Tọa đàm kỷ niệm 20 năm thành lập Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 16/3/2017, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức tọa đàm kỷ niệm 20 năm thành lập. Buổi tọa đàm có sự tham dự của Ông Hồ Đức Phớc - Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước; các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Cao Tấn Khổng, Vũ Văn Họa và nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Ngọc Son.

Trường Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ kiểm toán - tiền thân là Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ được thành lập ngày 10/3/1997 theo Quyết định số 142/TTg của Thủ tướng Chính phủ, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học về kiểm toán và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho kiểm toán viên của KTNN. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất song hoạt động của Trường đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực đội ngũ công chức, kiểm toán viên nhà nước. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được Trường chủ trì xây dựng và hoàn thiện theo hướng trang bị các kiến thức lý luận gắn liền với thực tiễn hoạt động của KTNN theo từng lĩnh vực kiểm toán từ cấp độ cơ bản đến chuyên sâu. Đặc biệt, năm 2015, Trường đã xây dựng được hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước gồm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn theo ngạch, bậc kiểm toán viên và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo lĩnh vực và cấp độ.

Trong hoạt động khoa học công nghệ, 363 đề tài các cấp được bảo vệ thành công và ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần tích cực vào việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, xây dựng hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp kiểm toán và quản lý chất lượng kiểm toán. Bên cạnh đó, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán đã được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước chính thức công nhận để tính điểm công trình khoa học kể từ năm 2015.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Với sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho KTNN, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận để tìm giải pháp nâng cao chất lượng quản lý đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Các đại biểu cho rằng, để hoạt động đào tạo bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội được đa dạng hơn, có sức lan tỏa lớn hơn thì cần phải có sự thay đổi mang tính đột phá cả về chất lượng và phương thức triển khai, trong đó, có hai yếu tố cơ bản là: gia tăng tỷ trọng chuyên môn chất xám và tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cần hướng đến đẩy mạnh hoạt động tư vấn cho các đơn vị, xây dựng mô hình đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, mô phỏng thực tế, tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng nêu rõ những tồn tại cần khắc phục như sự thiếu hụt nguồn nhân lực, thiếu giảng viên cơ hữu và lực lượng nghiên cứu. Cùng với đó là những thách thức trong việc xác lập và làm hài hòa mối quan hệ giữa lý thuyết và thực tiễn kiểm toán; giữa nghiên cứu lý luận gắn với thực tế sinh động của hoạt động kiểm toán quản lý kinh tế tài chính...

Ghi nhận những đóng góp của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đối với sự phát triển của Ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường trong thời gian qua đã giúp đội ngũ công chức, kiểm toán viên của KTNN nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, góp phần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, uy tín hoạt động kiểm toán của KTNN. Những kết quả nghiên cứu khoa học là những luận cứ quan trọng góp phần vào việc củng cố và nâng cao địa vị pháp lý của KTNN, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý kinh tế tài chính, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính quốc gia.

Tổng Kiểm toán nhà nước mong muốn, trong thời gian tới, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của KTNN. “Trường cần có chính sách thu hút các chuyên gia giỏi, cần có chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho kiểm toán viên bên cạnh đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, chương trình đào tạo cần gắn liền với thực tiễn để hướng tới xây dựng Trường thành trường đào tạo nghề ” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Thay mặt tập thể cán bộ, viên chức của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Ông Lê Đình Thăng - Giám đốc Trường cảm ơn các thế hệ Lãnh đạo KTNN, các nhà khoa học, các thầy cô giáo trong và ngoài Ngành đã đóng góp công sức cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của Ngành và luôn đồng hành với quá trình xây dựng và phát triển của Trường.

Thanh Hà