Tọa đàm Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 và Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 25/4/2017, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, KTNN đã tổ chức buổi tọa đàm về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 (Nghị quyết) và Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (Nghị định). TS. Cao Tấn Khổng – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước chủ trì buổi Tọa đàm.

 
Tham dự Tọa đàm có ông Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán, kiểm toán Việt Nam, bà Phạm Thúy Hạnh- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; đại điện: Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của QH, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Bắc Ninh; Học viện Tài chính, Học viện Hành chính quốc gia và trường Đại học Luật Hà Nội.

Về phía KTNN có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, các thành viên ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị quyết và Nghị định.

Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 về trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung câp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; giải quyết tố cáo trong hoạt động kiểm toán; xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước.

Với 5 Chương, 17 Điều, Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết, Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016 là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tài chính theo hướng thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về KTNN. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cho thấy một số quy định của Luật cần phải được hướng dẫn chi tiết, cụ thể.
 
 Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, trên thực tế hoạt động các lĩnh vực, hệ thống pháp luật luôn điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh nhất thiết phải bao gồm các quy định về chế tài để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, chưa có chế tài cụ thể nào của nhà nước quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN của đơn vị được kiểm toán, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán. Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm toán chưa nghiêm, phần nào đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động của KTNN. "Chính vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là hết sức cần thiết, tạo điều kiện triển khai thi hành Luật KTNN năm 2015 đảm bảo thuận lợi, hiệu quả“ - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, buổi Tọa đàm về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015 và Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài ngành, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện các quy định, làm cơ sở thực hiện Luật KTNN năm 2015 một cách có hiệu lực và hiệu quả. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để KTNN tham khảo, nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền thông qua và ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung về các quy định chi tiết một số điều về Luật KTNN năm 2015; những nội dung chi tiết trong dự thảo Nghị định, Nghị quyết như: Quy định về nhận báo cáo và trình ý kiến của KTNN, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan, ý kiến của KTNN, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động kiểm toán nhà nước... Có ý kiến đề nghị KTNN nên xem xét, rà soát lại các quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, phân biệt mức tiền phạt đối với cá nhân và đối với tổ chức cho phù hợp với một số Điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Làm rõ phạm vi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết đỉnh xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc KTNN tương đương với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra... cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN... Cũng có ý kiến cho rằng, nên bổ sung một Điều về quản lý tiền phạt vi phạm hành chính, trong đó, quy định rõ tiền phạt vi phạm hành chính được nộp vào NSNN kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật xử lý vi phạm hành chính, để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong quản lý tiền phạt, tránh hiểu lầm từ phía đơn vị bị xử phạt...

Phát biểu kết luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến tham gia tại buổi Tọa đàm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN sẽ nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu, sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và Nghị định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ./.
 
M. Thúy