Ban chỉ đạo tổ chức Đại hội ASOSSAI 14 tổ chức họp lần thứ nhất: Bàn thảo nhiều nội dung quan trọng

(kiemtoannn.gov.vn)- Chiều 31/3/2017, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Ban chỉ đạo tổ chức Đại hội Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSSAI) 14 đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất nhằm triển khai Nghị Quyết 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017 về Đề án tổng thể tổ chức Đại hội ASOSAI 14 và Nghị Quyết 346/NQ-UBTVQH14 ngày 06/02/2017 về Thành lập Ban Chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
 

 
Dự họp có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái; Thứ trưởng bộ Y tế Lê Quang Cường; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã VN Đinh Văn Quang; Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ninh Vũ Văn Diện, cùng đại diện một số Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban chỉ đạo. Về phía KTNN có Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo; Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của KTNN.
 
Tại phiên họp, thay mặt KTNN – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên báo cáo một số nội dung về đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14, công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội và kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 13 được tổ chức tại Malayxia đã phê chuẩn KTNN Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018. Đây là sự kiện đối ngoại mang tính bước ngoặt, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến vai trò và vị thế của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn 2015-2024 và trong tương lai. Theo đó, KTNN Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị thành viên Ban Điều hành ASOSAI trong giai đoạn 2015-2024, tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây vừa là cơ hội để KTNN Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thực hiện trách nhiệm, khẳng định vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với một cơ quan với lịch sử hình thành, phát triển còn trẻ như KTNN Việt Nam, chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế so với nhiều cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực từng đảm đương vị trí này.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: Xác định những trọng trách và nhiệm vụ quan trọng trên cương vị mới, để tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 14 vào năm 2018, ngay từ khi chính thức được lựa chọn là nước chủ nhà, KTNN Việt Nam đã sớm triển khai tích cực công tác chuẩn bị Đại hội, chú trọng xây dựng Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14, đề ra phương hướng và các nhiệm vụ cụ thể và việc thành lập bộ máy tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội.Năm 2015, KTNN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024.
 
Đặc biệt, sau một quá trình nỗ lực chuẩn bị của KTNN Việt Nam và sự phối hợp của các cơ quan, Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Đề án tổng thể tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Nghị quyết 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017.Theo đó, Đại hội sẽ diễn ra trong 07 ngày, từ 16-22/9/2018. Lễ khai mạc của Đại hội sẽ được tổ chức vào ngày 19/9/2018 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia. Nội dung chính trong Chương trình nghị sự của Đại hội bao gồm: phiên khai mạc, phiên họp toàn thể lần thứ nhất, Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, phiên họp toàn thể lần thứ hai, cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 52, 53.
 
Về bộ máy chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam,theo Nghị quyết số 346/NQ-UBTVQH14 ngày 06/2/2017 của UBTVQH, Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Ban, Tổng Kiểm toán nhà nước làm Phó Trưởng ban thường trực và thành viên là đại diện lãnh đạo của KTNN và 12 Bộ, ngành và địa phương trong nước, gồm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Ban Tuyên giáo trung ương; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Thông tin truyền thông; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
 
Để triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội, Ban Tổ chức do Tổng Kiểm toán nhà nước làm Trưởng Ban Tổ chức. Giúp việc cho Ban Tổ chức có Tổ Thư ký và 05 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Nội dung – Thư ký; Tiểu ban Tài chính – Hậu cần; Tiểu ban Lễ tân – Khánh tiết; Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền; và Tiểu ban An ninh – Y tế.
 
Về nội dung chủ đề thảo luận chuyên môn tại Đại hội ASOSAI 14 đã được 11 SAI thành viên Ban Điều hành ASOSAI thông qua tại In-đô-nê-xi-a vào tháng 2/2017 là "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Chủ đề này sẽ thể hiện những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc nói riêng và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói chung.
 
         
 Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu
 
Bên cạnh đó, Đại hội cũng sẽ ra tuyên bố Hà Nội sau khi kết thúc Đại hội ASOSAI 14.Tuyên bố Hà Nội là tổng kết những kết quả làm việc quan trọng nhất của Đại hội ASOSAI 14 và phản ánh cam kết, hành động của cộng đồng ASOSAI đối với các mục tiêu phát triển của ASOSAI giai đoạn 2016-2021 trong đó chú trọng vào việc chia sẻ kiến thức giữa các SAI thành viên. Tuyên bố Hà Nội cũng khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của thế giới nói chung và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng trên cơ sở kết quả của Hội nghị chuyên đề lần thứ 7. Ngoài ra, Tuyên bố Hà Nội cũng sẽ xác định các phương hướng, nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ cấu tổ chức của ASOSAI nhằm thúc đẩy sự phát triển và mang lại giá trị cho các SAI thành viên.
 
Tại phiên họp, các thành viên tham dự đã thảo luận một số nội dung, cách thức tổ chức Đại hội, kế hoạch triển khai thời gian tới như: Công tác lễ tân, khánh tiết, hậu cần; công tác thông tin, tuyên truyền về Đại hội; Xây dựng chủ đề Đại hội; Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu của Đại hội; Công tác y tế, an ninh của Đại hội…
 
Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban chỉ đạo cần thống nhất cao, phối hợp tổ chức Đại hội ASOSAI 14 theo đúng tinh thần của Nghị Quyết 345/NQ-UBTVQH14 ngày 25/01/2017 của UBTVQH.
 
Phó Chủ tịch Quốc Hội yêu cầu, KTNN Việt Nam với vai trò cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Ban chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quanđể triển khai công tác chuẩn bị Đại hội. Trước hết, thành lập Ban Tổ chức với Tổ thư ký và 05 tiểu ban giúp việc. Từng tiểu ban cần xây dựng các các chương trình làm việc chi tiết theo đúng tinh thần của Nghị Quyết 345 và các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương nêu ra tại cuộc họp, đảm bảo các công tác tổ chức Đại hội được chuẩn bị bài bản, chuyên nghiệp, hướng tới việc tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
 
         
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 
Trong quá trình xây dựng chương trình làm việc, các tiểu ban cần lưu ý, đại hội ASOSAI có khoảng 400 đại biểu đại diện của 46 cơ quan kiểm toán tối cao và đại diện của một số tổ chức quốc tế nên công tác tổ chức phải chặt chẽ, hậu cần chu đáo, an ninh và y tế đảm bảo; Cần có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả; Vấn đề tài chính cần tính toán kỹ lưỡng, chi tiết, hiệu quả để báo cáo Quốc hội đưa vào kế hoạch ngân sách năm 2018.
 
Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tham dự cuộc họp; đồng thời cam kết với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, KTNN Việt Nam sẽ nhanh chóng thành lập Ban Tổ chức Đại hội, cũng như xây dựng chương trình làm việc chi tiết của các tiểu ban để xin ý kiến Ban chỉ đạo trong phiên họp lần thứ hai./.
 
Ngọc Bích