Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nội dung chương trình Hội nghị lần này đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, vừa cơ bản, vừa cấp bách, liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, đổi mới phát triển xã hội, đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tất cả đều là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, đến đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cả nước, được xã hội đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, cùng với một số vấn đề quan trọng khác, và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Toàn cảnh buổi khai mạc
Trong thời gian 7 ngày làm việc, từ 4/10 đến hết 10/10/2017, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về: Tình hình kinh tế-xã hội và tài chính-ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán tài chính, ngân sách năm 2018; Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một số vấn đề quan trọng khác.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc tham dự Hội nghị
Nội dung được quan tâm trong Hội nghị là Đề án về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong Đề án này nhiều vấn đề được đặt ra như: Sự cần thiết của 3 ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc, Tây Nam, Tây Nguyên, các Ban Chỉ đạo này có tổ chức tương đương cấp Bộ, ra đời trong hoàn cảnh nhất định, đến nay nếu thấy không còn cần thiết thì có thể tính toán sắp xếp lại hợp lý hơn;
Quá trình thảo luận cũng sẽ bàn về sự cần thiết của Ban Chỉ đạo, cải cách tư pháp, cũng như các văn phòng thường trực. Cấu trúc này gắn nhiều với việc triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chỉ đạo đã có những đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, ban hành các luật liên quan đến các cơ quan tố tụng. Nay thể chế đã được hoàn thiện một bước, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có thể được tính toán nhập vào một đầu mối phù hợp hơn, chẳng hạn như Ban Nội chính Trung ương.
Vai trò, nhiệm vụ, chức năng, cơ cấu tổ chức của Đảng ủy khối cơ quan Trung ương và Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cũng được nghiên cứu, hoàn thiện trong sự đồng bộ với mô hình tổ chức đảng ở Chính phủ và các bộ, cơ quan Chính phủ.
Với nội dung tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Trung ương sẽ thảo luận về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng đẩy mạnh tự chủ tài chính, giảm biên chế, tự trang trải, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công; tăng cường, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho xã hội hóa.
Liên quan đến công tác nhân sự, với việc quyết định hình thức kỷ luật với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa qua, UB Kiểm tra Trung ương đã thống nhất đề nghị Bộ Chính trị xem xét, trình Trung ương quyết định theo thẩm quyền. Tại Hội nghị lần này, Trung ương Đảng sẽ bỏ phiếu quyết định hình thức kỷ luật với ông Nguyễn Xuân Anh./.
Ngọc Bích