công nghệ số cũng giúp quá trình quản lý, trao đổi thông tin trong nội bộ Kiểm toán nhà nước được nhanh gọn, thuận tiện và cẩn trọng hơn, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động kiểm toán.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, TS. Lê Đình Thăng, Giám đốc Trường Đào tạo &BDNV Kiểm toán khẳng định: Để nắm bắt cơ hội trước cuộc CMCN lần thứ 4, là Kiểm toán viên nhà nước, là đoàn viên thanh niên trước tiên cần tìm hiểu, nắm bắt về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các đặc điểm, bản chất, đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp này; Cần tìm hiểu và biết ứng dụng nhanh những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Cần tranh thủ sự phát triển của internet vạn vật để tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực kiểm toán để thực hiện tốt nhiệm vụ tại KTNN, vì trong thời đại ngày nay, công nghệ có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, nhanh chóng không có chỗ cho sự chần chừ, do dự. Tuổi trẻ KTNN muốn có tri thức, có trí tuệ không có con đường nào khác ngoài học tập.
Tích cực học tập, chiếm lĩnh tri thức là “chìa khóa” để Kiểm toán viên nhà nước và thanh niên KTNN mở cửa, tiếp cận và nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ và kiến thức về công nghệ. “Tri thức, trí tuệ không phải là cái có sẵn mà phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện không ngừng mới có được. Để biến những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thành hiện thực không đơn thuần chỉ có quyết tâm mà cần phải có tri thức, có trí tuệ” - TS. Lê Đình Thăng nói./.
D.Thúy