Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường

(kiemtoannn.gov.vn) - Hiện nay, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm toán đối với việc thực hiện kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đang đẩy mạnh thực hiện kiểm toán chuyên đề chuyên sâu gắn với kiểm toán hoạt động lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như kiểm toán đất đai, khoáng sản và môi trường…nhằm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cử tri.
 
Vấn đề này được bàn thảo tại buổi tọa đàm “Công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường và vai trò của Kiểm toán nhà nước” vừa được KTNN tổ chức tại Hà Nội.
 

 
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo, cán bộ, kiểm toán viên một số đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực trực thuộc KTNN. Đại diện Cục quản lý công sản - Bộ Tài chính.
 
Thực trạng công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường
 
Tại buổi tọa đàm, nhiều bài tham luận của các đại biểu đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến chủ đề buổi tọa đàm: Kinh nghiệm kiểm toán công tác quy hoạch trong chuyên đề quản lý và sử dụng đất khu đô thị; Một số sai sót thường gặp qua kiểm toán thu tiền sử dụng đất đối với các dự án khu đô thị (KTNN khu vực I); Kiểm toán chuyên đề tài nguyên khoáng sản (KTNN khu vực VII); Công tác quản lý đất khu đô thị (KTNN khu vực III); Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản qua hoạt động kiểm toán (KTNN khu vực II); Hướng dẫn đề cương kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị (KTNN khu vực XI); Công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản và vai trò của KTNN (KTNN khu vực VIII); Kinh nghiệm quốc tế về lựa chọn chủ đề và xác định mục tiêu, phương pháp kiểm toán đối với cuộc kiểm toán trong lĩnh vực khai khoáng (Vụ HTQT).
 
Bàn về công tác quản lý đất đai, theo KTNN khu vực XI, lãng phí trong sử dụng và bất cập trong quản lý đất đai là hiện trạng diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn của phát triển kinh tế - xã hội. Những vi phạm về tài chính đất đai cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương như: Miễn giảm, tính giá thu tiền sử dụng đất sai quy định; Công tác quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính trong lĩnh vực này; Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chậm, chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; Chất lượng các Đề án quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng thấp, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong sử dụng đất cũng như chưa đầy đủ căn cứ pháp lý; Chỉ tiêu phê duyệt chưa đảm bảo diện tích đất tối thiểu so với quy chuẩn xây dựng về giao thông, y tế, giáo dục…
 
Trong thực hiện đầu tư xây dựng, nhất là tại các khu đô thị, quy hoạch, kiến trúc đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, bất cập về cơ chế, nhiều nơi bị buông lỏng, thiếu sự phân cấp, phân công hợp lý về chức năng đối với các sở chuyên ngành như xây dựng, quy hoạch - kiến trúc và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong quản lý, theo dõi việc lập, thẩm định, trình duyệt và thực hiện quy hoạch. 
 
Lực lượng cán bộ chuyên trách cho công tác này còn nhiều hạn chế về năng lực. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn tới tình trạng vi phạm quy hoạch diễn ra phổ biến, khó xử lý và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Thời gian qua, dù các cấp, các ngành đã đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm nhưng tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vẫn chưa được cải thiện.
 
Trao đổi về công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, đại diện KTNN khu vực II, VII, VIII đều có chung đánh giá về thực trạng của công tác này. Theo KTNN khu vực VII, qua các báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội, Chính Phủ, Bộ, ngành Trung ương, địa phương cho thấy, việc quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều bất cập: Chưa kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản thực tế và tổn thất khoáng sản trong khai thác; một số địa phương, việc quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến khoáng sản không gắn với nguồn nguyên liệu; nhiều khu vực khai thác khoáng sản tác động xấu đến môi trường sinh sống của người dân và cảnh quan nhưng chưa được khắc phục triệt để, đặc biệt là việc khai thác cát, sỏi ở lòng sông, cửa sông, ven biển không được quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong dư luận xã hội; khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra. 
 
Bên cạnh đó, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã có một số diễn biến phức tạp. Số lượng giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản được cấp gia tăng lớn, trong khi việc đầu tư các dự án chế biến sâu ít được quan tâm. 
 
