KTNN tập huấn trực tuyến về hồ sơ mẫu biểu kiểm toán

(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 02/3/2017, tại trụ sở KTNN 111 Trần Duy Hưng – Hà nội và các điểm cầu trực tuyến tại các KTNN khu vực, KTNN đã tổ chức buổi tập huấn trực tuyến về hồ sơ mẫu biểu kiểm toán cho các Kiểm toán viên của các đơn vị trong Ngành.

 
Tại buổi tập huấn trực tuyến , Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Ngô Minh Kiểm đã cập nhật và chia sẻ các các nội dung cơ bản và các điểm cần lưu ý của Quyết định 06/2016/QĐ-KTNN ngày 02/11/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước Ban hành biểu mẫu hồ sơ kiểm toán và Quyết định 10/2016/QĐ-KTNN ngày 28/12/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước Ban hành Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán.
 
Trình bày về danh mục hồ sơ kiểm toán ban hành kèm theo QĐ 10/2016/QĐ-KTNN ngày 28/12/2016, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT đã trao đổi chi tiết về các văn bản, tài liệu của: Hồ sơ kiểm toán chung; Hồ sơ kiểm toán chi tiết; Hồ sơ kiểm toán sau khi phát hành báo cáo kiểm toán và hồ sơ kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng.
 
Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT dành phần lớn thời gian trao đổi về hệ thống biểu mẫu hồ sơ kiểm toán ban hành kèm theo Quyết định 06/2016/QĐ-KTNN ngày 02/11/2016 của KTNN thay thế hệ thống mẫu biểu ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-KTNN ngày 21/06/2011 của KTNN.
 
Ông Ngô Minh Kiểm cho biết, hệ thống mẫu biểu mới ban hành đã bổ sung một số nội dung quan trọng: Đề cương khảo sát thu thập thông tin; Thông báo kết quả kiểm toán của Đoàn; Tờ trình kiểm tra đối chiếu với bên thứ ba; Công văn gửi kho bạc nhà nước; Thông báo kết luận của Lãnh đạo KTNN duyệt KHKT; Thông báo kết luận của Lãnh đạo KTNN duyệt Báo cáo kiểm toán. Quyết định 06/2016/QĐ-KTNN cũng sửa đổi KHKT tổng quát, KHKT chi tiết, nhật ký kiểm toán; Hoàn thiện mẫu "Biên bản kiểm toán" xây dựng cho từng lĩnh vực kiểm toán; Thay "Báo cáo kiểm toán của tổ kiểm toán và các phần đính chính bằng "Thông báo kết quả kiểm toán tại đơn vị".
 
Về nội dung đề cương khảo sát, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT lưu ý: Tên các mục và chỉ tiêu trong các bảng, biểu có thể thay đổi phù hợp với đối tượng kiểm toán và chế độ tài chính, kế toán hiện hành và tùy theo yêu cầu của từng cuộc kiểm toán; Đề cương khảo sát phải được Kiểm toán trưởng phê duyệt trước khi thực hiện; Trước khi thực hiện khảo sát, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải làm công văn gửi đơn vị được kiểm toán kèm theo Đề cương khảo sát đã được duyệt. Trường hợp các nội dung, chỉ tiêu, số liệu, danh sách các đơn vị chi tiết dài có thể đưa ra các phụ lục đính kèm...
 
Về kế hoạch kiểm toán cần lưu ý: Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ; Đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu theo 02 loại rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát để làm căn cứ xác định trọng tâm kiểm toán phù hợp. Xác định trọng tâm/trọng yếu kiểm toán cần chú ý các nội dung có thể có các sai soát ảnh hưởng đáng kể như quy mô lớn, rủi ro có sai sót trọng yếu được xác định là trọng tâm của ngành hay các sai sót, chỉ tiêu có biến động bất thường...
 
Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT cũng chỉ ra một số sai sót thường gặp trong việc lập kế hoạch kiểm toán chi tiết: Nhầm lẫn giữa nội dung và mục tiêu kiểm toán; Thiếu nội dung, mục tiêu so với hoạch kiểm toán đoàn; Phạm vi không phù hợp KHKT đoàn; Phân công việc chưa hợp lý; Phân công kiểm toán thiếu một số nội dung; Phân công không phân định thời gian thực hiện công việc, phân công không rõ việc cho từng người...
 
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT khẳng định việc ghi chép nhật ký của kiểm toán viên là hoạt động rất quan trọng. Qua thực tiễn hoạt động có thể chỉ ra những sai sót thường gặp của việc ghi nhật ký kiểm toán: Thiếu nội dung, sai ngày so với kế hoạch chi tiết; Phần nội dung ghi tất cả nội dung phân công cho cả cuộc cho tất cả các ngày, không ghi rõ kiểm tra gì trong ngày; Cột kết quả và tình hình không ghi gì, ghi dồn vào cuối đợt; Phần sửa đổi kết quả không ghi rõ sửa kết quả ngày nào, diễn giải không rõ ràng; Tổ trưởng không kiểm tra, kiểm soát và ký xác nhận; Chênh lệch giữa Biên bản xác nhận và nhật ký; Không thống nhất về thời gian....
 
Việc lập biên bản kiểm toán (BBKT) cũng cần lưu ý: BBKT phải được thông qua đơn vị được kiểm toán, hoàn thiện và phát hành trước khi lập BCKT của cuộc kiểm toán. BBKT trước khi thông qua (hoặc gửi) cho đơn vị được kiểm toán, Tổ trưởng phải trình Trưởng đoàn xét duyệt và gửi Kiểm toán trưởng cho ý kiến chỉ đạo. BBKT phải được lập trên cơ sở thổng hợp các biên bản xác nhận số liệu của tất cả các kiểm toán viên trong tổ hay nhóm kiểm toán. Biên bản này không thay thế cho biên bản xác nhận của từng Kiểm toán viên...
 
Trao đổi về báo cáo kiểm toán, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT yêu cầu các đơn vị cần lưu ý tránh những sai sót thường gặp: BCKT chưa đánh giá đầy đủ theo mục tiêu kiểm toán, vượt phạm vi kiểm toán, dẫn chiếu văn bản chưa phù hợp và đánh giá còn chung chung. Một số BCKT nêu giới hạn không đúng với thực tế; nhận xét, đánh giá mâu thuẫn, kiến nghị không phù hợp với kết quả kiểm toán./.
 
Ngọc Bích