Cùng tham dự với Ban chỉ đạo có các thành viên của Ban là lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Tư pháp; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Về phía KTNN có đồng chí Nguyễn Quang Thành - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diễn lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Lê Vĩnh Tân cho biết, buổi làm việc nhằm khảo sát, lấy ý kiến của KTNN để phục vụ cho việc xây dựng Dự thảo “Đề án cải cách chính sách tiền lương, Bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công”.
Tại buổi làm việc, KTNN đã báo cáo đánh giá thực trạng chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công của KTNN. Báo cáo thực trạng chính sách tiền lương hiện hành từ khi triển khai Nghị quyết hội nghị Trung ương khóa 8 tới nay trên các nội dung: Tiền lương tối thiểu, quan hệ tiền lương, hệ thống thang bảng lương, chế độ nâng ngạch và bậc lương, chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý và nguồn chi trả tiền lương, các khoản thu nhập ngoài lương, tình hình thực hiện việc đảm bảo nguồn cải cách tiền lương trong đơn vị.
Theo đó, KTNN hiện có có 17 đơn vị trực thuộc áp dụng chế độ tự chủ về tài chính, trong đó có 14 đơn vị áp dụng theo Nghị định số 117/2013/NĐ-CP và 03 đơn vị sự nghiệp áp dụng theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương của 14 đơn vị hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp là do NSNN đảm bảo; kinh phí thực hiện chế độ tiền lương của 02 đơn vị sự nghiệp do NSNN đảm bảo một phần. Năm 2017, KTNN được giao dự toán và tự bố trí đủ kinh phí để thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Tính đến ngày 30/9/2017, số người tham gia BHXH của KTNN đạt 100%.
Báo cáo cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương như: Văn bản hướng dẫn về chính sách tiền lương chưa được kịp thời, văn bản quy định về ngạch công chức được ban hành và có hiệu lực, nhưng văn bản hướng dẫn chậm được ban hành; Tiền lương cơ sở tăng vẫn chỉ đảm bảo bù trượt giá, do đó tiền lương tăng nhưng thực chất là không tăng; Chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung chưa có tác động tích cực; Việc nâng bậc lương vẫn mang tính bình quân...
Tại buổi làm việc, các thành viên của Ban Chỉ đạo đánh giá, báo cáo của KTNN đã thể hiện rõ chính sách tiền lương của KTNN và đã đưa ra được một số bất cập trong quá trình triển khai và một số giải pháp, đề xuất cải cách tiền lương của đơn vị.
Một số ý kiến tập trung làm rõ một số vấn đề nêu trong Báo cáo của KTNN như: Thiết kế phụ cấp thâm niên nghề và ưu đãi nghề theo định hướng: Bảng lương của Tổng Kiểm toán nhà nước đảm bảo cân đối với các vị trí của tương đương, đảm bảo tương quan, thứ bậc trong hệ thống chung; Thiết kế tiền lương không dựa trên văn bằng mà gắn với ngạch được bổ nhiệm; Thiết kế phụ cấp thâm niên nghề và ưu đãi nghề theo hướng ưu đãi dành cho những người trực tiếp làm nghề…
Ngoài vai trò là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo mong muốn, KTNN với tư cách là đơn vị có chức năng và kinh nghiệm kiểm toán việc thực hiện các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội có thể đóng góp các thông tin, ý kiến mang tính vĩ mô như: Quan hệ tiền lương giữa CBCC với viên chức; Nguyên tắc trả lương phục vụ cải cách tiền lương; Các biện pháp tạo nguồn trong cải cách tiền lương; Các chính sách cải cách chế độ nâng ngạch, bậc lương gắn với hiệu quả công việc; Thực trạng thu nhập, quản lý thu nhập ngoài lương hiện nay …
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành phát biểu
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, KTNN luôn xác định được tầm quan trọng của công cuộc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đối với sự phát triển của KTNN nói riêng và sự phát triển của Đất nước nói chung. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng đây là nội dung rất phức tạp và cần có lộ trình. Mặt khác, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội cần gắn với các chính sách khác đồng bộ, trong đó có cân đối nguồn. Bên cạnh đó, tư tưởng của những người làm công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội cũng phải thay đổi, cần thể chế hóa được việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc, đánh giá chất lượng cán bộ. Đặc biệt, tiền lương cần mạnh dạn áp dụng dựa trên vị trí công việc, hiệu quả công việc…
Phát biểu kết luận, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Lê Vĩnh Tân cảm ơn sự chuẩn bị và các nội dung trao đổi của KTNN. Từ thực tiễn hoạt động của KTNN, Bộ trưởng Bộ nội vụ mong muốn KTNN tiếp tục đề xuất chính sách cải cách tiền lương theo hướng: Tinh gọn lại bộ máy nhà nước, tăng hiệu quả của bộ máy nhà nước, cung cấp dịch vụ công tốt hiệu quả hơn; Xây dựng cơ chế tiền lương và chính sách theo lương để phân bổ nguồn lực hợp lý, tạo điều kiện phát triển cho mỗi cá nhân cũng như cho xã hội; Xây dựng cơ chế tiền lương đồng bộ cùng cơ chế chính sách liên quan khác; Tạo cơ chế để cân đối nguồn và giao quyền tự chủ về tiền lương…
Ngọc Bích