(Kiemtoannn.gov.vn)- Ngày 3/3/2017, tại Hà Nội, Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước (KTNN) họp cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật KTNN (Nghị quyết) và dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Nghị định). Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước chủ trì phiên họp.
Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Hữu Hải, Hàm Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng; Đặng Nguyên Bình, Phó Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức Trung ương; Trần Văn Dũng, Kiểm tra viên chính, Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra TW.
Cùng dự họp có các đồng chí ủy viên Ban cán sự, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hoàng Hồng Lạc, Cao Tấn Khổng, Đoàn Xuân Tiên, Nguyễn Quang Thành; đại diện lãnh đạo các đơn vị tham mưu, Trường ĐT&BDNVKT, Văn phòng Đảng-Đoàn; Tổ soạn thảo Nghị quyết và Nghị định.
Báo cáo về tình hình xây dựng Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015, Q.Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Dũng cho biết, thực hiện Kế hoạch xây dựng Nghị quyết và Nghị định của KTNN, đến nay Vụ Pháp chế đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết lần thứ 4. Tại dự thảo Nghị quyết được đưa ra xin ý kiến lần này, về bố cục, dự thảo Nghị quyết gồm 9 điều, ngoài quy định về phạm vi hướng dẫn và điều khoản thi hành, Nghị quyết hướng dẫn thi hành 7 nội dung của Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 gồm: Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; tiêu chuẩn xét chuyển và bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính đối với công chức đang giữ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; tiêu chuẩn xét chuyển và bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp đối với công chức đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước; kiểm toán đối với doanh nhiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống; giải quyết tố cáo trong hoạt động kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước.
Cũng theo ông Lê Anh Dũng, đa số các ý kiến tham gia góp ý cho dự thảo lần 4 của Nghị quyết đều đồng tình với nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần xin ý kiến của BCS Đảng KTNN. Cụ thể: Về phạm vi quy định chi tiết, có ý kiến đề nghị bổ sung hướng dẫn khoản 10 Điều 55 về kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống; Về trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật KTNN. Các ý kiến đều cho rằng, cần xem xét thời gian trình và nội dung ý kiến của KTNN trình Quốc hội để đảm bảo tính khả thi; Về chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước, các ý kiến cho rằng quy định này là không cần thiết và đề nghị không quy định trong Nghị quyết; Về xét chuyển ngạch công chức từ chuyên viên chính hoặc tương đương bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính; chuyển ngạch từ chuyên viên cao cấp hoặc tương đương bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp tại Điều 24, Điều 25 Luật KTNN. Các ý kiến đều cho rằng Luật KTNN năm 2015 chưa quy định rõ việc bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên đối với trường hợp chuyển ngạch từ chuyên viên chính hoặc tương đương bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính; chuyên viên cao cấp hoặc tương đương bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp, nên khó khăn trong triển khai thực hiện, đặc biệt là việc thu hút những người có năng lực, kinh nghiệm công tác về làm việc tại KTNN. Có ý kiến đề nghị quy định việc chuyển ngạch kiểm toán viên phải được thống nhất cho cả 3 ngạch (Kiểm toán viên, Kiểm toán viên chính, Kiểm toán viên cao cấp); Về nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước tại khoản 3 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 58 Luật KTNN. Đa số các ý kiến cho rằng dự thảo chỉ cần đưa ra quy định thông tin, tài liệu đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân cung cấp cho KTNN bao gồm cả dữ liệu điện tử là đủ; không quy định cụ thể dữ liệu điện tử bao gồm những gì; không cần thiết quy định quyền của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước. Một số ý kiến khác đề nghị quy định chi tiết về dữ liệu điện tử…
Về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, theo ông Lê Anh Dũng, sau khi có ý kiến đồng ý của Chính phủ, KTNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan soạn thảo dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định bao gồm 5 chương, 16 điều. Chương I: Những quy định chung, gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về mức phạt tiền; thời hiệu xử phạt; trách nhiệm quản lý công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Chương II: Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, gồm 3 điều (từ Điều 8 đến Điều 10). Chương này quy định cụ thể về: Xử phạt hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước; Xử phạt hành vi vi phạm quy định về công khai kết quả kiểm toán; Xử phạt hành vi vi phạm quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Chương III: Thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, gồm 02 điều (từ Điều 11 đến Điều 12). Chương này quy định cụ thể về: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Chương IV: Thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt, gồm 2 điều (từ Điều 13 đến Điều 14). Chương này quy định cụ thể về: Thủ tục ra quyết định kiểm toán; Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Chương V: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (từ Điều 15 và Điều 16). Quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành.