Tình trạng vi phạm quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường còn khá phổ biến. Hoạt động khai thác cát xây dựng trái phép vẫn còn tồn tại ở hầu hết các địa phương. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức. 
 
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên một phần là do yếu kém trong quản lý nhà nước về khoáng sản, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ. Việc xử lý những vi phạm trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn thiếu nghiêm minh. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật vẫn còn hạn chế, một số quy định về đền bù giải phóng mặt bằng về đất đai chưa thực sự tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án thăm dò và khai thác khoáng sản; chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa cao, chậm đổi mới so với thực tiễn...
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém đó là do sự thiếu minh bạch trong quá trình quản lý, cấp phép, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ; việc xử lý những vi phạm trong thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn thiếu nghiêm minh.  
 
Kết quả quan trọng qua hoạt động kiểm toán và vai trò của Kiểm toán nhà nước
 
Lĩnh vực kiểm toán đất đai, khoáng sản và môi trường là lĩnh vực được KTNN tâp trung thực hiện trong những năm gần đây với nhiều kết quả quan trọng. 
 
KTNN đóng một vai trò quan trọng trong công tác quản lý đất đai, môi trường
 
Theo chia sẻ của đại diện KTNN khu vực I, qua số liệu quyết toán thu ngân sách của các tỉnh, thành phố trong những năm gần đây cho thấy số thu tiền sử dụng đất chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số thu nội địa, tạo nguồn vốn chủ yếu cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương. Qua công tác kiểm toán, KTNN khu vực I đã phát hiện nhiều sai sót trong việc xác định số thu tiền sử dụng đất phải nộp NSNN, tồn tại trong công tác quản lý thu tiền sử dụng đất của các cơ quan quản lý thu, các cấp chính quyền địa phương. Theo KTNN khu vực I, những sai phạm khác thường gặp khác khi kiểm toán thu tiền sử dụng đất là: Việc tính tiền sử dụng đất theo quyết định giao đất có diện tích thấp hơn trên bản đồ quy hoạch chi tiết lệ 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Chưa thực hiện tính tiền SDĐ đối với diện tích tăng thêm khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; Không tuân thủ đúng quy hoạch sử dụng đất của dự án: như xây dựng nhà ở trên khu đất công cộng (đất vườn hoa, cây xanh…); Xác định giá tính tiền SDĐ không phù hợp giá thị trường, không đúng với các văn bản hướng dẫn về xác định giá đất cụ thể; Xác định tiền đền bù, hỗ trợ về đất được khấu trừ vào tiền SDĐ phải nộp không đúng quy định như diện tích đất tính tiền bồi thường, hỗ trợ về đất không đúng với thực tế, quyết định phê duyệt phương án bồi thường của cấp có thẩm quyền; Cơ quan thuế đôn đốc không kịp thời, không tính tiền chậm nộp đối với các tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền sử dụng đất. Có thể thấy, kết quả kiểm toán đã kiến nghị tăng thu ngân sách nhiều tỷ đồng, thông qua hoạt động kiểm toán đã giúp cho chính quyền địa phương chấn chỉnh trong công tác quản lý thu tiền sử dụng đất, ngăn ngừa những tiêu cực trong quản lý nhà nước về tài chính đối với lĩnh vực đất đai. 
 
Đại diện KTNN khu vực II cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, hiện một số quy định của pháp luật về khoáng sản chậm được triển khai, các quy định có tính khả thi chưa cao, Mặc dù hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản năm 2010 đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, nhưng do có một số quy định mới, lần đầu thực hiện như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản nên có khó khăn nhất định. Do đó, một số văn bản liên quan đến hướng dẫn Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hướng dẫn triển khai việc tính tiền cấp quyền khai thác còn chậm. Một số quy định của Luật khoáng sản cần hướng dẫn hoặc quy định chi tiết nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như: Quy định bảo hộ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; hướng dẫn hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt quy hoạch khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được đẩy mạnh nhưng còn chậm, mặc dù các địa phương đã đẩy mạnh công tác lập, trình phê duyệt quy hoạch theo quy định. Các quy hoạch của cả nước chậm được rà soát, điều chỉnh, phê duyệt theo yêu cầu về nội dung của Luật khoáng sản năm 2010, nhất là đã chuyển sang kỳ quy hoạch mới (2016 - 2020). Công tác khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại một số địa phương thực hiện còn chậm; Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản tại một số địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế; cấp phép thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản triển khai chậm; Công tác thanh tra, kiểm tra đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng hiệu quả chưa cao và chưa triển khai thực hiện theo chiều sâu; Công tác giám sát, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, thông báo khắc phục vi phạm (công tác hậu kiểm) còn mang nặng tính hành chính, chưa có cơ chế phù hợp với thực tế nên kém hiệu quả.
 
