Dự họp có các đồng chí Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, Nguyễn Quang Thành; Lãnh đạo và thư ký các Tiểu ban tổ chức Đại hội; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế.
Đại hội ASOSAI lần thứ 14 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 - 22/9/2018. Như vậy, tính đến thời điểm này, KTNN chỉ còn đúng một năm để hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội. Đại hội ASOSAI 14 được xác định là sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với KTNN mà còn là sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Chính vì vậy công tác chuẩn bị cho Đại hội cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo.
Theo báo cáo từ Vụ Hợp tác Quốc tế, tính đến ngày 22/9/2017, các Tiểu ban tổ chức Đại hội đang tích cực triển khai công việc được phân công, đảm bảo tiến độ, kế hoạch. Đến nay, KTNN đã nhận được thư xác nhận tham dự Đại hội của 24 tổ chức, trong đó có 20 SAI, 03 cơ quan, tổ chức thuộc INTOSAI và 01 Tổ chức quốc tế; 10 Tổng Kiểm toán và người đứng đầu Tổ chức quốc tế. Trung bình mỗi Đoàn tham dự có từ 4-5 thành viên, riêng Đoàn Trung Quốc cử 10 thành viên và Đoàn Thái Lan cử 15 thành viên.
Tiểu ban Nội dung-Thư ký cũng trình Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng Ban Tổ chức đề xuất cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu tham dự các hoạt động của Đại hội. Theo đó, Đại hội dự kiến đón tiếp gần 80 Đoàn với khoảng 500 đại biểu, khách mời trong nước và quốc tế, gồm: 45 Đoàn SAI thành viên ASOSAI; 08 Đoàn đại diện INTOSAI và các Tổ chức khu vực thuộc INTOSAI: Tổng thư ký, Chủ tịch, Tổng biên tập tạp chí INTOSAI, IDI và các tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao các khu vực châu Phi, châu Âu, Mỹ Latinh và Ca-ri-bê, Đông Nam Á….
Bên cạnh đó là đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Kiểm toán toàn diện Canada, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ, Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Phái đoàn Liên minh châu Âu, Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp EF, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh, Hiệp hội Kế toán công chứng Úc, Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Công ty kiểm toán KPMG, Công ty kiểm toán Deloitte…Ngoài ra còn có 45 Đại sứ các quốc gia có SAI là thành viên ASOSAI.
Về khách mời trong nước, ngoài đại biểu mời từ cơ quan Đảng là Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương còn có đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, Chính Phủ, một số địa phương và một số Trường Đại học và Viện nghiên cứu.
Về phiên dịch, thư ký và dẫn chương trình, Tiểu ban Nội dung-Thư ký cũng đề xuất một số nội dung quan trọng về việc bố trí phiên dịch tại các cuộc họp cũng như các hoạt động khác; nhiệm vụ dẫn chương trình và thông báo thông tin, chương trình Đại hội (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) được dự kiến thuê bên ngoài và sử dụng lực lượng trong Ngành.
Tiểu ban Nội dung-Thư ký cũng đã hoàn thiện dự thảo lần 2 Đề cương tài liệu tập huấn về ASOSAI, Đại hội ASOSAI 14 và Kế hoạch đào tạo của Tiểu ban.
Đối với công tác khảo sát địa điểm tổ chức Đại hội và địa điểm lưu trú cho đại biểu cũng đã được Tiểu ban Tài chính - Hậu cần triển khai thực hiện. Trung tâm Hội nghị quốc gia được lựa chọn là điểm tổ chức các cuộc họp.
Về công tác lễ tân, khánh tiết, Tiểu ban Lễ tân-Khánh tiết cũng đã hoàn thành việc rà soát, đề xuất danh sách công chức KTNN tham gia Tổ Liên lạc viên gồm 105 người. Số lượng cán bộ, công chức tham gia Tổ Liên lạc viên sẽ được tham gia đợt sát hạch để đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia Tổ Liên lạc viên phục vụ Đại hội.