Về việc xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo cũng đề xuất một vài vấn đề cần xin ý kiến: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 24 của Luật này quy định: “Mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực mới chưa được quy định tại khoản 1 Điều này do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội”.
Vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm chính trong lĩnh vực KTNN, cần phải có ý kiến đồng ý của UBTVQH về: Giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN…
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đánh giá cao việc Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo đã làm việc hết sức nghiêm túc, trách nhiệm từ việc xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và kịp thời chỉnh lý, tiếp thu nhiều nội dung quan trọng đã được các đồng chí lãnh đạo KTNN, các đơn vị thuộc KTNN và một số cơ quan hữu quan cho ý kiến.
Một số ý kiến tại phiên họp được thẳng thắn trao đổi nhằm làm rõ hơn các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Về dự thảo Nghị quyết, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng Lạc, nội dung xét chuyển ngạch cần đảm bảo các yếu tố: Khi được bổ nhiệm các ngạch tương ứng phải đảm bảo tiêu chuẩn chung được quy định trong Luật KTNN và có chứng chỉ bồi dưỡng các ngạch. Đối với đối với trường hợp công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm toán nhà nước được bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp. Ngoài ra, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hoàng Hồng lạc cũng yêu cầu Tổ soạn thảo làm rõ hơn nội dung về tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động kiểm toán tại Điều 70 Luật KTNN. Nội dung Nghị định cần cụ thể, chi tiết hơn, tránh xây dựng Nghị định khung, quy định chung chung, gây khó khăn trong triển khai trên thực tế.
Chia sẻ sự đồng tình với quan điểm trên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định thêm sự cần thiết phải ban hành 2 văn bản trên. Việc xây dựng 2 văn bản này nhằm giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai Luật KTNN trên thực tế.
Kết luận phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN năm 2015; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán để KTNN thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao.
Về các nội dung của Nghị quyết còn có ý kiến khác nhau, theo Tổng Kiểm toán nhà nước việc xét chuyển ngạch công chức từ chuyên viên chính hoặc tương đương bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên chính; chuyển ngạch từ chuyên viên cao cấp hoặc tương đương bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp thực hiện theo hướng: Những nội dung nào quy định trong Luật thì tuân thủ, không đưa ra xin ý kiến UBTVQH mà KTNN cần chủ động điều chỉnh quy trình thực hiện trong nội bộ Ngành.
Về bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp đối với trường hợp công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thực hiện theo phương án 2 do Vụ Pháp chế đề xuất, cụ thể: “Trường hợp công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm toán nhà nước được xét bổ nhiệm Kiểm toán viên cao cấp”.
Về nội dung kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống. Theo Tổng Kiểm toán nhà nước không quy định chi tiết trong Nghị quyết vì tại khoản 10 Điều 55 Luật KTNN đã quy định rõ.
Về dữ liệu điện tử, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu cần có phương án cụ thế và cần thiết tham khảo thêm kinh nghiệm nước ngoài cũng như Kiểm toán viên.
Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc cơ quan KTNN thực hiện theo Điều 14 Luật tố cáo năm 2011. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu lấy ý kiến rộng rãi xoay quanh phương án được Vụ Pháp chế đề xuất: Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; xác minh nội dung và kết luận nội dung tố cáo; kiến nghị và chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Về dự thảo Nghị định, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến được đưa ra tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo thêm một bước. Ngoài ra, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, đối tượng có thẩm quyền xử phạt là Tổng Kiểm toán nhà nước và các Kiểm toán trưởng các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực.
Tại phiên họp, Ban cán sự Đảng cũng cho ý kiến về phương án trang phục của cán bộ công chức KTNN. Theo đó, Ban cán sự Đảng KTNN đề nghị nhà thầu tiếp tục hoàn thiện mẫu trang phục; mẫu thiết kế cần được thể hiện qua bản catalogue, sau đó lên hình sản phẩm thật. KTNN sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Ngành, đặc biệt là Kiểm toán viên - đội ngũ sử dụng chính mẫu trang phục này./.
Phương Vân