Mặt khác, việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật chưa cương quyết, chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe, nhất là đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm truy quét, giải tỏa, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn vẫn chưa chấm dứt và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.
 
Trong công tác phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoáng sản chưa có quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản trong việc xác định sản lượng tính thuế. Sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan với chính quyền địa phương trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa hiệu quả. Chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa tích cực xử lý lực lượng khai thác khoáng sản trái phép…
 
Có thể nói, KTNN đóng một vai trò quan trọng trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường. Một trong các vai trò đó là tăng cường tính minh bạch và đảm bảo thông tin công khai tới công chúng về các hoạt động của chính phủ trong lĩnh vực khai thác TNKS; tăng cường quá trình quản lý tài chính lành mạnh và trách nhiệm giải trình công khai. Cả hai vấn đề này đều là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững. 
 
Hơn nữa, sự độc lập của KTNN trong hoạt động kiểm toán đã đặt mình vào vị trí quan trọng để có đánh giá độc lập, khách quan về tính hiệu lực và hiệu quả của các chính sách và quy định của chính phủ và báo cáo về bất kỳ hoạt động khai thác không bền vững nào một cách hợp pháp và đáng tin cậy. 
 
Việc Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 204/QĐ-KTNN ngày 08/02/2017 về việc Ban hành đề cương hướng dẫn kiểm toán việc quản lý và sử dụng đất khu đô thị và Quyết định số 208/QĐ-KTNN ngày 10/2/2017 về đề cương kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016 thực sự có ý nghĩa đối với hoạt động kiểm toán, tạo ra một hướng dẫn chung định hướng cho hoạt động kiểm toán của khu vực từ việc xác định nội dung mục tiêu kiểm toán, phương thức tổ chức kiểm toán, thu thập hồ sơ cũng như các thủ tục kiểm toán cụ thể đến khâu lập báo báo cáo kiểm toán và kiểm tra thực hiện kiến nghị của KTNN.
 
Để tổ chức thành công các cuộc kiểm toán chuyên đề các nội dung trên, các KTNN khu vực có kế hoạch cần xác định rõ loại hình kiểm toán (kiểm toán tuân thủ, kiểm toán báo cáo tài chính) gắn với kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, trong đó đi sâu phân tích đánh giá công tác quản lý, khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản (xác lập các chỉ tiêu để phân tích, so sánh và đánh giá để có kết luận  kiến nghị phù hợp). 
 
Bên cạnh đó, công tác khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán kỹ lưỡng, đảm bảo yêu cầu, chất lượng có đủ thông tin, tin cậy về tài liệu cho khâu thực hiện kiểm toán;  Quy định và hướng dẫn cách xác định và hoàn thiện mục tiêu (mục tiêu chung, mục tiêu, nội dung kiểm toán cụ thể theo từng lĩnh ), hướng dẫn cách thức thu thập thông tin xác định trọng yếu, rủi kiểm toán để lập kế hoạch kiểm toán;... Ngoài ra, KTNN khu vực cần xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho kiểm toán viên về kiểm toán chuyên đề; đặc biệt là xác định các phương pháp kiểm toán cần áp dụng, từ kiểm toán tổng hợp tại các cơ quan quản lý nhà nước đến kiểm toán chi tiết tại các đơn vị trực tiếp thực hiện; kiểm tra thực tế tại hiện trường; phân tích, so sánh  để có đủ căn cứ nhận xét đánh giá, kết luận.../.
 
Phương Vân