UBTVQH cho ý kiến điều chỉnh kế hoạch vốn và phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 17/8, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chính phủ năm 2017 và việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016.

 
Thu hồi hơn 860 tỷ đồng phân bổ không đúng quy định
 
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, Chính phủ đề nghị thu hồi 867,942 tỷ đồng một số dự án đầu tư của 5 Bộ, ngành và 2 địa phương không giao được vốn do không đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc đã đề ra hoặc không có nhu cầu sử dụng, không thể điều chuyển trong nội bộ các đơn vị. Trong đó, đối với vốn trong nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho việc xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao và dự án đầu tư phát triển, mở rộng Nhà máy in tiền quốc gia của Ngân hàng Nhà nước bởi tiến độ giải ngân của 2 dự án trên rất thấp. Đối với vốn ngoài nước, Chính phủ đề nghị thu hồi 687,957 tỷ đồng vốn ODA vay của Ấn Độ và các dự án có cơ cấu hỗn hợp. Số vốn này Chính phủ đề nghị điều chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu bố trí vốn.
 
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội nhận thấy việc phân bổ và giao dự toán không thực hiện được, phải điều chỉnh dự toán là do công tác xây dựng dự toán chưa sát, lập phương án phân bổ ngân sách trung ương chưa bám sát tiêu chí, nguyên tắc ưu tiên. Do vậy, vẫn tồn tại những dự án không có trong danh mục đầu tư công trung hạn hoặc không đủ thủ tục đầu tư vẫn được bố trí vốn. Đối với vốn ngoài nước, nhiều dự án hoàn thành hoặc kết thúc Hiệp định trong năm 2017 theo cam kết với Nhà tài trợ nhưng không được ưu tiên bố trí vốn hoặc bố trí không đủ.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí thu hồi 179,985 tỷ đồng đã bố trí cho dự án của Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước, chuyển cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng của Bộ Quốc phòng và Ban cơ yếu Chính phủ, đây đều là các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và sẽ hoàn thành trong năm 2017.
 
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ, thu hồi 687,957 tỷ đồng vốn ODA vay của Ấn Độ và các dự án ODA có cơ cấu hỗn hợp. Đối với khoản vốn này, Ủy ban TCNS cũng có ý kiến cụ thể với từng khoản vốn bổ sung.
 
Việc bổ sung 453,235 tỷ đồng cho các địa phương triển khai các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa số các ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí bố trí vốn của Dự án phát triển trung học cơ sở khu vực giai đoạn 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo lập dự toán của địa phương được điều chuyển về cho những địa phương chưa lập dự toán như Chính phủ trình.
 
Đối với việc bố trí vốn cho dự án của các địa phương có Hiệp định kết thúc vào năm 2017 nhưng chưa được bố trí đủ vốn như cam kết với nhà tài trợ, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với việc bố trí vốn thực hiện các dự án của tỉnh Long An, An Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên do các địa phương này đều là những địa phương nghèo, nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương và các dự án này dự kiến kết thúc vào năm 2017 theo cam kết với nhà tài trợ nhưng thiếu vốn thực hiện.
 
Đối với việc bổ sung 103,83 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh, đa số ý kiến nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng đây cũng là những dự án cấp bách, thời hạn kết thúc vào cuối năm 2017 nên cần ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh theo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đây là phần vốn thuộc Trung ương quản lý nên không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn xây dựng cơ bản ngân sách địa phương của Thành phố.
 
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đánh giá cao sự thẳng thắn, nghiêm túc và quyết tâm của Chính phủ khi quyết định thu hồi về ngân sách Trung ương 867,942 tỉ đồng của các Bộ, ngành và địa phương do phân bổ không đúng và không có nhu cầu sử dụng. Nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH cho rằng việc xây dựng dự toán không sát và tiến độ thực hiện chậm, dẫn đến việc bố trí vốn cho các công trình, dự án có tốc độ giải ngân quá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn, buộc phải xem xét, điều chuyển vốn là chưa thật sự hợp lý. Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành rút kinh nghiệm trong quá trình lập dự toán, bám sát các tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn và tiến độ giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra, đồng thời làm rõ nguyên nhân giải ngân vốn chậm của các dự án, từ đó có giải pháp khắc phục.
 
Phân bổ 2.512 tỷ đồng kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2016
 
Cũng trong phiên làm việc sáng 17/8/2017, UBTVQH đã cho ý kiến về việc phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2016. Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày, ngân sách Trung ương năm 2016 chỉ còn hụt 321 tỷ đồng so với dự toán, giảm nhiều so với số báo cáo Quốc hội vào tháng 10/2016 (hụt từ 8-10 nghìn tỷ đồng). Thu ngân sách địa phương vượt khá lớn (82,39 nghìn tỷ đồng, thuộc thẩm quyền quyết định phân bổ, sử dụng của HĐND cấp tỉnh) nhưng chủ yếu vượt thu từ đất. Tuy nhiên, vẫn có 12 địa phương bị hụt thu cân đối. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương này sử dụng hết các nguồn lực tại chỗ và các nguồn lực hợp pháp khác để ổn định cân đối ngân sách nhưng vẫn còn 7 địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương do các nguyên nhân khách quan như giá dầu giảm, hạn hán, sự cố môi trường biển do Formosa gây ra… dẫn đến hụt thu cân đối lớn, chưa có nguồn để xử lý.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện nhiệm vụ chi theo dự toán đã bố trí, nguồn kinh phí còn lại của NSTW đến hết năm 2016 là 2.512 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu và cân đối nguồn lực, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn kinh phí còn lại này để bù đắp số hụt cân đối NSTW năm 2016 là 321 tỷ đồng; hỗ trợ bù đắp giảm thu cân đối ngân sách địa phương năm 2016 là 1.691 tỷ đồng; hỗ trợ TP Hồ Chí Minh đầu tư các dự án cấp bách 500 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ kiến nghị không sử dụng nguồn kinh phí còn lại này để thưởng vượt thu phân chia giữa NSTW và ngân sách địa phương năm 2016. Nguyên nhân do NSTW năm 2016 bị giảm thu 321 tỷ đồng, nhu cầu chi phải bảo đảm lớn, rất cần có sự chia sẻ của các địa phương. Do vậy, kiến nghị không xử lý thưởng vượt thu năm 2016 cho 7 địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa.
 
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với phương án phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí còn lại của NSTW năm 2016. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm vì trong điều kiện NSNN hết sức khó khăn, bội chi còn ở mức cao, nợ công sát trần quy định, việc xem xét, bố trí vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả là căn cứ quan trọng trong việc quyết định dự toán NSNN hàng năm. Trong khi nhiều chính sách chưa thực hiện được do thiếu nguồn bố trí hoặc nhiều dự án, công trình do thiếu vốn phải giãn, hoãn tiến độ thì nhiệm vụ chi cho phát triển con người, chi an sinh xã hội đã được bố trí trong dự toán nhưng không thực hiện được là chưa hợp lý./.
 
Ngọc Bích