Tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có diễn biến tích cực
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đề ra các biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; cắt giảm chi phí sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2017 tiếp tục có diễn biến tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng được kiểm soát, duy trì mức thấp hơn mục tiêu của Quốc hội; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng khá.
Nổi bật là lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Tính đến ngày 21/8/2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,06% so với tháng 12 năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,01%).
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của 8 tháng ước đạt trên 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội giao, xấp xỉ bằng cùng kỳ năm trước (39%) và bằng 44,3% kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Sau gần 1 tháng thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP, có 11/44 Bộ, ngành và 15/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao trên 60%; tuy nhiên vẫn còn 13/44 Bộ ngành và 4/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 30%.
Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8/2017 ước đạt 1,23 triệu lượt khách, tăng 18,5% so với tháng trước, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế ước đạt 8,47 triệu lượt khách/mục tiêu 13 triệu lượt khách cả năm 2017, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 8 tháng tăng 6,7%, tiếp tục xu hướng tăng so với mức tăng trưởng của 7 tháng (6,5%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (7,2%). Khai khoáng giảm 6,9% so với cùng kỳ, sản xuất điện tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 12,3%) do năm nay mưa nhiều, nhu cầu tiêu thụ điện năng ít hơn.
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu; trong đó diện tích thu hoạch lúa hè thu ước đạt gần 1 triệu ha, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp phấp đấu đạt mục tiêu xuất khẩu nông nghiệp đạt 35 tỷ USD.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8 cũng có xu hướng tốt nhất kể từ đầu năm 2017. Tính chung cả 8 tháng năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 104.511 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký mới là 822 nghìn tỷ.
Cũng trong tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ đã có phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, trong đó có thảo luận về cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hiện theo thống kê có tới 5.719 điều kiện kinh doanh. Thủ tướng giao Tổ công tác của Thủ tướng tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết.
Cần tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính
Bên cạnh tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những điểm sáng quan trọng, nhưng theo đánh giá của các thành viên Chính phủ vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như: Công nghiệp đang trên đà phục hồi nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) vẫn thấp hơn so với cùng các năm trước; Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn; Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh…
Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn dài ngày hơn nuôi gà.
Bên cạnh đó, vẫn còn vấn đề về thuế, phí đối với doanh nghiệp, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan lên tới 35%, Chính phủ đã yêu cầu phải giảm còn 15%. Sắp tới Tổ công tác sẽ tiếp tục kiểm tra từng Bộ, ngành về từng thủ tục kiểm tra và các bộ sẽ phải giải trình về từng thủ tục, nếu thủ tục nào không cần thiết hoặc kiểm tra nhiều mà phát hiện quá ít vi phạm thì mời Bộ bãi bỏ.
Cùng với đó là các quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao.
Tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu
Về nhiệm vụ trong những tháng cuối năm và thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan phải tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đưa ra những giải pháp thiết thực khác, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT, VCCI (Bộ KH&ĐT kiến nghị cắt giảm và sửa đổi gần 2.000 điều kiện kinh doanh); sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Theo Thủ tướng Chính phủ, hiện cả nước đã đi được 2/3 chặng đường của năm 2017, trên cơ sở đánh giá tình hình 8 tháng đầu năm và dự báo những tháng cuối năm, ước thực hiện 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm nay đều đạt và vượt mục tiêu đề ra (8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch). Trong đó, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,7% như đã đề ra và xuất khẩu dự kiến tăng hơn 14%, gấp đôi so với mục tiêu đã đề ra.
Việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong khi các chỉ tiêu khác đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra là một cố gắng lớn trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc đạt được mục tiêu trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đi vào cụ thể từng lĩnh vực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2017, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế; bên cạnh đó còn có sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân.
Trên cơ sở ước thực hiện năm 2017, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2018, Chính phủ đã dự kiến mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Được biết, tính từ đầu năm tới ngày 29/8/2017, có tổng số 13.672 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 7.455 nhiệm vụ đã hoàn thành; còn 6.217 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn 5.996, quá hạn 221 - chiếm 2,8%, giảm 0,4% so với tháng trước).
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách giá phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung điều hành tỷ giá linh hoạt hơn nữa, giảm lãi suất tín dụng cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát trên tinh thần từ nay tới cuối năm phải giảm tiếp 0,5% lãi suất cho vay. Thực hiện kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nâng cao hiệu quả điều hành thị trường ngoại hối, vàng nhằm phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh. Đi liền với đó là xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng.
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia./.