Xây dựng đề cương Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính

(kiemtoannn.gov.vn)-Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 2017, chiều 30/3, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán đã có buổi họp cho ý kiến về nội dung đề cương Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính. Tham gia buổi làm việc có Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng và các thành viên trong Tổ soạn thảo.

Tại buổi làm việc, Ông Ngô Minh Kiểm cho rằng việc ban hành tài liệu Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính là nhu cầu hết sức cần thiết, song đây là văn bản mới, có nhiều nội dung khó, do đó các thành viên trong tổ soạn thảo cần có định hướng rõ ràng để xây dựng văn bản trợ giúp công tác kiểm toán của kiểm toán viên. 

Theo đề cương sơ bộ, tài liệu hướng dẫn gồm 03 chương: Những quy định chung; Chính sách xác định trọng yếu kiểm toán và Vận dụng, trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính. Trong đó nội dung Vận dụng, trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính được chia thành 03 giai đoạn: Khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán; Thực hiện kiểm toán; Hình thành ý kiến và lập báo cáo kiểm toán. Ngoài nội dung 03 chương, tài liệu hướng dẫn sẽ có thêm các mẫu biểu giai đoạn khảo sát thông tin, các mẫu biểu thuộc kế hoạch kiểm toán tổng quát và các mẫu biểu thuộc kế hoạch kiểm toán chi tiết.

Qua trao đổi, thảo luận, các thành viên trong Tổ soạn thảo đã làm rõ những vướng mắc trong quá trình xây dựng tài liệu hướng dẫn. Tổ soạn thảo cũng đã tiến hành phân công nhiệm vụ để các thành viên chịu trách nhiệm nội dung từng chương. Qua các ý kiến trao đổi tại buổi họp, ông Ngô Minh Kiểm, Vụ trưởng Vụ Chế độ & Kiểm soát chất lượng kiểm toán yêu cầu các cán bộ được giao nhiệm vụ cần thu thập, nghiên cứu tài liệu, rà soát, hoàn thiện đề cương - cơ sở để xây dựng tài liệu hướng dẫn phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.

Dự kiến, Tổ soạn thảo sẽ hoàn thành đề cương vào tháng 5/2017.