Công tác thông tin, tuyên truyền cũng tích cực được chuẩn bị với việc ban hành Kế hoạch hoạt động chuẩn bị và tổ chức Đại hội; Kế hoạch đào tạo của Tiểu ban cũng như hoàn thiện Bộ nhận diện của Đại hội để xin ý kiến Lãnh đạo KTNN.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế, để chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018, theo Kế hoạch tổng thể của Ban Tổ chức, một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung khiển khai từ nay đến hết năm 2017, như: Ban hành Bộ tài liệu tập huấn của Ban Tổ chức về ASOSAI, Đại hội ASOSAI và kinh nghiệm tổ chức Đại hội trong nước và quốc tế; Các Tiểu ban dự thảo các Kịch bản chi tiết của Tiểu ban trình Trưởng Tiểu ban, Trưởng Ban Tổ chức phê duyệt; Ban hành và triển khai Kế hoạch tuyên truyền về Đại hội; Các Tiểu ban tổ chức tập huấn theo Kế hoạch tập huấn của Tiểu ban; Mời chuyên gia nước ngoài (Ma-lai-xi-a) trực tiếp tư vấn, hướng dẫn vận hành hệ thống phần mềm bỏ phiếu điện tử; Ban hành các kịch bản chi tiết; Thông qua chương trình nghệ thuật phục vụ Đại hội; Thông qua chương trình tham quan văn hóa của Đại hội; Thông qua phương án bố trí xe phục vụ đại biểu dự Đại hội và người đi cùng; Thông qua thiết kế quà tặng; Thông qua nội dung, tài liệu cho các cuộc họp, hoạt động Đại hội.
Cũng tại cuộc họp, Lãnh đạo KTNN cũng cho ý kiến về Bộ nhận diện của Đại hội ASOSAI 14. Bộ nhận diện Đại hội gồm: Hệ thống nhận diện văn phòng (các loại sổ, túi, cặp, phong bì, giấy mời, folder đựng tài liệu, các loại biển, các loại thẻ,…); Hệ thống tuyên truyền quảng bá trực quan (phông màn, biển chỉ dẫn, banner, áp phích, cờ phướn, đề can, sơ đồ, trang phục, quà tặng…). Bộ nhận diện Đại hội được thiết kế với gam màu chủ đạo là màu xanh (lá cây và nước biển), phù hợp với chủ đề của Đại hội là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Các logo và hình ảnh được thể hiện ở Bộ nhận diện là logo của KTNN Việt Nam, logo Đại hội 14 và logo của tổ chức ASOSAI…
Phát biểu tại cuộc họp, đa số các ý kiến cơ bản đồng thuận với những nội dung được Vụ Hợp tác Quốc tế và Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền báo cáo. Một số ý kiến đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế và các Tiểu ban cần nghiên cứu và đề xuất về thành phần đại biểu khách mời đảm bảo tính toàn diện và phù hợp với một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Các công tác khác như chuẩn bị công tác thông tin tuyên truyền, mời các cơ quan báo đài dự đưa tin, công tác phiên dịch và dẫ chương trình cũng được các đại biểu dự họp cho ý kiến cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cơ bản đồng tình với các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, đồng thời đề nghị Vụ Hợp tác Quốc tế và các Tiểu Ban rà soát lại các công việc theo đúng chức năng và nhiệm vụ của Tiểu ban mình để triển khai công việc đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng yêu cầu Tiểu ban Nội dung-Thư ký bổ sung thêm thành phần đại biểu khách mời, cụ thể: Mời các cơ quan Đảng; các cơ quan Quốc hội; các tổ chức kiểm toán quốc tế có uy tín tại Việt Nam; mời đại diện 5 Viện nghiên cứu, 10 Trường Đại học và các tổ chức nghề nghiệp. Đối với các địa phương, mời 5 tỉnh, thành phố trực thuộc TW…
Đối với Đoàn đại biểu của KTNN Việt Nam dự Đại hội, ngoài Tổng Kiểm toán nhà nước và 1 Phó Tổng Kiểm toán nhà nước còn có Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ&KSCLKT, Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế, Thanh Tra, KTNN chuyên ngành Ia, chuyên ngành II, chuyên ngành V, chuyên ngành VI và KTNN khu vực I, KTNN khu vực IV, Giám đốc trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán.
Cho ý kiến về Bộ nhận diện Đại hội, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền tiếp tục phối hợp với đơn vị thiết kế nghiên cứu lại hình ảnh đại diện phù hợp với văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam; hoàn thiện thêm các nội dung trên thẻ đại biểu, màu sắc của các chữ cũng như nghiên cứu đề xuất nội dung quà tặng, đảm bảo bản sắc của dân tộc Việt Nam…
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo các Trưởng Tiểu ban quan tâm, đôn đốc các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đẩy nhanh tiến độ công việc, phối hợp và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, đảm bảo chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức Đại hội ASOSAI 14./.
D. Thúy